Du học sinh VN tại Nga học bằng học bổng hiệp định toàn phần, mới nghe chỉ thấy sướng, có gì đâu mà khổ! Tức là từ tiền trường miễn phí, ký túc xá được hỗ trợ, mỗi tháng được nhận tiền sinh hoạt ở Nga, có thể nói là không thiếu thốn lại được phía Nga cấp cho một khoản đủ đi lại, trả thêm tiền… internet. Thế nhưng, bức tranh màu hồng ấy lại có những điểm tối mà không phải ai cũng biết, nếu họ chưa từng trải qua. Chậm cấp sinh hoạt phí là ác mộng chung mà trước khi rời VN đến Nga du học, không sinh viên nào ngờ tới!
tin liên quan
Du học sinh Việt tại Úc tìm hướng giải quyết trước nạn bạo lựcHầu như năm nào cũng chậm, không trục trặc này thì vấn đề nọ. Lưu ý rằng đi làm thêm trong khi bạn là sinh viên ngoại quốc tại Nga là việc bất hợp pháp. Cho nên nguồn trợ cấp là nguồn “thu nhập” vô cùng quan trọng, đặc biệt là các bạn đến từ vùng nông thôn vốn bố mẹ cũng không thể dư dả để chu cấp cuộc sống sinh hoạt đắt hơn nhiều lần cho con cái mình khi ở nước ngoài.
Chưa kể việc gửi tiền từ VN ra nước ngoài cần nhiều thủ tục. Nhiều du học sinh VN tại Nga không “đoán nổi” đã quyết định vay mượn bạn bè, người quen… chờ tới khi có học bổng sẽ trả lại. Nhưng vay mượn hoài cũng hết, phải đi làm chui và nếu xui thì sẽ bị cảnh sát bắt và phải về nước, bỏ lại một giấc mơ dang dở. Và những trường hợp đau lòng như vậy đã xảy ra.
Năm 2018, khá nhiều du học sinh VN tại Nga chứng kiến một đợt cấp sinh hoạt không chỉ chậm mà còn thiếu. Nhiều sinh viên sau khi nhận được sinh hoạt phí mới vỡ lẽ ra việc thiếu này và sau đó gửi thư hỏi, thì chuyên viên của Bộ GD-ĐT mới gửi thông báo đến. Lại một lần nữa không hề có kế hoạch từ trước. Nguyên nhân được giải thích là không cấp quá ngày 15.1.2019, có nghĩa theo đó nếu ai bắt đầu sang Nga sau ngày 15.10.2018 thì bị thiếu một tháng!
Nhưng chậm sinh hoạt phí là một câu chuyện dài, và không chỉ thế, nó luôn luôn đầy khó hiểu.
Đời sống của du học sinh VN tại Nga bằng học bổng hiệp định toàn phần đang lay lắt. Hãy tưởng tượng bạn nhận chậm lương nửa tháng đã khó khăn như thế nào mà du học sinh VN tại Nga nhận chậm 3 - 6 tháng rồi đến cả năm. Làm việc cảm tính như vậy liệu có phù hợp trong một môi trường quản lý đội ngũ trí thức trẻ VN? Chúng ta không thể đổ lỗi cho việc chuyên viên quá bận được mà phải thấy rằng cách làm việc thủ công như vậy trong một xã hội công nghệ 4.0 là cần sửa đổi.
Bình luận (0)