Du học sinh Việt về nước khởi nghiệp: Hai vợ chồng điều hành công ty bên Mỹ

22/03/2019 14:49 GMT+7

Chỉ từ 3.000 USD đầu tiên - khoảng hơn 60 triệu đồng - Đồng Đức Trọng và Phạm Tuyết Ngân, hai du học sinh Việt Nam ở Mỹ khởi nghiệp với công ty công nghệ tuyển dụng tại thung lũng Silicon (Silicon Valley, Mỹ).

Tại sao chỉ từ 3.000 USD mà không phải con số lớn hơn? Đồng Đức Trọng cho biết đó là con số được National Science Foundation trao tặng cho dự án, sau khi chứng minh được mình có khách hàng, mô hình kinh doanh khả thi và dự án có khả năng vươn xa.
“Là dân công nghệ, nhưng tôi không bắt tay khởi nghiệp bằng việc ngồi viết lập trình sản phẩm mà trước tiên tôi đi tìm khách hàng. Từ đó, vợ chồng chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với hơn 30 công ty, tập đoàn… và nắm bắt được vấn đề họ đang khó khăn trong cách tuyển dụng. Tại Mỹ và nhiều quốc gia phát triển, tuyển dụng là cuộc chiến. Ai tuyển dụng được nhân tài nhanh nhất, đó là người chiến thắng. Từ đó, Rakuna của chúng tôi ra đời, chính những "ông lớn" từng được chúng tôi phỏng vấn như Best Buy, RSM là những vị khách đầu tiên”, Trọng nhớ lại.

Tại Việt Nam điều hành công ty ở thung lũng Silicon

Chàng trai 30 tuổi mở chiếc điện thoại thông minh, anh đưa ra cho tôi xem ứng dụng Rakuna. Chỉ sau một vài thao tác trên màn hình: chụp ảnh hồ sơ, trả lời câu hỏi phỏng vấn - hệ thống thông báo dữ liệu đã được lưu và bộ phận tuyển dụng đã nắm được thông tin của tôi.
Chân dung nhà khởi nghiệp 30 tuổi Thúy Hằng
Hệ thống gửi ra email cám ơn, tin nhắn xác nhận, và hồ sơ ứng viên lập tức được chuyển sang bước tiếp trong quy trình tuyển dụng. “So với cách chúng ta gửi hồ sơ, hỏi đáp ghi chép trên giấy như cách làm truyền thống, ứng dụng công nghệ này cho phép việc giảm 30% thời gian cho người tuyển dụng, tiết kiệm chi phí và tăng trải nghiệm cho cả ứng viên và công ty tuyển dụng”, Trọng hồ hởi.
Hiện tại, công ty Rakuna do vợ chồng Trọng sáng lập có trụ sở tại thung lũng Silicon, Mỹ, bộ máy nhân sự với khoảng 15 người trẻ Việt Nam đều làm việc ở Hà Nội, TP.HCM và Mỹ. Trọng nói: “Một năm sau khi công ty thành lập, năm 2016 chúng tôi về lại Việt Nam, tuy nhiên khách hàng vẫn đang là những công ty, tập đoàn tại Mỹ, Canada. Họ có nhu cầu thực sự và sẵn sàng chi trả cho sản phẩm. Nói vui thì giống như kiếm tiền đô và tiêu tiền đồng, việc khởi nghiệp của chúng tôi có những lợi thế riêng”.

Từng đi rửa xoong nồi ở trường đại học Mỹ


Đồng Đức Trọng tốt nghiệp cấp 3 tại Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, anh đi du học diện tự túc ngành quản lý hệ thống thông tin tại Iowa State University of Materials Science & Engineering. Từng là một học sinh khá nghịch ngợm và yếu tiếng Anh, Trọng cho biết khi học đại học, anh lựa chọn một nơi xa trung tâm phố thị, có càng ít bạn Việt Nam càng tốt để có trải nghiệm hoàn toàn trong môi trường thuần bản địa.
Năm đầu tiên, Trọng xin làm công việc dọn chuồng ngựa nhưng không được chấp nhận vì nhẹ cân và quá bé, anh từng bị từ chối cả công việc rửa chén bát trong căn tin đại học. Cuối cùng phải tới kỳ nghỉ lễ - khi học sinh nghỉ học chơi Giáng sinh - anh mới được nhận việc rửa xoong nồi - với 7 USD một giờ, bắt đầu từ 5 sáng mỗi ngày.
“Tôi từng hoang mang khi mình không hiểu các bạn trong ký túc xá nói chuyện gì. Tôi rút ra bài học, hãy cứ ngồi lỳ ở đó và mỉm cười lắng nghe để cho họ thoải mái trao đổi, sau đó tôi về sẽ hỏi bạn cùng phòng, tra thông tin tìm hiểu. Đó là cách tôi chọn để học ngoài sách vở”, Trọng hồi tưởng.
Chăm chỉ, cầu tiến, Trọng tiến bộ từng ngày và sau 2 năm được nhận vào làm quản lý ký túc xá. Năm 2009, dù khủng hoảng kinh tế tràn lan, Trọng trúng tuyển thực tập 12 tuần tại tập đoàn Boston Scientific, sau đó được mời làm việc tại tập đoàn này. Nơi này cũng tạo điều kiện tài trợ kinh phí để Trọng học tiếp thạc sĩ công nghệ y sinh tại Trường đại học Minnesota, anh vừa đi học full-time, vừa đi làm full-time, một ngày bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi đã quá nửa đêm. Minnesota cũng là cơ duyên để Trọng gặp được người bạn gái Phạm Tuyết Ngân (cô gái 9X từng làm việc tại công ty kiểm toán Ernst & Young; tập đoàn công nghệ thanh toán VISA tại Silicon Valley) sau này trở thành vợ và đồng sáng lập công ty với anh vào năm 2015.
Hai vợ chồng cùng khởi nghiệp thì khó khăn nhất là gì? Chúng tôi hỏi Trọng. Ông bố của một cô con gái 3 tuổi và cậu con trai  3 tháng tuổi, chia sẻ: “Sẽ có những tranh cãi, nhưng quan trọng tôi hiểu ra rằng mình đang may mắn có một người luôn lùi lại phía sau kiểm soát giúp mình những rủi ro và nói cho mình những điều cần khắc phục để công việc thành công hơn. Hơn thế nữa, chúng tôi may mắn có các bé con khoẻ mạnh - mỗi đứa thực sự là một công ty khởi nghiệp. Tôi có hai. Và điều đó làm tôi giàu”.
Đừng sợ đang đi trái luồng dư luận
Đó là kinh nghiệm của chàng trai 30 tuổi. Theo anh khởi nghiệp không nằm trên một con đường vạch định sẵn. Khởi nghiệp cần dám gạt đi góc nhìn và cái tôi, tập trung vào điểm mạnh của mình và lắng nghe chân ý của khách hàng.
"Tôi yếu về gọi vốn, ngại làm truyền thông. Tôi và cả team chỉ biết tập trung thời gian vào làm thân với khách hàng. Tròn sinh nhật 3 năm 2018, Rakuna đã chính thức có lãi gộp. Chúng tôi chọn hướng đi bền vững: "làm ít ăn ít có dư” và lấy doanh thu, lợi nhuận là KPI chính duy nhất", Trọng nói.
Năm 2015, Trọng từng mang ý tưởng Rakuna đi thi và bị mất giải thưởng trong đêm chung kết cuộc thi khởi nghiệp Minnesota Cup - vì lỡ nói thật là sẽ chuyển dự án sang thung lũng Silicon, bang California. Trong nỗi buồn thất bại, Trọng một mình lái xe hơn 3.000 km từ tiểu bang Minnesota về lại bang California nơi vợ và con anh đang chờ.
Tuy nhiên trên đường đi, một thành viên trong ban giám khảo gọi điện nói, ông rất quý trọng sự thật thà và tặng anh 10.000 đô la để đừng từ bỏ ước mơ. “Năm 1981, ông ấy từng khởi nghiệp và gần như phá sản. Mẹ ông khi ấy đã dành hết tiền tiết kiệm và đưa cho ông 10.000 đô la. 3 năm sau ông chuyển số tiền đầu tư thiên thần đó thành 12,5 triệu đô la sau khi bán công ty. Rakuna và chúng tôi có ngày hôm nay nhờ sự động viên kỳ diệu từ 10.000 đô la ấy”, Trọng kể
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.