Du học Mỹ: 500 - 700 triệu USD học bổng/năm cho sinh viên Việt Nam

02/05/2020 08:33 GMT+7

20 năm qua, nền giáo dục Mỹ đã đào tạo một lượng lớn thế hệ trẻ Việt Nam có được những kiến thức tốt và kinh nghiệm làm việc thực tiễn, góp phần giúp Việt Nam xây dựng nền tảng trên con đường phát triển bền vững.

Năm 1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ. Trải qua 25 năm, nhiều lĩnh vực phát triển tốt và từ đó thúc đẩy hai nước đạt đến quan hệ đối tác toàn diện…

Du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng 5 - 8%/năm

Giáo dục là lĩnh vực mà học sinh - sinh viên (HS - SV) Việt Nam vào Mỹ sớm nhất và phong trào du học Mỹ khởi điểm mạnh mẽ từ những năm đầu 2000. Ðến năm 2020, thế hệ trẻ Việt Nam du học Mỹ đạt con số 24.500 người, tỷ lệ tăng 5 - 8% mỗi năm, trong đó chương trình sau ĐH có 4.000 SV, ĐH có 17.000 SV và trung học có 3.500 HS.
Các trường trung học và ĐH Mỹ cung cấp nhiều học bổng để đón nhận HS - SV Việt Nam... Theo ước tính, HS - SV Việt Nam nhận 500 - 700 triệu USD học bổng hằng năm cho chương trình trung học, ĐH và sau ĐH.
Nhiều người tốt nghiệp từ Mỹ trở về nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước Việt Nam, trường ĐH, viện nghiên cứu, tổ chức và công ty. Nhiều tiến sĩ tiếp tục làm nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH Mỹ. Một số lớn SV tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc được tuyển dụng làm việc cho các công ty lớn tại Mỹ.

Mở rộng chương trình cử nhân, MBA Mỹ tại Việt Nam

Trong 20 năm qua, các trường Mỹ phát triển cơ bản tại Việt Nam, chủ yếu là chương trình cử nhân và MBA, những ngành không cần cơ sở phòng thí nghiệm và nghiên cứu.
Mô hình đào tạo chương trình cử nhân phải kể đến là Troy University hợp tác với Trường ÐH Bách khoa Hà Nội và ÐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2004 và Trường ÐH Bách khoa TP.HCM thời gian sau này. Từ 2007 đến 2020, Troy cấp bằng cử nhân cho 1.300 SV. SV Việt Nam học tại Troy - Việt Nam có thể chuyển sang Troy - Mỹ tham gia lớp học như SV Mỹ.
Tại TP.HCM và Hà Nội, chương trình MBA nổi bật nhất thuộc về University of Hawaii. Trong 17 năm (2003 - 2020), chương trình MBA đào tạo được 600 người. Nhiều nhân vật nổi bật từ chương trình MBA của ĐH Hawaii kể đến là anh Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch Maritime Bank; anh Jonathan Moreno, lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham)…

Nhiều tổ chức tham gia thúc đẩy du học Mỹ

Vào hè năm 2002, Viện Văn hóa và giáo dục VN(IVCE) tại New York về Hà Nội tổ chức hội thảo du học Mỹ lần đầu tiên, khởi đầu cho làn sóng du học Mỹ. Tiếp theo những năm sau, IVCE mở những hội thảo trong phạm vi cả nước từ bắc vào nam, từ ĐH Thái Nguyên cho đến Trường ĐH Cần Thơ. Trong 12 năm (2002 - 2014) tư vấn du học Mỹ, IVCE phục vụ trên 10.000 HS - SV.
Trong phong trào du học Mỹ, Viện Giáo dục quốc tế IIE (Mỹ) cũng tham gia tư vấn du học và tổ chức các kỳ thi SSAT, SAT, GRE, GMAT, TOEFL. Ngoài ra, Trung tâm giáo dục Hoa Kỳ (Education USA) trực thuộc sứ quán Mỹ cũng hỗ trợ thông tin cho HS - SV.
Trong thời gian học tại Mỹ, các du học sinh Việt Nam thành lập các hội để truyền tải những kinh nghiệm du học Mỹ cho HS - SV tại Việt Nam như: Hội Fulbright, Hội IFP, Hội VEF, Hội U.S Guide, Hội VietAbroader, Hội Thanh niên Việt Nam tại Hoa Kỳ, và từ đây làn sóng du học Mỹ lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Phong trào du học Mỹ lan tỏa nhanh và đi vào đời sống của người dân Việt Nam, từ tổ chức này đến tổ chức khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác, mọi người đều có chung ý tưởng là truyền lại kinh nghiệm học và nghiên cứu cho HS - SV Việt Nam để các thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện phát triển tư duy học, nghiên cứu và làm việc tại Mỹ.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng gì đến du học Mỹ ?
Các trường trung học Mỹ tại các tiểu bang đang có kế hoạch mở cửa lại sau ngày 15.5, tuy nhiên một số trường có kế hoạch đóng cửa mùa học tháng 9.2020.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Anthony Fauci, nguyên Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ, các trường mở cửa lại tùy thuộc vào tình hình nhiễm dịch Covid-19 tại nơi đó, và mới đây ông nhận xét: “Mỹ có thể có vắc xin trước tháng 1.2021”. Những trường tại các vùng có số ca nhiễm Covid-19 thấp thì khả năng cao mở cửa lại vào tháng 9.2020. Những trường ở những khu vực có mật độ nhiễm Covid-19 cao như thành phố New York, Seattle (Washington State), khả năng cao sẽ tiếp tục đóng cửa trường.
Dù đóng cửa hoạt động, các trường vẫn tiến hành việc học online bình thường, nhưng các môn liên quan đến thí nghiệm sẽ không thực hiện được, chính vì thế HS - SV xem xét tình hình trường của mình và chọn môn học cho mùa học tháng 9.2020 (Fall 2020) cho phù hợp với hoàn cảnh dịch Covid-19.
Vấn đề về visa, một khi chính phủ Mỹ kiểm soát được dịch Covid-19, việc gia hạn và phỏng vấn visa cho học sinh quốc tế sẽ mở lại bình thường. Nếu HS - SV quốc tế ở lại Mỹ cho đến mùa học tháng 9.2020 thì không cần gia hạn visa F1, chỉ gia hạn visa khi ra khỏi nước Mỹ và visa hết hạn.
Các chương trình học bổng Mỹ
Học bổng Fulbright: Là một trong những học bổng danh giá bậc nhất ở thế giới. Những ứng cử viên được học tại những trường ĐH hàng đầu Mỹ. Chương trình do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, mỗi năm cấp 20 học bổng chương trình thạc sĩ ngành xã hội, môi trường, sức khỏe và kinh tế. Từ năm 1992 cho đến 2020, chương trình Fulbright đã cấp trên 600 học bổng cho chương trình thạc sĩ và học giả.
Nhiều lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã tham gia học bổng Fulbright, đặc biệt là ngành ngoại giao Việt Nam có nhiều lãnh đạo sâu sắc và kinh nghiệm, đã đưa hình ảnh Việt Nam lên một vị trí cao trong cộng đồng thế giới.
Ngoài học bổng Fulbright tại Mỹ, một hình thức học bổng Fulbright khác được thành lập giữa Trường quản lý nhà nước Harvard Kennedy - Harvard University và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Học bổng Vietnam Education Foundation (VEF): Do Quốc hội Mỹ thành lập từ năm 2000, VEF cấp trung bình 50 học bổng hằng năm cho chương trình tiến sĩ ngành khoa học tự nhiên, kỹ sư và sức khỏe cộng đồng. Trong 15 năm hoạt động (2003 - 2018), VEF cấp gần 700 học bổng cho chương trình tiến sĩ, nghiên cứu và giảng dạy Ðiểm nổi bật của học bổng VEF là SV Việt Nam được học các trường top 50 ĐH Mỹ.
Có nhiều tiến sĩ VEF thành đạt trong đề tài nghiên cứu và đăng trên tạp chí chuyên ngành tại Mỹ. Người thành công vẻ vang được kể đến là anh Nguyễn Ðức Thành, tốt nghiệp tiến sĩ từ ĐH danh tiếng Princeton University, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại University of Connecticut. Anh Thành có được nhiều bằng phát minh trong lĩnh vực y sinh và nhận được giải thưởng danh giá như SME, SPIE, IEEE và tạp chí của ĐH Công nghệ Massachusetts (MIT) bình chọn là “Nhà sáng tạo tuổi dưới 35” trong năm 2019. Người khởi nghiệp thành công của VEF là anh Vương Quang Khải, nhà sáng lập Công ty Zalo.
Học bổng Humphrey: Do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ nghiên cứu một năm trong lĩnh vực xã hội, kinh tế, nông nghiệp, sức khỏe.
Học bổng International Fellowship Program (IFP): Do Quỹ Ford tài trợ. Trong 10 năm hoạt động (2000 - 2010), Quỹ Ford cấp 267 học bổng IFP. Ðiểm đặc biệt của học bổng IFP là ưu tiên cho phụ nữ và các địa phương vùng xa xôi nơi thiếu tầng lớp lãnh đạo và khoa học trẻ.
Học bổng của các trường: Ngoài học bổng của chính phủ Mỹ và các tổ chức, HS - SV Việt Nam nhận được nhiều học bổng bán phần hay toàn phần của trường trung học, ĐH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.