Du học sinh trong khu cách ly hội ngộ sau 2 tháng về nhà

13/06/2020 18:24 GMT+7

Những du học sinh từ châu Âu trở về cách ly tại Trường Quân sự Quân khu 7 từng 'gây bão' mạng trong thời gian chống dịch Covid-19 đã gặp lại nhau tại đường sách TP.HCM sáng nay (13.6), sau 2 tháng trở về nhà.

Sáng 13.6, tại đường sách TP.HCM, nhiều du học Việt ở châu Âu từng gây “bão mạng” thời gian cách ly xã hội tại Trường Quân sự Quân 7 (Q.12) đã có dịp hội ngộ nhau sau khoảng 2 tháng trở về nhà. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như Vũ Việt Linh, du học sinh Cộng hòa Czech với loạt nhật ký bằng ảnh thu hút hàng nghìn like trên mạng xã hội, với bức ảnh “tiệm tạp hóa Cô Vy” siêu dễ thương được dân mạng thả tim rầm rộ; Cậu bạn “khổng lồ” Lê Hoàng Quốc Anh, chàng du học sinh 6 múi hài hước; Cô bạn Nelly Phan, du học sinh Tây Ban Nha hay Tiến Đạt, du học sinh Hà Lan thư sinh, lãng tử đều có mặt đông đủ...
Đặc biệt hơn cả, Trung tá Trần Việt Nhuận, trưởng Ban tuyên huấn Trường Quân sự Quân khu 7 - người trực tiếp đón hàng nghìn du học sinh từ châu Âu trở về cách ly trong đợt dịch Covid-19 cũng xuất hiện trước công chúng và gặp lại các bạn du học sinh trong sự xúc động.

"Tiệm tạp hóa Cô Vy" của Vũ Việt Linh từ ngoài đời lên tranh ký họa

NVCC

Hội ngộ xúc động

Lý do của sự xuất hiện này là vì Nguyễn Tăng Quang, cũng là một trong những người được cách ly tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7 đã cùng các bạn du học sinh thực hiện bộ sách ký họa có tựa đề “Con đã về nhà”. Việt Linh, Tiến Đạt, Quốc Anh… cùng nhiều câu chuyện khác xuất hiện đầy sống động qua nét vẽ của anh chàng kiến trúc sư trẻ tài năng. Trước đó, bộ tranh ký họa của Tăng Quang cũng thu hút hơn 10.000 lượt thích, 6.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội trong thời gian cách ly Covid-19.
Nói về cảm xúc trong ngày hội ngộ bất ngờ, Việt Linh bày tỏ: “Thật sự sau 2 tháng rồi thì tụi em mới gặp lại nhau. Khi tụi em ra khỏi khu cách ly là đầu tháng 4 và hôm nay đã hơn đầu tháng 6. Gặp lại mọi người đều rất vui, tay bắt mặt mừng, kể lại những câu chuyện cũ … Đây cũng là một cách để ôn lại kỷ niệm xưa, một hành trình mà em nghĩ khó có thể lặp lại”.

Vũ Việt Linh, chàng du học sinh từng gây bão mạng với loạt nhật ký trong khu cách ly tại đường sách TP.HCM sáng 13.6

Lê Nam

Việt Linh cho biết thêm, hiện cậu ở nhà khi trường học vẫn đóng cửa. Việt Linh dự định sẽ trở lại lại trường trong tháng sau, khi các chuyến bay tới châu Âu nối lại để hoàn thành nốt luận văn còn dang dở.
Cô bạn Nelly Phan, nữ du học sinh Tây Ban Nha, cho biết thêm: “Rất vui là mọi người rất thân thiết và giữ mối quan hệ tốt sau thời gian sống chung trong khu cách ly. Với anh Tăng Quang, bản thân mình chưa có cơ hội gặp trực tiếp nhiều vì mọi người phải cách ly và giữ khoảng cách với nhau. Thật ra đây là cơ hội rất tốt để mình được gặp mọi người”.

Từ trái qua: Nhà báo Hòa Bình, tác giả Tăng Quang, Nelly Phan (du học sinh Đại học Ramon Llull Tây Ban Nha), Lê Tiến Đạt (du học sinh Đại học Stenden Hà Lan) và Vũ Việt Linh (du học sinh Cộng hòa Czech)

Lê Nam

Nelly Phan cũng chia sẻ cảm giác được sống lại những ngày trong Trường Quân sự Quân khu 7, cô bạn vô cùng ấn tượng với nền nếp trong khu quân đội: “Cảm giác giống như mọi chuyện lại quay trở về. Quan trọng hơn nữa là mình học được nền nếp sinh hoạt trong môi trường quân đội và của mọi người...”.

Nói lời cảm ơn chưa bao giờ là muộn

Cuốn sách “Con đã về nhà” của tác giả Tăng Quang và các bạn du học sinh gồm 2 phần chính. Phần đầu tác giả ký họa lại cảnh sinh hoạt của các bạn cùng phòng với mình, cùng với sự giúp đỡ, chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ trong cuộc sống hằng ngày. Anh quan sát và lựa chọn góc nhìn để đưa vào khung cảnh như trong tranh vẽ.
Phần sau Tăng Quang vẽ thêm một vài bức họa từ các ảnh chụp mà nhà xuất bản đã xin phép các nhiếp ảnh gia, khi họ ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong thời gian cả nước chống dịch Covid-19. Đó là các chiến sĩ đồn biên phòng biên giới phía Bắc nhường chỗ ở cho sinh viên để vào rừng cắm trại sinh sống; là bà mẹ Việt Nam Anh hùng cặm cụi may khẩu trang tặng chiến sĩ…

Kiến trúc sư trẻ Tăng Quang tại đường sách TP.HCM

Lê Nam

“Cuốn sách mang ý nghĩa như ghi lại một lát cắt lịch sử, một giai đoạn khá đặc biệt mà có thể cả xã hội sẽ không bao giờ trải qua lần thứ hai. Đồng thời là một cách để mình nói lên lời cảm ơn đến sự đóng góp, sự hy sinh của các anh chị bác sĩ, chiến sĩ trong khoảng thời gian vừa qua. Để nói lời cảm ơn thì không quan trọng là sớm hay muộn”, chàng kiến trúc sư trẻ nói với phóng viên Báo Thanh Niên.

Thông điệp tích cực sẽ lan tỏa

Anh Trần Viết Nhuận, Trưởng ban tuyên huấn của Trường Quân sự Quân khu 7, cho biết khi được giao nhiệm vụ mới là đón tiếp hàng nghìn du học sinh trở về, nhất là khi Chính phủ phát động chương trình “Chống dịch như chống giặc”, mặc dù được tập huấn kỹ càng nhưng bản thân anh vẫn không khỏi có những lo lắng: “Không phải như các em bộ đội đã được huấn luyện giáo dục nền nếp, chính quy nên lo nhất là các em sinh viên ở các nước trở về sẽ chấp hành nội quy thế nào. Khi các bạn ấy về rồi thì khác múi giờ, rồi khi ăn, khi ngủ, khi sinh hoạt thì sẽ phát sinh nhiều chuyện xảy ra. Để hoàn thành nhiệm vụ, như ngày hôm nay và đứng ở đây để trao đổi với các bạn, phải nói rằng sự phối hợp của các bạn ấy rất nhiệt tình”.

Anh Trần Viết Nhuận cảm ơn các bạn du học sinh vì đã lan tỏa những thông điệp tích cực đến cộng đồng

Lê Nam

Trong ngày hội ngộ du học sinh, Anh Nhuận cũng không giấu sự xúc động: “Từ đáy lòng mình, tôi trân trọng việc làm của các du học sinh khi đem những thông tin, những thông điệp đầy tích cực từ trong khu cách ly đến với người dân, thậm chí lan tỏa ra các nước khác. Bởi tới đây, khi các bạn quay lại các nước châu Âu để tiếp tục học tập, với những trải nghiệm quý báu này, tôi tin rằng thông điệp về một Việt Nam đoàn kết, đồng lòng chống dịch Covid-19 sẽ còn được lan tỏa hơn nữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.