Theo đó, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của TCTD đó.
Quy định này sẽ tạo điều kiện cho TCTD nhận chuyển giao tăng cường được năng lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ... tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho TCTD được chuyển giao, góp phần thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội.
Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 NHTMCP nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại ngân hàng lên 49%.
NHNN cho rằng, hiện nay chỉ nên mở rộng và khuyến khích NĐTNN đầu tư vào các TCTD yếu kém và TCTD nhận chuyển giao chưa nên mở rộng ra tất cả các TCTD. Đối với ngân hàng khác, chưa nên điều chỉnh tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN vượt giới hạn 30% vốn điều lệ.
Theo lý giải từ NHNN, sẽ có ít nhất là 6 NHTM có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN vượt 30% vốn điều lệ, chiếm tương đương 17,14% số NHTMCP. Ngoài ra, hiện nay còn có 2 NH liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số liệu này cho thấy, Việt Nam mở cửa lĩnh vực tiền tệ ngân hàng khá là sâu rộng và có sự hiện diện thương mại tương đối nhiều của TCTD nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Thời gian qua, nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang tiếp tục mở rộng mạng lưới và tăng vốn điều lệ.
Hiện có 27/31 NHTMCP đã được niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Do vậy, các NĐTNN (ngoại trừ nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn) dễ dàng rút vốn ra khỏi NHTMCP của Việt Nam khi có biến động lớn về kinh tế trong nước hoặc trên thế giới. Điều này sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt trong tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước có nhiều biến động như hiện nay.
Ngoài ra, theo cơ chế Ratchet tại hiệp định CPTPP yêu cầu các nước thành viên không đảo ngược tiến trình tự do hóa, điều đó có nghĩa khi Việt Nam điều chỉnh tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN vượt giới hạn 30% vốn điều lệ của NHTMCP, nếu cần thiết Việt Nam không thể điều chỉnh giảm trở lại.
Bình luận (0)