Sức nhàn đấu sức mỏi
Điều trùng hợp ở chỗ có đến 3 trận tứ kết liên quan đến các đội Anh, Pháp và Tây Ban Nha (3/4 đội vào bán kết) kéo dài thêm 2 hiệp phụ. Riêng trận Pháp thắng Bồ Đào Nha có thêm loạt sút luân lưu. Chỉ có Hà Lan là không phải đá hiệp phụ.
Về lý thuyết, Hà Lan là đội có lợi nhất về thể lực trước vòng bán kết. Do các trận đấu tứ kết kéo dài đến hiệp phụ nên các đội Anh, Pháp và Tây Ban Nha rất mất sức. Riêng Tây Ban Nha mệt mỏi nhất, họ không chỉ mất sức vì đá hiệp phụ với đội Đức mà còn hao binh tổn tướng nghiêm trọng.
Có ít nhất 3 cầu thủ Tây Ban Nha sẽ không thể dự trận bán kết gặp đội tuyển Pháp vào sáng 10.7 tới đây. Gồm trung vệ Robin Le Normand, hậu vệ phải Dani Carvajal và tiền vệ Pedri. Trong số đó, Pedri bị chấn thương, còn 3 người kia bị treo giò. Riêng hậu vệ phải, cũng là đội phó Carvajal phải nghỉ luôn ở trận chung kết (nếu Tây Ban Nha vào chung kết), do anh nhận thẻ đỏ trong trận đấu với đội Đức. Có nghĩa là để có chiến thắng trước đội tuyển Đức, Tây Ban Nha đã trả cái giá quá đắt.
Ba đội còn lại không có cầu thủ bị treo giò ở bán kết, nhưng nguy cơ xuất hiện tình trạng này ở chung kết khá lớn. Đặc biệt cặp đấu giữa Pháp và Tây Ban Nha. Đây là 2 đội rất mạnh, lại hiểu nhau. Vì thế, không loại trừ khả năng sẽ có 1 trận đấu giằng co nữa giữa 2 ứng cử viên vô địch sáng giá trong trận Pháp đối đầu với Tây Ban Nha, giống như tính chất của trận đấu giữa Tây Ban Nha và Đức ở tứ kết.
Vô chiêu thắng hữu chiêu
Lợi thế đáng kể khác của các đội Anh và Hà Lan so với 2 đội Pháp và Tây Ban Nha trước loạt trận quan trọng nhất của EURO 2024, đó là đối thủ của họ gần như đã bị nhận diện đầy đủ rồi. Đặc biệt là Tây Ban Nha. Đây là đội duy nhất toàn thắng tính đến thời điểm này của giải vô địch châu Âu năm nay (3 trận thắng ở vòng bảng, 1 trận thắng tại vòng 16 đội và 1 trận thắng ở tứ kết).
Nhưng cũng vì chuỗi trận toàn thắng đấy, Tây Ban Nha tấn công ra sao, cách thức lên bóng như thế nào đã bị cả châu Âu gần như nhìn thấu. Quan trọng là đối thủ có đủ nhân lực để vô hiệu hóa các đợt tấn công của đội bóng đến từ xứ sở đấu bò hay không?
Ở trận tứ kết giữa Tây Ban Nha và Đức, đội tuyển Đức phần nào làm được điều đó. Đức chơi hay hơn Tây Ban Nha trong trận tứ kết nói trên, nhờ khả năng kiểm soát bóng còn tốt hơn cả Tây Ban Nha, dựa vào một hàng tiền vệ rất mạnh. Cái thiếu của đội Đức là thiếu tiền đạo sắc bén để cụ thể hóa rất nhiều cơ hội mà họ tạo được thành bàn thắng.
Về đội tuyển Pháp, đội bóng này quá phụ thuộc vào Mbappe. Một khi Mbappe “tịt ngòi”, hoặc bị phong tỏa kỹ, Pháp hầu như không thể ghi bàn. Ngoài ra, thói quen dâng cao của 2 hậu vệ biên Theo Hernandez (trái) và Jules Kounde (phải) khiến cho Pháp thường xuyên bị thủng 2 hành lang.
Bồ Đào Nha có Rafael Leao liên tục khoét vào cánh trái của đội tuyển Pháp và khoét thành công. Chỉ tiếc rằng ở bên trong trung lộ, Ronaldo của đội tuyển Bồ Đào Nha quá chậm và không còn nhạy bén trong việc chọn vị trí để dứt điểm, nên Bồ Đào Nha chưa thể kết liễu đội Pháp. Nếu các đội bóng khác có chân sút sắc bén hơn, tình hình sẽ rất khác.
Ngược lại, Anh và Hà Lan vất vả vào đến bán kết. Họ buộc phải ngược dòng để giành thắng lợi trước 2 đội yếu hơn gồm Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng các đội này lại khá đa dạng trong việc gây sức ép lên khung thành đối phương, từ bóng bổng cho đến bóng sệt, từ sút xa cho đến khai thác các tình huống cố định. Đặc biệt là đội tuyển Anh. Cho đến giờ nhiều người chê đội này không đẹp mắt, nhưng cũng chẳng ai dám khẳng định đội tuyển Anh yếu, vì từng chút một họ cũng đã lê bước đến bán kết. Chơi không hay nhưng vẫn thắng, không ở phong độ cao nhưng vẫn đánh bại được đối phương, đấy chẳng phải là hình ảnh của một đội mạnh hay sao? Một đội như thế mới đáng sợ, vì đối thủ không biết họ sẽ tăng tốc vào lúc nào?
Dự đoán: Pháp thắng Tây Ban Nha: 1-0. Hà Lan thắng Anh: 2-1
Bình luận (0)