(TNO) Nhiều cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ trở về nước với những thách thức và trăn trở riêng, nhưng họ đều chọn con đường quay về, sẵn sàng chọn cách đối mặt khó khăn với mong muốn góp sức vào sự phát triển của Tổ quốc.
Bà Tổng lãnh sự Mỹ tại Tp.HCM Rena Bitter bày tỏ vui mừng khi chứng kiến thành công của các thế hệ cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ - Ảnh: Ngọc Mai
|
Chiều ngày 22.8, tại Trung tâm Hội nghị của Liên hiệp Các tổ chức Hữu Nghị TP.HCM, Câu lạc bộ Cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã tổ chức chương trình ngày hội U.S Alumni Việt Nam 2015.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, bà Rena Bitter chia sẻ rằng, chính các cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ là những hiện thân rõ nét nhất cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, và việc bà có mặt tại Ngày hội Cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ năm 2015 cũng là minh chứng cho điều đó.
Ngày hội với chủ đề “Together We Build” (tạm dịch: Chung tay xây dựng - NV) đã thu hút nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam từng học tập tại Mỹ tham gia với những chia sẻ về trăn trở sau khi trở về cũng như những ấp ủ để góp sức cùng đất nước.
Khó khăn đối mặt
Buổi đối thoại “Ngày trở về - khó khăn và thách thức” trở thành nơi chia sẻ những câu chuyện của các cựu du học sinh trở về Việt Nam trong những năm gần đây, làm việc trong các lĩnh vực hành chính công, tư nhân cũng như phi chính phủ. Điểm chung trong những câu chuyện của họ là nghịch lý trong công việc, môi trường và những hoài bão lớn khi bước chân về Việt Nam.
Ngày hội thu hút nhiều vị khách mời cả trong và ngoài nước - Ảnh: Ngọc Mai
|
Trở về nước với tấm bằng cử nhân tâm lý công nghiệp của Đại học Oregon (Mỹ), suốt một thời gian dài, anh Bùi Quang Minh không tìm được công việc như mong muốn và thậm chí ở Việt Nam cũng không nhiều người hiểu về ngành học của Minh.
Bùi Quang Minh chia sẻ nỗi băn khoăn vì những ngày đầu làm việc không được ghi nhận và trăn trở khi nhận ra cách đánh giá năng lực nhân viên của công ty tại Việt Nam và nước ngoài có quá nhiều khác biệt.
Chị Nguyễn Thị Nga, hiện là chuyên viên phân tích đầu tư cao cấp của Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, từng theo học thạc sĩ theo chương trình Fulbright thì chia sẻ một trăn trở khác.
Chị Nga nhận thấy những kỳ vọng mà những nhà tuyển dụng đặt ra đối với du học sinh Mỹ dường như cao hơn so với những người cùng vị trí nhưng được đào tạo ở Việt Nam. Điều này ít nhiều tạo áp lực tâm lý về cơ hội được thăng tiến đối với các du học sinh.
Trong khi đó, chị Lê Thị Thanh Trà, Phó Giám đốc Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, từng học thạc sĩ về giáo dục và phát triển cộng đồng ở Mỹ mong muốn thay đổi cộng đồng, cải thiện môi trường cộng đồng tại Việt Nam. Thế nhưng, khi trở về nước, thách thức lớn nhất mà chị Trà phải đối mặt chính là phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, điều đó thực sự không hề dễ dàng.
Các cựu du học sinh Việt Nam từng học tập tại Mỹ chia sẻ những trăn trở của mình - Ảnh: Ngọc Mai
|
Mặc dù có nhiều khó khăn khi quay về nước làm việc nhưng rất nhiều cựu du học sinh có mặt tại ngày hội đều chia sẻ rằng dù làm việc ở khu vực công, tư hay đơn vị nước ngoài thì họ cũng mong muốn trở về góp sức xây dựng quê hương.
Chọn quê hương
Nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên, người xây dựng chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” cũng là một người từng theo học ở Mỹ. Dù cho có những cơ hội để ở lại Mỹ làm việc nhưng chị Thu Uyên khẳng định chỉ có quê nhà mới là nơi dành cho mình.
Chi Uyên Uyên chia sẻ câu chuyện lúc mới trở về cũng gặp khó khăn khi muốn vun đắp và đưa cái mới áp dụng vào Việt Nam, nhưng để thay đổi, chỉ có thể cải tổ từ từ và bắt đầu từ những điều đơn giản nhất.
Chia sẻ về cơ hội cho du học sinh khi về nước, hầu hết các vị khách mời, ở nhiều lĩnh vực khác nhau đều nhất trí rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và nếu cần một điểm sáng thì các cựu du học sinh nên tự tạo lập những cơ hội mới cho mình. Trên thực tế, nhiều du học sinh sau khi về nước đã tự đi trên con đường của mình, tự lập công ty, tự khai thác ý tưởng mới ngay chính tại môi trường còn “chưa thực sự sẵn sàng” ở Việt Nam, và họ đã thành công.
Những cựu du học sinh này là những người được trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến ở Mỹ, họ chọn trở về, chọn đối mặt với khó khăn và mong muốn tiếp tục phát huy những gì mình có để góp sức vào sự phát triển của quê hương.
Bình luận (0)