Trưa nắng như đổ lửa, anh Trần Văn Tuấn (quê H.Long Mỹ, Hậu Giang) đang còng lưng kéo gạch trên sân thượng căn nhà đang xây (tại đường số 10, P.Bình An, Q.2) thì nghe tiếng gọi: “Tuấn ơi xuống đất, có người muốn gặp”. Xuống tới nơi, anh Tuấn sững người khi nhìn thấy ông Út Hoàng đầu ướt mồ hôi, tay xách túi bơ trái mùa, miệng cười tươi: “Khỏe không? Sao bảo về thăm tao mà không thấy? Hôm nay có việc chạy qua. Tao mua cho ít bơ”.
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn (*)
Ông Út Hoàng và anh Tuấn quen nhau từ 20 năm trước trong dịp anh Tuấn làm công trình ở Vĩnh Long. “Hồi đó, công trình tôi làm bị ngập nước nên phải nhờ nhà anh Út Hoàng. Dân xây dựng ở theo công trình thiếu thốn đủ thứ. Nhìn mình sống khổ, lại chịu khó làm ăn, anh Út thương lắm, vài con cá, dăm ba ký gạo ảnh cho hoài, lo cho mình còn hơn anh em ruột”, anh Tuấn nhớ lại.
Còn trong trí nhớ ông Út Hoàng, suốt thời gian làm công trình chưa từng thấy anh Tuấn to tiếng, nặng lời với ai. “Ai hư cái vòi nước, cần sửa bình ắc quy, chỉ cần gọi là nó giúp nhiệt tình. Chính vì vậy mà mọi người quý nó. Công trình hơn 6 tháng thì xong, Tuấn cùng vợ “di cư” lên TP.HCM, tưởng mất liên lạc ai dè mấy năm sau thấy nó lù lù về thăm. Lúc ấy đã có điện thoại, anh em lấy số và liên lạc đến giờ. Hôm nay tiện đường, tôi vào thăm. Thấy nó khỏe mạnh, làm ăn được, cũng mừng cho nó”, ông Hoàng cho hay.
|
Sau đợt làm ở Vĩnh Long, tới giờ anh Tuấn đã trải qua cả trăm công trình khác nhưng trong thâm tâm anh vẫn luôn coi ông Út Hoàng là người thân. “Người như anh Hoàng không dễ kiếm, tôi mang ơn anh suốt đời”, anh nói.
Anh Tuấn cho rằng mình phải tử tế dân mới thương. Mình thương họ tới đâu thì họ thương mình còn hơn thế. Bởi vậy, đi tới công trình nào, việc đầu tiên anh làm là đi thăm hỏi hàng xóm, kết bạn và làm quen với họ. Dù khi rời đi có buồn nhưng sẽ có những nơi để nhớ về.
Cùng suy nghĩ, anh Trần Hoàng Vũ (quê H.Cờ Đỏ, Cần Thơ) chia sẻ: “Mùa mưa năm rồi làm công trình ở H.Củ Chi, hàng xóm có bà Hoa hay hỏi han, trò chuyện với công nhân và thỉnh thoảng cho mấy đứa nhỏ con công nhân qua nhà xem ti vi ké. Hôm bão tới, nước ngập, lán xiêu vẹo, mền gối đều ướt, cả lán lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Lúc đó, bà Hoa tới hỏi: “Có chỗ ngủ không? Nhà cô rộng, trải chiếu ngủ hết ở đây cho khỏe để mai còn làm”. Thế là cả chục người cùng bốn đứa trẻ trải chiếu ngay phòng khách ngủ ngon lành”.
Sau lần đó, không ai bảo ai, mỗi khi có việc về quê lên, những công nhân được bà Hoa giúp đều dành vài con chuột đồng, con cá ngon để tặng bà. Bốn tháng sau công trình xong, cả nhóm nhận công trình mới ở Thủ Đức. Hôm chuyển lán, sợ cảm giác lưu luyến lúc chia tay, những người trong lán bảo nhau rời đi lúc 5 giờ. Lúc này trẻ con còn ngái ngủ, bà Hoa và mấy anh, chị trong xóm chưa dậy, rời đi sẽ nhẹ nhàng hơn.
|
Luật ngầm của dân xây dựng
Trong mắt nhiều người, dân xây dựng rất phức tạp vì có cả những người vừa mãn hạn tù, có người trốn nợ, dân bụi đời… Tuy vậy, rất ít khi họ lấy cắp thứ gì của dân địa phương bởi dân xây dựng có luật ngầm. “Mình là dân tha hương, đến đất lạ nếu muốn sống yên lành và được người ta mến thì phải sống tử tế. Thấy người dân hở ra con gà, trái bắp mà thò tay lấy là hoàn toàn cấm. Nếu phát hiện ai đó lấy cắp thứ gì, cả lán sẽ tẩy chay. Thậm chí bị cai cho “lên đường” sớm”, anh Trần Thanh Hòa (làm công trình tại P.Long Phước, Q.9) tiết lộ.
Theo anh Hòa, khi nhận người, cai ít quan tâm tới quá khứ mà chỉ xem người mới làm việc thế nào. Giấy tờ cũng chỉ cần cái chứng minh nhân dân. Nhưng trong vài ngày làm việc đầu tiên, lính mới sẽ bị quan sát rất kỹ, chỉ cần có biểu hiện không thật thà, trộm cắp là có thể mất việc ngay lập tức.
Chỉ tay về người đàn ông chừng dưới 40 tuổi đang tắm ở cuối công trình, anh Hòa kể: thằng đó tên Bùi Văn Vỹ (quê Giồng Riềng, Kiên Giang). Ở quê nó chuyên đá gà, cờ bạc, làm khổ vợ con. Vừa rồi vỡ nợ, nhờ ông già vợ giới thiệu với cai nên được vào làm. Lúc đi đùm núm cả vợ và đứa con hơn 3 tuổi theo. Mấy ngày đầu nó vẫn còn nhớ sòng, rủ anh em trong lán nhưng không ai chơi. Nó chán, đi lang thang ngoài công trình thấy ai hở ra thứ gì là “lượm”. Biết chuyện, cai gọi vào nói chuyện riêng, bắt đem trả và dọa đuổi. Nó sợ, từ đó chăm chỉ làm, giờ đã có chút vốn liếng. “Vừa rồi nó gửi về quê cho con gái hơn 1 triệu mua xe đạp đi học. Nó bảo từ giờ nó nghỉ chơi bài bạc, lo cho vợ con. Nghe nó nói vậy anh em công trình đều vui và động viên nó cố gắng”, anh cho hay.
Trở thành cha con nhờ… đánh cờ
Mỗi chiều, các khu tập trung nhiều công trình xây dựng lại nhộn lên bởi cánh thợ xây xong việc tranh thủ chơi với nhau ván cờ, vài hiệp cầu lông. Cánh đàn bà ngồi tám chuyện rồi chia cho nhau bát canh, mớ cá… Nhờ những hoạt động đó mà nhiều người tìm được “tri kỷ”.
Rất mê đánh cờ nên chuyển tới công trình nào, việc đầu tiên của ông Mười Hải (H.Cái Nước, Cà Mau) là tìm bạn chơi chung. Cũng từ những ván cờ mà ông Hải gặp anh Đinh Hữu An (29 tuổi, quê Bình Định). Chuyện trò trong lúc chơi cờ, ông Hải mới biết An không cha, không mẹ, lớn lên vì thiếu hiểu biết nên phạm tội, phải đi tù 10 năm. Mãn hạn thì dạt vào công trường làm phụ hồ.
Trong khi đó, ông Hải có một đứa con trai bị tai nạn mất cách đây 7 năm. Từ khi con mất, ngày nào ông Hải cũng ôm theo bàn cờ mà lúc còn sống cha con hay chơi với nhau. Gặp An ông như gặp lại con mình. Biết An sắp cưới vợ, ông Hải lấy số tiền 10 triệu đồng mà ông cắc củm dành dụm đưa cho An. “Nó nhất quyết không nhận mà còn mua cho tôi một cái áo sơ mi, bảo mặc vào để đi hỏi vợ cho nó. Đám cưới chỉ tổ chức đơn giản nhưng ở nhà gái nó giới thiệu tôi là ba nó khiến tôi bất ngờ đến rơi nước mắt”, ông Hải kể, giọng vẫn còn xúc động.
Từ lúc đó, ông Hải nhận An làm con nuôi, họ cùng về làm chung một đội và cùng rong ruổi khắp các công trình…
|
(*): trích trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên
Bình luận (0)