Để có thể thương mại hóa 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải tiến hành đấu giá tần số theo quy định, nhưng từ năm 2019 đến nay chưa thực hiện được vì phải đợi luật Tần số sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7.2023. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, theo lộ trình sẽ đấu giá tần số vào tháng 11.2023. "Dự kiến sau khi đấu giá, Bộ sẽ cấp phép tần số 5G trong năm 2023 để có thể khai trương 5G vào năm 2024", lãnh đạo Bộ chia sẻ.
Tháng 8 vừa qua, Bộ đã có Kế hoạch thương mại hóa dịch vụ 5G, đồng thời quyết định về việc xác định mức thu cơ sở đối với phí sử dụng các băng tần 700 MHz (703 - 733 MHz và 758 - 788 MHz), 2.600 MHz (2.500 - 2.600 MHz), 3.700 MHz (3.560 - 4.000 MHz). Đây là bước đầu tiên của quá trình đấu giá cấp quyền sử dụng tần số các băng tần này cho mạng 4G, 5G tại Việt Nam. Trước đó, băng tần 2.300 - 2.400 MHz đã được đưa ra đấu giá nhưng bất thành.
Băng tần 700 MHz trước đây chủ yếu sử dụng cho hệ thống truyền hình tương tự mặt đất (Analog) nhưng đã được thay thế bởi truyền hình số mặt đất theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Kể từ ngày 28.12.2020, Việt Nam ngừng phát sóng truyền hình Analog nên băng tần 700 MHz được "giải phsong" để sẵn sàng cho triển khai hệ thống thông tin di động IMT.
CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 8.9: Thương mại hoá 5G vào 2024 | Thành phố lớn thứ 2 Anh vỡ nợ
Trên thực tế, từ cuối năm 2019 đến nay, các nhà mạng lớn đã triển khai thử nghiệm dịch vụ 5G ở hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước, nhưng chỉ tập trung ở khu đông dân cư nội đô, khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Ngoài tiện ích phục vụ người dùng truy cập internet không dây với tốc độ cao hơn 4G, công nghệ mạng 5G được quan tâm hơn trong vấn đề hỗ trợ, phục vụ thành phố thông minh, nhà máy thông minh, thúc đẩy kết nối và sự phát triển của doanh nghiệp, nhà máy, kho bãi, bến cảng... và các ngành công nghiệp quan trọng.
Bình luận (0)