Đó là ông Phạm Văn Cường (Năm Cường, 64 tuổi, ngụ P.Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc, An Giang). Suốt 4 năm qua, mỗi ngày ông tốn từ 300.000 - 500.000 đồng mua thức ăn thả xuống sông để dụ cá về ăn. Đến nay, ông Cường sở hữu đàn cá tra khoảng 5 tấn trên sông Vĩnh Ngươn nhưng tuyệt đối không bắt ăn hoặc bán con nào.

Phía dưới căn nhà nổi cạnh dòng sông cuồn cuộn phù sa của ông Cường là đàn cá tra “khủng” lượn lờ trông rất vui mắt, trông như nhà bè nuôi cá tra. Ông Cường kể, trước đây ông sống bằng nhiều nghề, từ mua lúa, chở cát đá đến kinh doanh gỗ rồi tích lũy mua đất làm ruộng. Đến khi con cái thành đạt, ông sở hữu 3 ha đất nông nghiệp giáp với biên giới Campuchia để dưỡng già.

Bây giờ, đàn cá quen thuộc đến độ ông Cường có thể sờ vào đầu chúng mỗi khi cho ăn và xem đó như một niềm vui

Còn cơ duyên với đàn cá, ông Cường cho biết năm 2014, ông quyết định nghỉ kinh doanh gỗ rồi về cất một nhà mát phía sau nhà lớn cạnh bờ sông Vĩnh Ngươn (thuộc một nhánh của sông Hậu) để vui thú tuổi già cũng như khi bạn bè đến chơi có chỗ uống trà, tâm sự chuyện đời. Lúc này ông chất đống chà rồi dùng mồi nhử cá đến cho ăn để bạn bè cùng ngắm cho vui. Ban đầu, ông bỏ thức ăn dư thừa xuống sông, vài ba con cá tra nổi đầu lên ăn. Thấy vậy, mỗi ngày ông thải thức ăn như cơm thừa, đầu cá và ít tấm cám… không ngờ mỗi ngày cá xuất hiện càng đông, nhiều nhất là cá tra. Cứ thế, chúng trú ngụ trong đống chà để chờ thức ăn. Nhưng có lẽ do ông Cường “nhử” chúng đến để ngắm làm cảnh cho vui chứ không bắt ăn hay bán nên cá kéo về ngày một đông hơn, lâu ngày thành đàn lớn.

Anh Trần Văn Phi, hàng xóm ông Cường, cho biết ban đầu cũng hoài nghi về cách làm của ông Cường, bởi anh nghĩ cá ngoài sông sao nuôi được. Nhưng rồi dần dần cá về nhiều, nổi đầu lên ăn mồi trông rất vui mắt, chẳng khác nào như ao nuôi cá tra thương phẩm. Từ đó mọi người mới thấy việc ông Cường làm là có thật và mang lại lợi ích cho nguồn thủy sản tự nhiên.

Ngoài nuôi cá tra để ngắm cảnh, mục đích của ông Cường nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn loài cá đặc trưng của vùng đầu nguồn sông Cửu Long

Chỉ tay về nơi nuôi cá, ông Cường tiếp lời: Không hiểu sao chúng nó (cá tra) vô ăn rồi ở luôn, trong khi đó cũng có nhiều loại cá khác như cá mè vinh, cá chài, cá he... cũng vào “ăn ké” nhưng chúng không ở lại mà  theo con nước đi chỗ khác.

Sau khi đàn cá tra về đông, ông Cường lập hẳn “chiến lược” để bảo vệ. Một khu vực mặt nước rộng hơn 400 m2 nằm cặp sông được ông rào lại, phía trên mặt nước ông cất một nhà nổi lợp lá để tiện chăm sóc cá. Trong nhà có võng, bàn ghế để bạn bè đến nghỉ ngơi, thư giãn ngắm đàn cá do chính ông gầy dựng, chăm sóc và cho ăn mỗi ngày. Khu vực mặt nước xung quanh nhà ông thả lục bình dày, phía dưới chất một ít chà cho cá trú ngụ. Xung quanh đám lục bình được ông cắm tre, tràm vừa bảo vệ đám lục bình không bị nước trôi đi và đồng thời để ngăn người xấu đưa xuồng ghe vào đánh bắt đàn cá.

Sau 4 năm dẫn dụ cá về cho ăn, chăm sóc, hiện theo ước tính của ông Cường trọng lượng tổng đàn cá đạt khoảng 5 - 6 tấn, con nhỏ nhất  khoảng 0,5 kg và lớn nhất gần 10 kg. Mỗi ngày ông tốn từ  300.000 - 500.000 đồng tiền thức ăn cho cá. Bỏ ra số tiền lớn như vậy nhưng ông tuyệt đối không bắt ăn hoặc bán một con cá nào. Ngược lại cá về càng đông thì ông càng vui. “Lúc trước tôi lo cho con cái ăn học đàng hoàng, nay cả 4 đứa (2 trai, 2 gái) đã lập gia đình, công ăn việc làm ổn đinh và thành đạt. Tôi rất tự hào về chúng. Biết thú vui của tôi là mỗi ngày thả thức ăn dụ cá về để ngắm các con rất ủng hộ. Vì vậy, khi tôi xin tiền mua thức ăn cho cá thì các con đâu từ chối”, ông Cường chia sẻ.

Bây giờ, đàn cá quen thuộc đến độ ông Cường có thể sờ vào đầu chúng mỗi khi cho ăn và xem đó như một niềm vui mà ông có thể làm được một việc cho thiên nhiên mà khó có ai làm được. “Đàn cá tra thiên nhiên về đây tìm thức ăn ngày đông dần lên trong khi bên ngoài có rất nhiều người làm nghề đánh bắt thủy sản nên tôi quyết tâm  bảo vệ để chúng không bị người khác không xâm hại”, ông Cường nói.

Việc làm của ông Cường làm cho chúng tôi không khỏi thắc mắc vì cá tra thiên nhiên dụ về nuôi là việc đã khó, huống chi số lượng lớn hàng tấn, khi cá  ra vào khỏi khu vực nuôi hoặc bơi ra sông làm sao khỏi bị người ta đánh lưới hoặc câu bắt? Cường cười khẳng định: Từ khi dụ đàn cá tra này về nuôi, tôi có hỏi thăm những người hàng xóm chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, họ từng thả lưới thả câu ở xung quanh khu vực nuôi cá tra thiên nhiên, nhưng để đánh bắt được cá tra xem là rất hiếm. Ông Cường giải thích thêm: “Cá tra đến đây ăn riết quen mồi, chúng rất khôn, chỉ ở quanh quẩn khu vực nuôi. Mặc dù chúng ra vào sông thoải mái nhưng ít bị dính câu hay lưới của ngư dân bên ngoài”.

Việc làm lạ của ông Cường được đồn đi ngày càng xa. Theo ông Cường, ước tính đến nay đã có hơn 1.000 người là bạn bè và khách du lịch của bạn bè giới thiệu mỗi khi có dịp đi viếng Chùa Bà chúa Xứ Núi Sam hay đi vùng Bảy Núi đều về đây ghé tham quan.

Hiện tại, điểm nuôi cá tra thiên nhiên của ông Cường được xem là điểm đến tham quan du lịch sinh thái 0 đồng vì ông rất hiếu khách. Mỗi khi có khách quen hay lạ biết số điện thoại hay đến tận nhà là ông sẵn sàng dẫn họ xuống tham quan và tự tay rải thức ăn cho cá tra mà chẳng lấy đồng tiền nào của khách.

Anh Phan Thanh Bùi (ngụ P.Vĩnh Ngươn) chia sẻ: Việc làm của ông Cường rất có ích và có ý nghĩa cho xã hội. Trước mắt, bà con xung quanh có thể đến ngắm cá để thư giãn tinh thần, sau đó góp phần giúp mỗi chúng ta ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tương lai.

Khi chúng tôi hỏi đến khi nào thì thôi dụ cá về và có ý định đánh bắt đàn cá khủng này không, ông Cường trả lời dứt khoát: “Tôi quyết tâm gìn giữ đàn cá này đến cuối đời và truyền đạt cho con cháu tôi sau này vẫn phải tiếp tục duy trì nuôi và bảo vệ đàn cá tự nhiên. Việc này không chỉ mục đích giải trí đơn thuần mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn loài cá đặc trưng của vùng đầu nguồn sông Cửu Long”.

Báo Thanh Niên
04.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.