Du học sinh Mỹ chi trả xét nghiệm và viện phí thế nào nếu nhiễm Covid-19?

14/03/2020 15:02 GMT+7

Mấy ngày nay, một số bạn đang học hoặc làm ở Mỹ đang lo lắng về việc chi phí chữa trị bệnh ở Mỹ quá cao, lỡ nhiễm Covid-19 nhập viện sẽ không có tiền chi trả.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Hồ Đắc Nguyên Ngã (San Francisco State University, Mỹ) xung quanh vấn đề bảo hiểm tại Mỹ - vấn đề mà nhiều người đang quan tâm, nhất là trong mùa dịch Covid-19.
Covid-19 đã khiến nhiều trường học ở Mỹ đóng cửa. Trường tôi dạy bắt đầu chuyển sang dạy online hoàn toàn. Các công ty ở khu vực tôi ở cũng bắt đầu khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà. Các thành phố cũng có nhiều biện pháp khác nhau tùy tình hình từng nơi.
Mấy ngày nay thấy một số bạn đang học hoặc làm ở Mỹ hoặc có người thân đang học hoặc làm ở Mỹ có vẻ hoang mang vụ chi phí chữa trị ở Mỹ cao quá sau khi đọc báo về cái hóa đơn xét nghiệm đến mấy ngàn đô. Lỡ mà nhập viện chắc không có tiền trả. Thực sự là chi phí y tế ở Mỹ rất cao vì nhiều lý do, trong đó có lý do là nước Mỹ gánh phần lớn chi phí nghiên cứu y tế trên thế giới. Một lần vô viện ở Mỹ có thể có hóa đơn hàng trăm ngàn đô la. Nhiễm Covid-19 thì có thể phải sử dụng nhiều máy móc. Bác sĩ chăm sóc dễ bị lây nhiễm. Phòng cách ly riêng. Nên chi phí có thể là rất lớn. Nếu không có bảo hiểm, nhiều khi mua vé máy bay về nước chữa trị lại rẻ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, phần lớn người ở Mỹ là có bảo hiểm y tế. Khi gặp bác sĩ hay vào viện, bạn chỉ phải trả một phần gọi là đồng chi trả (co-pay). Nhưng phần đồng chi trả này sẽ giới hạn trong mức tối đa chi trả trong 1 năm (maximum out-of-pocket). Trường của tôi mua bảo hiểm cho tất cả nhân viên và gia đình của họ. Có khoảng 20 gói bảo hiểm khác nhau để chọn lựa. Gói thông dụng nhất là 10 đô la đồng chi trả cho khám bệnh hoặc vào viện, 5 đô la đồng chi trả cho thuốc, mức tối đa chi trả trong một năm là 1.500 đô la, tất cả xét nghiệm và chích ngừa là miễn phí. Tức là nếu đi vô bệnh viện cứ một lần trả 10 đô, mua thuốc một lần 5 đô, xét nghiệm và chích ngừa thì khỏi trả. Khi nào trả hết 1.500 đô la trong một năm thì năm đó không phải trả gì nữa.
Tuy nhiên không phải gói nào cũng tốt như vậy. Có gói phải trả 20% đồng chi trả. Tức là chi phí 1.000 đô la thì bạn phải trả 200 đô la. Nhưng cũng có mức tối đa phải trả, khoảng 3.000 đô la hay 5.000 đô la gì đó. Tức là tối đa bạn chỉ phải trả 3.000 đô la hay 5.000 đô la trong một năm thôi.
Hơn nữa, mới đây chính phủ Mỹ đã đạt được thỏa thuận với các công ty bảo hiểm y tế trả 100% tiền xét nghiệm Covid-19, kể cả cho những người không có bảo hiểm. Hiện nay, để xét nghiệm, bạn phải điền vào một bảng câu hỏi online. Nếu cần xét nghiệm, bạn có thể lái xe đến các địa điểm gần nhất, xét nghiệm theo kiểu ngồi trên xe (drive-through). Tức là bạn chỉ cần ngồi trên xe, kéo cửa kính xe xuống, nhân viên y tế lấy mẫu xong thì bạn có thể lái xe đi về.
Một vấn đề nữa là khoản bảo hiểm thanh toán tối đa (limit of coverage), tức là nếu chi phí y tế mà vượt qua một con số nào đó thì bảo hiểm sẽ ngừng trả. Phần lớn điều khoản của những người đi làm thì khoản này là vô hạn, tức là không có giới hạn. Các gói mà sinh viên nước ngoài mua có thể có giới hạn. Những người đi du lịch thường chỉ được mua khoản vài trăm ngàn là tối đa. Nhưng bảo hiểm du lịch thường có điều khoản sắp xếp đưa người về nước nếu có bệnh.
Trên đây chỉ là những thông tin chung. Bạn nên gọi điện lên công ty bảo hiểm của bạn (tất cả du học sinh ở Mỹ đều phải có bảo hiểm y tế) để hỏi rõ các thông tin sau: đồng chi trả (co-pay), mức tối đa chi trả trong 1 năm (maximum out-of-pocket), và khoản bảo hiểm thanh toán tối đa (limit of coverage). Lúc nào bạn cũng phải biết rõ chính sách bảo hiểm của mình đang có để phòng bất trắc. Xin chúc các bạn khỏe mạnh trong mùa dịch Covid-19 và không cần phải sử dụng đến bảo hiểm.

Thủ tướng đồng ý thu phí điều trị người nước ngoài nhiễm Covid-19 ở Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.