Đầu tiên là cô gái sinh năm 1992 ở Hà Nội kiếm hơn 330 tỉ/năm nhờ viết phần mềm công nghệ và đóng thuế hơn 23 tỉ. Một trường hợp khác, cũng thế hệ 9X với doanh thu 260 tỉ đồng từ công việc tương tự, đóng thuế hàng chục tỉ đồng.
Thực ra mấy năm gần đây, thỉnh thoảng cơ quan thuế cũng công bố các trường hợp cá nhân có doanh thu hàng trăm tỉ đồng từ bán hàng hay quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, điều khác biệt của lần này là 2 cá nhân có thu nhập khủng nói trên đã tự nguyện đến chi cục thuế khai báo và đóng thuế chứ không phải từ truy thu mà có. Hành động này nói lên rất nhiều điều.
Đầu tiên là ý thức của người nộp thuế rất đáng được tôn vinh. Chúng ta đều biết, kinh doanh trên mạng là lĩnh vực đã và đang thất thu khá nhiều dù cơ quan thuế cũng nỗ lực mọi biện pháp. Thế nên việc những cá nhân đóng thuế đầy đủ do khấu trừ tại nguồn vẫn luôn được tôn vinh... nói chi đến tự nguyện đóng một số tiền thuế lớn.
Tất nhiên không chỉ có 2 bạn trẻ nói trên, trước đó cũng đã có rất nhiều cá nhân tự kê khai nộp thuế. Điều này vì thế hy vọng sẽ tạo ra một hình ảnh mới về những người trẻ giỏi giang; sống - làm việc và đóng góp cho xã hội, cho đất nước thông qua việc chấp hành nghĩa vụ thuế một cách đầy đủ, tự nguyện.
Thứ hai là doanh thu từ các hoạt động trên mạng ngày càng tăng. Theo Tổng cục Thuế, số thu từ hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng của các tổ chức, cá nhân trong 2 năm gần đây mỗi năm đạt hơn 1.000 tỉ đồng và con số này vẫn đang tăng theo cấp số nhân. Điều đó cho thấy nguồn lực khổng lồ từ rất, rất nhiều các loại hình kinh doanh trên mạng nói chung mà hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật luôn phải đi trước hoặc cập nhật kịp thời để tạo ra hành lang cho thị trường phát triển.
Thực tế hiện nay, rất nhiều các dịch vụ fintech (công nghệ tài chính) tràn vào nước ta từ cho vay ngang hàng, tiền ảo, các ứng dụng kết nối cung - cầu ở mọi lĩnh vực nhưng chúng ta không theo kịp nên quản không nổi nên đương nhiên, thu thuế cũng không được. Chưa kể, cũng vì quản không nổi mà kéo theo một loạt các hệ lụy kinh tế, xã hội.
Việt Nam là một trong số ít các nước tiên phong trong ứng dụng công nghệ 5G. Chúng ta cũng xác định kinh tế số sẽ là xu hướng tất yếu và chỉ kinh tế số mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị mới cho nền kinh tế. Chúng ta không thiếu những người giỏi, không thiếu những cá nhân có thể tạo ra những đột phá trên nền tảng công nghệ... và đó cũng là dư địa rất lớn cho nền kinh tế cũng như cho nguồn thu ngân sách trong tương lai.
Vậy thì thay vì chỉ chăm chăm "nắm người có tóc" hay dồn nguồn lực hay dựa vào các lĩnh vực bán tài nguyên, gia công truyền thống... hệ thống pháp luật, hệ thống hành chính phải là một xa lộ cho kinh tế số tăng tốc. Và chính sách thuế, cần được thiết kế không chỉ phù hợp, thuận tiện, có lý, có tình mà phải công bằng, minh bạch để ngày càng có nhiều người tự nguyện và tự hào nộp thuế, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Bình luận (0)