Thực tế tình trạng “sốt” đất cục bộ rồi lan rộng đã xuất hiện mấy năm nay. Mỗi thời điểm lại có một lý do để “sốt” đất, nhưng tựu trung sau mỗi cơn “sốt”, thị trường lại thiết lập một mặt bằng giá mới, cao hơn. Đồng nghĩa với việc sở hữu một căn nhà với nhiều người càng xa vời hơn.
Cùng với các cơn sốt đất, chính quyền cũng nhiều lần vào cuộc tìm giải pháp hạ nhiệt thị trường. Đỉnh điểm là năm 2019, TP.HCM đã tuyên bố sẽ xử lý hình sự đầu nậu, cò đất phân lô, bán nền trái phép gây náo loạn thị trường, thách thức kỷ luật kỷ cương. Nhiều địa phương khác cũng mạnh tay hơn trong việc kiểm soát giá đất. Hàng loạt dự án ma bị khui ra, không ít người bị khởi tố, bắt giam. Điển hình là vụ Công ty Alibaba với hàng loạt dự án sai phép, lừa đảo hàng ngàn tỉ đồng...
Thế nhưng, sang năm 2020, các cơn “sốt” từ âm ỉ lại lan rộng. Bất chấp Covid-19, giá bất động sản (BĐS) vẫn tăng. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân được đề cập đến của năm nay là do cung không đáp ứng nổi cầu do dự án được cấp phép triển khai quá ít trong khi nhu cầu nhà ở thì luôn tăng cao. Nguyên nhân này là thực tế. Đã xác định được nguyên nhân thì giải pháp thực tế không quá khó khăn. Cung ít thì tăng cung. Muốn tăng cung thì gỡ các nút thắt khiến dự án chậm trễ triển khai, khiến dự án không thể triển khai hay những lý do khiến việc triển khai dự án kéo dài... dẫn đến chi phí tăng và cuối cùng là giá đất tăng.
Thực ra, chuyện này cũng chẳng mới mẻ gì, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng là chuyện “biết rồi, khổ lắm”, nhưng “nói mãi” không giải quyết được. Những dự án kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm là phổ biến. Từ khi tiền đền bù đất tính theo đơn vị hàng trăm cho tới khi lên tới hàng triệu, vẫn chưa xong thủ tục, kéo theo chi phí vốn kéo dài gấp đôi, gấp 3 thời gian dự toán...
Điều đó không chỉ khiến giá đất tăng, việc kéo dài thời gian cấp phép, triển khai dự án còn dẫn đến một thị trường BĐS méo mó, lệch lạc vì để trụ lại được, hầu hết các chủ đầu tư phải lách luật, bán lúa non sản phẩm. Ví dụ thay vì làm xong móng mới được bán theo quy định thì chỉ cần có được chủ trương đầu tư, họ đã bán rồi.
Thay vì ký hợp đồng mua bán, thì ký hợp đồng đặt cọc... Nhưng đặt trường hợp làm đúng quy định, nghĩa là được được chấp thuận, được cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng rồi đào móng, đóng cọc... xong xuôi mất vài năm, chi phí này cộng vào giá thành sản phẩm, lúc đó mới bán ra thì giá BĐS chắc còn cao hơn.
Nói thế để thấy chỉ cần rút ngắn thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, BĐS thôi thì dư địa giảm giá cũng khá lớn. Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia kinh tế nói rất nhiều lần. Trong dịch Covid-19, chính các doanh nghiệp BĐS cũng hơn một lần khẳng định, họ cần hỗ trợ chính sách chứ không chỉ là tiền. Chính sách, cơ chế... trong đó rút ngắn thời gian thủ tục hành chính... là dư địa lớn nhất góp phần tăng cung, hạ nhiệt thị trường BĐS.
Nên bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ thị trường, điều mà chính quyền các địa phương cần làm chính là quyết liệt cải cách hành chính trong lĩnh vực xây dựng, tạo nguồn cung dồi dào, từ đó góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
Bình luận (0)