Nước nào tăng sức hút với du học sinh?
Tập đoàn giáo dục Navitas mới đây công bố kết quả khảo sát 1.082 công ty du học đến từ 68 quốc gia, vùng lãnh thổ về mối quan tâm của du học sinh với các điểm đến nói tiếng Anh. Việc khảo sát diễn ra từ 25.4 - 3.6 và đây đã là lần thứ 8 tổ chức này thực hiện hoạt động như trên, với lần đầu tiên bắt đầu vào tháng 5.2020 khi Covid-19 vẫn đang hoành hành.
Kết quả khảo sát cho thấy Úc tụt hạng còn Canada thì lao dốc về độ yêu thích trong mắt du học sinh. Cụ thể, từng đứng nhất với 86% công ty du học "đồng ý" và "hoàn toàn đồng ý" đây là điểm đến du học nhận được nhiều sự quan tâm hơn hẳn, Canada nay rơi xuống chót bảng với tỷ lệ chỉ 57%. Tương tự, Úc cũng giảm 13% và xếp thứ ba sau Anh, Mỹ có cùng tỷ lệ là 72%.
Theo Navitas, ở Úc và Canada, tốc độ phục hồi tuyển sinh hậu Covid-19 đã đột ngột dừng lại khi chính phủ các nước này tìm cách thắt chặt chính sách để cắt giảm số du học sinh. Chẳng hạn, Canada vừa qua đã tăng yêu cầu tài chính để xin giấy phép du học, hạn chế cấp giấy phép du học cho đến năm 2026 và giảm cơ hội ở lại. Úc cũng dự kiến hạn chế du học sinh đến học từ 2025 và ban hành nhiều yêu cầu thắt chặt khác trong năm nay.
Tương tự Úc và Canada, Anh cũng giảm độ yêu thích song không quá nhiều, từ 77 còn 72%. Trong khi đó, Mỹ và New Zealand với chính sách du học giữ ổn định và hầu như không có sự thay đổi nào đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể, lần lượt là 4 và 14%. Đây cũng là lần đầu tiên sau 6 kỳ khảo sát gần nhất New Zealand vươn tới vị trí thứ tư về độ yêu thích sau khi liên tiếp "đội sổ".
Một xu hướng đáng chú ý khác, theo Navitas, là nhiều quốc gia không nói tiếng Anh đã được "hưởng lợi" từ biến động chính sách của những nước nói tiếng Anh. Cụ thể, Đức, Hà Lan, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (Dubai), Singapore đã nhận được quan tâm nhiều hơn, với mức độ tăng trưởng dao động từ 12 đến 28% so với kỳ khảo sát hồi tháng 3 và đứng đầu là Đức.
Chất lượng giáo dục không là nhân tố hàng đầu
Kết quả khảo sát cũng xem xét nhiều khía cạnh liên quan đến việc lựa chọn điểm đến du học. Theo đó, tất cả công ty du học tham gia đều nhận định chi phí học tập (học phí, sinh hoạt phí, khoản phí khác) là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc ra quyết định du học với 77% lựa chọn. Xếp sau đó là khả năng tiếp cận quyền làm việc sau tốt nghiệp (64%), chất lượng giáo dục (62%) và cơ hội làm việc trong khi học (59%).
Điều này cho thấy, thời kỳ kinh tế khó khăn hậu Covid-19 đã tác động không nhỏ đến nhu cầu học tập ở nước ngoài của sinh viên quốc tế, theo Navitas.
Riêng ở khu vực Đông Nam Á, 5 yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến việc lựa chọn quốc gia du học của sinh viên là chi phí học tập (62%), khả năng tiếp cận quyền làm việc sau tốt nghiệp (46%), cơ hội làm việc trong khi học (44%), chất lượng giáo dục (41%), cơ hội định cư dài hạn (38%). Như vậy, định cư và tuyển dụng là những yếu tố có tác động quan trọng đến việc du học của người học Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Cũng theo bản báo cáo, xu hướng lựa chọn du học của sinh viên quốc tế đang có sự thay đổi đáng kể. Trước đây, khi muốn du học, nhiều bạn thường chỉ chọn một trường ở một nước để nộp hồ sơ. Nhưng từ sau đại dịch Covid-19, một tỷ lệ lớn sinh viên đang nộp đơn vào nhiều trường hơn trong một nước, cũng như nộp đơn vào nhiều quốc gia hơn. Xu hướng này được hơn 80% công ty du học trên toàn thế giới tán thành.
Chia sẻ trong thông cáo, ông Tony Cullen, Tổng giám đốc điều hành phụ trách quan hệ toàn cầu của Navitas, nhận định sinh viên quốc tế đã "mất niềm tin" vào cả Úc, Canada và đang hướng sự chú ý về một số điểm đến du học mới hơn ở châu Âu và châu Á, nhất là ở những nơi mà quy trình xử lý visa du học được cho là minh bạch và chào đón sinh viên quốc tế hơn hẳn.
Bình luận (0)