Dự báo tương lai đại dịch sau Omicron

17/01/2022 06:44 GMT+7

Giới khoa học cảnh báo sau Omicron có thể có thêm biến thể gây lo lắng khác, giữa lúc mức độ lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhiều nơi.

Kể từ khi xuất hiện hồi tháng 11.2021 đến nay, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở ít nhất 149 quốc gia trên thế giới với mức độ lây lan báo động, theo Reuters. So với biến thể Delta, Omicron dường như gây bệnh nhẹ hơn, khiến dấy lên hy vọng nó có thể là khởi đầu của xu hướng làm cho SARS-CoV-2 dần yếu đi, gây bệnh như cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây cảnh báo sự tấn công của Omicron cho thấy nó chắc chắn không phải là biến thể cuối cùng gây lo lắng cho thế giới, theo AP.

Giới khoa học kêu gọi tiếp tục đeo khẩu trang và tiêm vắc xin

AFP

Cơ hội SARS-CoV-2 đột biến

Các nhà khoa học cho rằng mỗi lần lây nhiễm mang lại cơ hội đột biến cho SARS-CoV-2 và biến thể Omicron rõ ràng lợi hại hơn biến thể trước. Điều này có nghĩa với nhiều người nhiễm hơn, SARS-CoV-2 có thể tiến hóa xa hơn. “Omicron lây lan càng nhanh thì cơ hội đột biến càng tăng, dẫn tới nguy cơ xuất hiện thêm các biến thể kế tiếp”, nhà dịch tễ học Leonardo Martinez thuộc Đại học Boston (Mỹ) nhận định. Các nghiên cứu cho thấy Omicron lây mạnh hơn ít nhất 2 lần so với biến thể Delta và ít nhất 4 lần so với SARS-CoV-2 ban đầu. Omicron cũng có thể gây nguy cơ tái nhiễm ở những người đã khỏi bệnh Covid-19 cũng như cho người đã tiêm vắc xin cao hơn so với Delta.

Có thật sự virus Covid-19 tiến hóa để ít nguy hiểm hơn?

Ngoài ra, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Stuart Campbell Ray thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng những trường hợp nhiễm Covid-19 kéo dài dường như là tình trạng tạo cơ hội nhiều nhất cho các biến thể mới xuất hiện. Ông Ray cho biết thêm một biến thể có thể đạt được mục đích chính của nó là sao chép, nếu những người nhiễm lúc đầu có triệu chứng nhẹ, lây lan vi rút bằng cách tương tác với người khác, rồi mắc bệnh nặng hơn. “Nhiều người thắc mắc liệu vi rút (SARS-CoV-2) sẽ đột biến trở nên gây bệnh nhẹ hơn hay không. Tuy nhiên không có lý do cụ thể để nó làm việc đó. Tôi không nghĩ chúng ta có thể tự tin rằng vi rút đó sẽ ít gây chết chóc hơn theo thời gian”, ông Ray cho hay.

Về quê sớm vì Omicron

Các nhà khoa học đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan ở nhiều nước. Reuters hôm qua đưa tin Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 5 tỉnh thành ở Trung Quốc, buộc nhiều thành phố áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, theo Reuters. Hôm 15.1, thủ đô Bắc Kinh ghi nhận ca nhiễm Omicron cộng đồng đầu tiên và đã tiến hành xét nghiệm 13.000 người ở khu vực, theo tờ Beijing Daily. Tuy nhiên, nhiều địa điểm tôn giáo ở Bắc Kinh đang đóng cửa để phòng dịch. Ngoài ra, những người dân ở Bắc Kinh lo ngại bị mắc kẹt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới đang vội vã về quê sớm vì ca nhiễm Omicron, theo Reuters.

5 lý do để đừng cố tình nhiễm biến thể Omicron

Một số nước Đông Nam Á cũng tiếp tục ghi nhận ca nhiễm Omicron trong cộng đồng. Bộ Y tế Campuchia hôm qua thông báo ghi nhận 23 ca nhiễm Covid-19, tất cả là ca mắc Omicron, trong đó có 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng, theo báo Khmer Times. Bộ Y tế Philippines ngày 15.1 xác nhận Omicron lây lan trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, theo Reuters. Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho rằng tình trạng Omicron lây lan trong cộng đồng đang đẩy số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở nước này trong thời gian qua. Tương tự, Bộ Y tế Ấn Độ hôm qua cho biết số ca nhiễm mới tại nước này trong 24 giờ là 271.202 - cao kỷ lục trong 8 tháng qua.

Nhân tố collinsella

Tờ The Japan Times mới đây đưa tin một nghiên cứu cho thấy hàm lượng dồi dào của loại vi khuẩn đường ruột được gọi là collinsella có thể đóng vai trò khiến tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Nhật Bản và một số nước khác ở mức thấp. Để đưa ra kết luận này, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nagoya (Nhật Bản) đã phân tích dữ liệu về hệ vi khuẩn đường ruột của 953 người khỏe mạnh tại 10 nước vào tháng 2.2021, thời điểm vắc xin Covid-19 chưa phổ biến.

Họ phân tích 30 loại vi khuẩn đường ruột quan trọng và phân loại dữ liệu thành 5 nhóm vi khuẩn đường ruột, được gọi là enterotype. Sau đó, họ so sánh dữ liệu này với tỷ lệ tử vong tại 10 nước, phát hiện tại những nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp như Nhật Bản và Phần Lan, nhóm enterotype có lượng vi khuẩn collinsella cao nhất chiếm ưu thế. Trong khi đó, những nước có tỷ lệ tử vong cao như Anh, Bỉ và Mỹ, các nhóm enterotype có mức độ collinsella thấp nhất lại chiếm ưu thế.

Trưởng nhóm nghiên cứu Masaaki Hirayama giải thích collinsella chuyển hóa a xít mật thành ursodeoxycholic, loại a xít giúp ngăn SARS-CoV-2 bám vào thụ thể trên tế bào và ức chế phản ứng miễn dịch nguy hiểm gọi là “bão cytokine”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.