Theo đó, một anh Tây đi xe máy lên Tây Bắc không may bị tai nạn phải vào bệnh viện (BV). Suốt những ngày đó, anh được một gia đình người Việt quan tâm, chu đáo tận tình từ cơm nước, sạc pin và cả bánh trái tráng miệng.
Dù ngữ pháp có thể chưa chính xác nhưng vị khách Tây vẫn hiểu và không quên gửi lời cảm ơn đến anh. Tuy vẻ bề ngoài của người đàn ông dễ gây hiểu lầm với những hình xăm nhưng nhìn sự tận tình và cách anh nói chuyện với anh Tây ai nấy đều thích thú.
Tài khoản Nguyễn Trung Kiên bình luận: “Sự giúp đỡ và mến khách là một tôn chỉ hàng đầu của người Việt Nam”. Bạn Mai Thế Cường viết: “Người đàn ông hiền hòa, nhân hậu. Cảm ơn anh”.
Giúp anh Tây yên tâm điều trị
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, người đàn ông tốt bụng trong câu chuyện trên là Phạm Tiến Bảo (40 tuổi, ở TX Mường Lay, Điện Biên). Còn du khách Tây là anh Amaury Gidon (quốc tịch Pháp).
Anh Bảo kể lại, ngày 23.9, anh nhận điện thoại từ một nhân viên y tế ở BV đa khoa TX Mường Lay nhờ lên phiên dịch giúp vì bệnh nhân là người nước ngoài đang làm thủ tục nhập viện. Anh Amaury Gidon bị tai nạn khi đang đi xe máy khám phá Tây Bắc. Ngay lập tức, anh Bảo đến BV giúp đỡ du khách này.
Anh Bảo (áo đen) vào BV giúp đỡ du khách Tây |
NVCC |
“Anh Tây không biết tí tiếng Việt nào mà BV đang cần làm hồ sơ để chụp chiếu, bó bột tôi liền chạy lên BV. Lúc gặp, mặt anh ấy nhăn lại vì đau đớn. Tôi hỏi thăm, xin tên tuổi, địa chỉ và đưa anh ấy đi chụp chiếu. Chỗ anh gặp tai nạn cách TX Mường Lay khoảng 10km, một người đi ô tô đã cho đi nhờ đến BV. Tôi đứng ra chịu trách nhiệm, lo viện phí, ăn ở, anh ấy bị gãy chân khi có kết quả chụp chiếu”, anh Bảo nói.
Theo lời anh Bảo, anh Amaury Gidon cùng 2 người nước ngoài khác quen nhau ở Sa Pa. Sau khi bị tai nạn, họ phải về đồn cảnh sát làm việc nên anh ấy ở BV một mình. Anh Bảo tự nhận tiếng Anh của mình không tốt nhưng du khách Tây vẫn hiểu được anh Bảo.
“Tôi chỉ học bồi tiếng Anh, anh Tây có hỏi hết bao nhiêu tiền nhưng tôi trả lời: “No problem” (không vấn đề gì - PV) để anh yên tâm. Trong thời gian chờ người thân anh vào BV, tôi mua cơm, cà phê vào cho anh mỗi bữa. Tôi biết người nước ngoài thích ăn chuối nên thay vì mua trái cây có hôm tôi mang đến một nải chuối”, anh cười nói.
“Ai cần gì tôi sẵn sàng giúp đỡ!”
Anh Bảo cho biết, 12 năm trước anh làm cho các công ty du lịch chuyên cho thuê xe ở khu vực Tây Bắc. Anh mua một quyển từ điển tiếng Anh và tự học thêm trên mạng, bắt chước nói theo người nước ngoài. Anh buôn bán nông lâm thủy sản và từng giúp người dân tộc vào bệnh viện, sửa xe cho khách du lịch.
Biết người nước ngoài thích ăn chuối, anh đã mua mang đến BV |
nvcc |
“Ai cần gì tôi đều sẵn sàng giúp đỡ. Người Tây qua Việt Nam giống người Việt qua nước ngoài nếu gặp vấn đề gì có người giúp họ sẽ rất mừng. Tôi chỉ mong anh ấy mau khỏe lại, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Hơn nữa, tôi có một đứa con trai nên muốn hướng thiện để con nhìn vào đó và học tập”, anh bộc bạch.
Anh Amaury Gidon cho hay, hiện sức khỏe anh khá ổn nhưng chân vẫn còn đau. Anh qua Việt Nam được 2 tuần và đang có chuyến du lịch lên Tây Bắc. Anh vô cùng cảm kích với sự giúp đỡ của anh Bảo.
“Lúc đầu tôi cảm thấy rất tệ vì coi như đã kết thúc chuyến du lịch của tôi ở châu Á. Nhưng sau đó tôi đã gặp được anh Bảo. Anh ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều và giờ trở thành người bạn của tôi. Đó cũng là lý do tôi yêu Việt Nam, yêu con người ở đây. Họ rất nhiệt tình và tốt bụng”, anh chia sẻ.
Hiện, anh Amaury Gidon xem anh Bảo như một người bạn |
nvcc |
Chị Vương Thị Thu Trang (40 tuổi, vợ anh Bảo) cho hay, khi chồng bảo vào BV giúp đỡ anh Tây, chị hoàn toàn đồng ý. “Tôi ở Hà Nội lên đây làm vợ 6 năm từng thấy anh nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Giờ chồng giúp anh Tây cũng là việc bình thường. Anh thường phiên dịch giúp, sửa xe cho khách du lịch. Anh ấy rất nhiệt tình với người nước ngoài vì được nói chuyện với họ. Chồng tôi rất chịu khó, hài hước, không rượu chè, cờ bạc, làm từ sáng đến tối. Xăm trổ chỉ vì sở thích của anh ấy”, chị Trang cho hay.
Bình luận (0)