Đủ kiểu gian lận tiền hỗ trợ dầu cho ngư dân

12/04/2009 00:50 GMT+7

Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) là một cửa biển sầm uất nhất ở tỉnh Cà Mau. Thực hiện Quyết định số 289 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay ngành chức năng tỉnh Cà Mau chi gần 30 tỉ đồng tiền hỗ trợ dầu cho 1.221 phương tiện của bà con ngư dân thị trấn. Đáng tiếc là số tiền hỗ trợ này một phần đã bị thất thoát do gian lận, phần còn lại thì bà con ngư dân không được hưởng trọn mà phải bấm bụng chia cho... "cò" thủ tục.

Lắm trò gian lận

Chúng tôi đến thị trấn Sông Đốc vào ngày 11.4, khi mà việc hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân kết thúc đã lâu. Dù vậy, đi đến đâu cũng nghe bà con bàn tán râm ran chuyện này. Ở đây hầu như ai cũng có thể "chỉ mặt, đặt tên" những kiểu gian lận để được nhận tiền hỗ trợ dầu của Nhà nước. Đơn cử như trường hợp của bà Quách Thị Hương, ở khóm 6. Bà Hương có một phương tiện đánh bắt hải sản bằng máy Honda 11, chạy xăng, không thuộc diện được hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ. Để được nhận tiền hỗ trợ, bà Hương đi mướn máy dầu của ông Tuấn đặt lên phương tiện, đem đi đăng kiểm, sau đó được nhận 20 triệu đồng tiền hỗ trợ dầu.

Trường hợp gian lận của hộ bà Trần Thị Đạm, ở khóm 4, còn "ngoạn mục" hơn. Hộ bà Đạm không có phương tiện, cũng không có đi đánh bắt thủy sản lần nào. Biết tin Nhà nước hỗ trợ tiền dầu, bà thuê ghe của ông Hồ Văn Quý rồi thuê máy của một người khác mang đi đăng ký, đăng kiểm và lập  hồ sơ xin được hỗ trợ dầu. Kết quả bà được lãnh 20 triệu, chia cho ông Quý 3 triệu.

Một kiểu gian lận khác là có ghe máy nhưng không phải là phương tiện đánh bắt thủy sản vẫn làm hồ sơ xin hỗ trợ dầu. Điển hình là trường hợp của bà Võ Kim Cương, ở xã Khánh Hải (H.Trần Văn Thời). Bà Cương dùng phương tiện chạy đò chở học sinh đi học và phương tiện vận chuyển hàng hóa của mình lập hồ sơ xin hỗ trợ dầu để được nhận 40 triệu đồng. Bà Trần Thị Kính (ở ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời) lại nghĩ ra cách gian lận khác. Bà Kính có một phương tiện đánh bắt. Sau khi lập hồ sơ xin hỗ trợ dầu tại xã Khánh Bình Tây, bà lại đưa phương tiện này cho ông Trần Văn Lăng (ở ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời) tiếp tục làm hồ sơ xin hỗ trợ dầu lần nữa...

Ông Võ Kỳ, Tổ trưởng Tổ Hội đồng nhân dân thị trấn Sông Đốc bức xúc cho biết, qua trực tiếp xác minh, khóm 6 có khoảng 60 phương tiện là đủ tiêu chuẩn hỗ trợ xăng dầu, thế nhưng hiện toàn khóm có trên 300 phương tiện được xét hỗ trợ, trong đó có nhiều chiếc xuồng nhỏ xíu, bị hư hỏng... cũng được hỗ trợ tiền.

Ông Phan Văn Ton, khóm 6, nguyên Phó công an H.Trần Văn Thời, đã lập một danh sách dài do chính người dân cung cấp về những trường hợp nhờ "cò" giúp đỡ, dù không có phương tiện vẫn bòn rút tiền nhà nước. Ông Ton liệt kê: ông Phạm Văn Hải, tổ 10 và ông Nguyễn Văn Mến, tổ 13 dù cả hai người đều không ghe, không máy, nhưng nhận được 20 triệu đồng tiền hỗ trợ dầu. Ông Trần Công Tài, tổ 12 không ghe, không máy hằng ngày làm xưởng tiện, chưa một lần đi biển vẫn nhận được 20 triệu đồng tiền hỗ trợ dầu. Ông Huỳnh Tấn Hùng, tổ 11, có ghe nhưng ghe đi mua phế liệu cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng. Ông Lê Văn Nhọt, tổ 13, chỉ có chiếc xuồng nhỏ đã hư hỏng vẫn được lãnh 20 triệu đồng... 

Theo nhiều người dân, việc gian lận tiền hỗ trợ dầu của nhà nước ở huyện Trần Văn Thời  "muôn hình, vạn trạng" và không chỉ diễn ra ở thị trấn Sông Đốc mà đang dần lộ diện ở các xã Phong Điền, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hải... 

Tiền chảy vào  túi... “cò”

Ngoài chuyện bị gian lận, tiền hỗ trợ dầu của Nhà nước còn "chảy" vào một kênh khác, không vào trọn túi của ngư dân - những người trực tiếp bám biển. Ông Phan Văn Đấu, khóm 6, thị trấn Sông Đốc bức xúc kể, do ông phải thường xuyên đi biển nên không biết chính sách hỗ trợ dầu của Chính phủ, trong khi đó ông "cò" Trần Hoàng Sỹ (khóm 6) trực tiếp lại nhà ông Đấu gạ gẫm rồi thông báo là còn 3 ngày nữa hết hạn, muốn được nhận tiền hỗ trợ dầu thì hợp đồng với ông để "chạy" thủ tục cho. Theo hợp đồng bên A (ông Đấu) là chủ phương tiện chỉ nhận 8 triệu đồng, còn ông Sỹ (bên B) lo toàn bộ thủ tục, đăng kiểm, bảo hiểm thuyền viên... được hưởng số tiền còn lại là 12 triệu đồng. Ông Đấu nói: "Tôi rất đau khi đến Kho bạc huyện nhận được số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng lại bị ông Sỹ chờ sẵn bên ngoài "ẵm" tiền "cò" đến 12 triệu". Tương tự ông Hồ Văn Quí, khóm 6 cũng bị ông Dương Văn Bảy cùng khóm bẻ cò. Ông Quí chỉ có một chiếc xuồng nhỏ, nằm ngoài tiêu chí hỗ trợ dầu, nhưng được ông Bảy cam kết chạy thủ tục lo cho chiếc xuồng thành tàu đánh cá lớn thì ông Quí khi được nhận tiền, phải chung chi cho ông Bảy 17,5 triệu đồng, ông còn lại 2,5 triệu đồng. Ông Quí nài nỉ thì được ông Bảy cho thêm 500 ngàn đồng.

Hay như trường hợp của bà Quách Thị Hương, ở khóm 6. Mặc dù bà Hương đã gian lận bằng cách thuê máy dầu thay cho máy xăng mang đi đăng kiểm, nhưng sau khi đăng kiểm xong, bà Hương cũng phải nhờ "cò" lo nốt phần còn lại. Do đó, sau khi được nhận 20 triệu đồng, bà Hương phải chia cho "nhóm cò" Trần Hoàng Sỹ, Mai Văn Khởi và Nguyễn Văn Tầm đến 12 triệu đồng.

Không riêng gì ông Đấu, bà Hương mà rất nhiều ngư dân ở thị trấn đều phải thông qua "cò" để được nhận tiền hỗ trợ và dĩ nhiên, phải chia chác phần nhiều cho họ. Nguyên nhân khiến nhiều người phải chấp nhận ăn chia với "cò" là do đa số bà con ngư dân ở đây từ trước đến nay không thực hiện đăng ký, đăng kiểm; không ký hợp đồng thuê mướn nhân công - những thủ tục bắt buộc để được nhận tiền hỗ trợ. Hơn nữa, do ít hiểu biết, ngại đến cơ quan nhà nước nên họ cứ giao hết giấy tờ cho "cò" lo, nhận được đồng nào hay đồng ấy. Ông Nguyễn Bá Còn (ở khóm 6) nói: "Tôi chỉ đưa cho họ giấy chứng minh nhân dân rồi ngồi nhà đợi. Đến khi lên huyện lãnh được 16 triệu đồng, phải "cưa đôi" với "cò".  Trường hợp của ông Huỳnh Chí Nguyện (ở khóm 6) còn đau xót hơn. Nhà nghèo, mẹ mất sớm,  một mình ông phải làm lụng nuôi 4 đứa em nhỏ dại. Vậy mà khi được nhận tiền hỗ trợ dầu, ông cũng đành phải chi 10 triệu đồng cho "cò" thủ tục.

Hợp đồng mà "cò" Trần Hoàng Sỹ nhận làm thủ tục cho ông Phan Văn Đấu

Theo điều tra của chúng tôi, ở thị trấn Sông Đốc có ít nhất 6 "cò" chuyên chạy lo hồ sơ nhận tiền hỗ trợ dầu. Trong đó có "cò" chỉ thỏa thuận ăn chia "miệng" với dân, có "cò" thì làm hợp đồng hẳn hoi. Có thể đơn cử một số "cò" như: Nguyễn Văn Tầm (35 tuổi, thường trú ấp Đông Mỹ, xã Đông Thới, H.Cái Nước, tạm trú khóm 6, thị trấn Sông Đốc); Nguyễn Quốc Trung (Nguyễn Thành Trung, 41 tuổi, ngụ ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời); Mai Văn Khởi (47 tuổi, ngụ khóm 3, TT Sông Đốc); Trần Hoàng Sỹ (thường trú khóm 6, TT Sông Đốc)... Bước đầu, đã có một số "cò" tự nguyện nộp lại gần 40 triệu đồng tiền "chia chác"... 

Trao đổi với PV Thanh Niên về những bức xúc của bà con ngư dân trong việc hỗ trợ tiền dầu, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết: "Hiện Công an thị trấn kết hợp với Công an huyện đang tiến hành điều tra, nếu đúng như bà con phản ảnh, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để theo đúng pháp luật". 

Trần Thanh Phong - Phương Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.