Sở dĩ có tâm lý hồi hộp như vậy là vì TP.HCM vừa lãnh một trận mưa khủng khiếp.
Trận mưa tối trời ấy đã làm rối loạn mọi sinh hoạt của người dân, thậm chí qua hôm sau chưa khắc phục xong hậu quả ngập lụt do nó gây ra thì tiếp thêm một trận mưa khác.
Nếu chuyện mưa là ngập ở TP.HCM là một câu chuyện dài chưa có hồi kết thì một vấn đề mang tính thời sự mỗi ngày đáng quan tâm lúc này đó là dự báo thời tiết.
Do sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, ngày nay người ta có thể cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết chính xác không chỉ cho 1 ngày mà có thể kéo dài trong 4 - 5 ngày tiếp theo. Dự báo ấy cho biết trời mưa hay nắng, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch bao nhiêu, khi nào thì núi lửa nổi cơn thịnh nộ, cơn bão hình thành từ đâu và hướng di chuyển của nó như thế nào…
Ở các nước xứ lạnh như Bắc Âu, Bắc Mỹ vào mùa đông, dự báo thời tiết còn cho biết khi nào thì có tuyết rơi, sức gió thế nào với độ chính xác cao. Tại thủ đô Tokyo (có diện tích lớn hơn TP.HCM một chút), người Nhật còn dự báo cho biết quận nào có mưa, quận nào không mưa. Ở các nước phát triển, người dân quan tâm đến dự báo thời tiết cũng không kém gì xem tin chiến sự ở Trung Đông hay cuộc tranh luận của 2 ứng viên tổng thống Mỹ trên truyền hình. Quan tâm đến thời tiết đối với họ đã trở thành thói quen. Đang lái ô tô trên đường, nếu không có nhu cầu nghe nhạc, họ sẽ nghe tin tức từ radio trong xe, giống như tài xế xứ mình nghe thông báo tình hình kẹt xe trên đài VOV giao thông vậy.
Ở VN, tiết mục dự báo thời tiết được cập nhật trên sóng truyền hình và phát thanh trong phần thời sự. Nhưng do nhiều nguyên nhân, phần đông người dân đô thị xứ mình đến nay vẫn chưa có thói quen xem - nghe dự báo thời tiết, một phần vì cách dự báo hiện nay còn quá nhiều thuật ngữ chuyên môn, chưa chuyển tải đơn giản như một cảnh báo đời thường dễ hiểu với đông đảo quần chúng. Song thói quen “gặp nhau làm ngơ” với dự báo thời tiết, nhất là với người dân Sài Gòn, có thể sẽ thay đổi từ sau cơn mưa lịch sử ấy.
Để dân chúng quan tâm đến bản tin dự báo thời tiết, điều tiên quyết là nội dung của nó phải chính xác. Phải thừa nhận những năm gần đây dự báo thời tiết của VN có tiến bộ, ngày càng đáng tin cậy, chứ không phải dự báo theo kiểu “nếu không mưa ở đây thì cũng mưa rải rác đâu đó” thời mấy chục năm trước. Vấn đề còn lại là, ngoài sóng phát thanh, truyền hình, báo chí như hiện nay, cơ quan chức năng cần phải tính đến chuyện chuyển tải các thông tin về thời tiết vào các thiết bị thông dụng, như tin nhắn qua điện thoại di động. Thậm chí rất cần công khai diễn biến thời tiết trên các bảng điện tử công cộng ở nhà ga, phi trường, bến xe, công viên, quảng trường, đường phố...
Và nếu cho biết luôn cơn mưa ấy sẽ kéo dài trong bao lâu, lượng nước đổ xuống bao nhiêu, dự báo những khu vực nào có nguy cơ ngập thì sẽ rất tuyệt. Một khi đã biết trước khu vực mình đang sinh sống thời tiết diễn biến như thế nào, người dân sẽ có cách ứng phó phù hợp, chứ không “méo mặt” như trận mưa không mong đợi vừa rồi.
Bình luận (0)