Hideyuki Abe, Giám đốc điều hành Akky International Corp không thể kiềm chế sự phấn khích khi du khách nước ngoài đang quay trở lại Nhật Bản. Những du khách có khả năng chi tiêu cao thường đến cửa hàng của anh ở Akihabara của Tokyo để mua đồng hồ đắt tiền và hàng lưu niệm như kiếm samurai, mèo may mắn…
Bắt đầu từ 11.10, du khách có thể đến Nhật tự túc mà không cần theo tour. Vì thế, dự báo sẽ có làn sóng du lịch mới trở lại Nhật Bản sau đại dịch, và đây là cơ hội để các hãng hàng không, các công ty du lịch, nhà hàng, trung tâm mua sắm… sớm phục hồi, theo ABC News.
Du khách chụp ảnh trên đài quan sát tháp Roppongi Hills Mori, Tokyo |
Bloomberg |
Nhật Bản đã đóng cửa biên giới với du khách trong suốt hơn hai năm đại dịch xảy ra, chỉ các tour du lịch trọn gói mới được phép vào nước này kể từ tháng 6 năm nay. Trong khi đó, đồng yen đã suy yếu một cách mạnh mẽ so với đồng USD và nhiều đồng tiền khác trên thế giới, mang lại cho du khách cơ hội mua sắm mạnh tay khi du lịch Nhật và quyết định đến Nhật nhờ thế cũng diễn ra nhanh chóng hơn.
Cửa hàng Abe có 50 nhân viên thời điểm trước dịch nhưng đã phải sa thải toàn bộ từ năm 2020. “Tôi đã cố gắng bám trụ và đang lo không biết tìm nhân viên ở đâu”, Abe nói. Để phục vụ du khách từ khắp nơi trên thế giới, cửa hàng của Abe có nhân viên nói được nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.
Abe đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn của du lịch Nhật Bản, bao gồm thảm họa hạt nhân ở Fukushima tháng 3.2011, khi đó đồng yen mạnh hơn so đồng đô la Mỹ, khiến Nhật trở thành điểm đến cực kỳ đắt đỏ.
Vào năm 2011, đồng USD có giá 80 yen. Năm ngoái, USD có giá 111 yen. Bây giờ lại đang ở mức cao nhất trong gần ba thập kỷ với khoảng 146 yen. Đó là cơ hội cho du lịch, Abe nói. Theo Goldman Sachs, đồng yen yếu có thể nâng chi tiêu của khách du lịch ở Nhật Bản lên 32%.
Khung cảnh mùa thu ở tỉnh Amaori |
livejapan |
Đối với du khách Việt Nam, đồng yen Nhật yếu là cơ hội tốt hơn để khám phá đất nước này. Ví dụ, cuối 2021, người Việt phải mất 2 triệu đồng mới đổi lấy được 10.000 yen nhưng hiện nay, chỉ cần 1,6 triệu. Như vậy, điểm đến Nhật không còn quá đắt đỏ như trước đại dịch, theo các hãng lữ hành, là cơ hội để kích thích khách Việt mua tour cho mùa thu đông sắp tới. Mua sắm ở Nhật cũng vừa túi tiền khách Việt hơn.
Từ 11.10, khách Việt nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần tiêm xong từ 3 mũi vắc xin trở lên loại đã được WHO công nhận, trường hợp không thì phải có giấy xét nghiệm âm tính. Đồng thời được đi tự do mà không thông qua công ty du lịch hoặc theo tour. Năm 2019 có nửa triệu người Việt đến Nhật còn trong 8 tháng đầu năm nay là 160.000 người.
Năm 2019, Nhật Bản đón 32 triệu khách du lịch nước ngoài và du lịch đóng góp 7% GDP cho nền kinh tế nước này. Hiện các hãng hàng không lớn của Nhật như All Nippon Airways và Japan Airlines tăng chuyến bay để đáp ứng nhu cầu cao hơn dự kiến.
Bình luận (0)