Mất tiền tỉ vì "chứng khoán quốc tế"
Chiêu lừa đảo mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế nở rộ từ lâu nay nhưng vẫn rất nhiều người sập bẫy, dẫn đến mất tiền tỉ. Chị Thúy Vinh, giáo viên trường cấp 1 tại TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) hoảng loạn cầu cứu vì chỉ trong vòng 3 ngày đã bay mất 100 triệu đồng dành dụm trong nhiều năm qua. Chị Thúy Vinh kể chị nhận được cuộc điện thoại mời tham gia đầu tư chứng khoán từ một người lạ. Vốn thích tìm hiểu đầu tư, chị Vinh làm theo hướng dẫn mở tài khoản và đóng số tiền ban đầu 20 triệu đồng để mua các mã chứng khoán ở nước ngoài. Những lệnh mua đầu tiên, theo chị Thúy Vinh, là "lời nhiều lắm".
Thấy kiếm tiền dễ, chị cứ đổ tiền theo yêu cầu của nhân viên sàn. Đến khi bắt đầu lỗ, chị hoang mang tính dừng lại thì nhân viên nói phải nạp tiền vào để giữ lệnh chứ không là mất hết. Hoảng loạn, chị Thúy Vinh mượn người thân 20 triệu đồng nộp vào tài khoản. Thế nhưng toàn bộ số tiền tổng cộng 100 triệu đồng nộp vào tài khoản chứng khoán quốc tế đã bay mất khi những "nhân viên sàn" khóa mọi liên hệ.
Tương tự, anh Đ.V.C (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị lừa tham gia đầu tư chứng khoán tại ứng dụng Diamond Asia và mất hơn 1 tỉ đồng. Thủ đoạn của kẻ lừa đảo là điện thoại cho anh Đ.V.C và kết bạn trên zalo để dụ anh tải ứng dụng có tên Diamond Asia về máy điện thoại cá nhân. Sau khi đăng ký mở tài khoản, anh C. được đưa vào nhóm zalo "VIP 3 - ĐỘI 4 - TÍN HIỆU CỔ PHIẾU VÀNG" với 200 tài khoản tham gia. Các tài khoản trong nhóm này mua bán chứng khoán theo hướng dẫn của trưởng và phó nhóm.
Trong 2 tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6, anh Đ.V.C chuyển khoản số tiền 370 triệu đồng và liên tục thắng, thu lãi lên 600 triệu đồng. Thế nhưng khi anh muốn rút tiền thì không được với nhiều lý do như lệnh bị treo, tài khoản bị treo, phải đóng tiền trả tín dụng, nội dung tin nhắn chuyển tiền không chính xác… Tin lời, anh Đ.V.C tiếp tục chuyển số tiền 800 triệu đồng để rút tiền nhưng không thực hiện được. Phát hiện bị lừa đảo, anh C. đành trình báo cơ quan công an. Chỉ vài ngày sau, anh không đăng nhập được vào ứng dụng Diamond Asia nữa.
Đánh tráo mã QR
Thủ đoạn đánh tráo mã QR dùng để thanh toán không tiền mặt tại các cửa hàng đang khiến nhiều người lo ngại vì rất dễ bị mất tiền. Anh H.Q (chủ cửa hàng ô tô tại Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) kể khách hàng chuyển tiền thanh toán sau khi sửa chữa xe nhưng cửa hàng không nhận được, sau đó phát hiện ra bảng mica để thông tin mã QR ngân hàng đã bị tráo.
"Bảng mica giả mạo giống về màu sắc nên khó phân biệt, thêm vào đó thông tin ngân hàng, tên cửa hàng, người nhận là đúng, chỉ có khác là số tài khoản nên khách dễ bị lừa. Sau khi báo cơ quan công an, lúc này mới biết số tài khoản nhận là "ảo" nên không tìm được người", anh H.Q cho hay. Một số cửa hàng còn bị kẻ gian dán đè mã QR lên và số tiền do khách thanh toán qua các mã giả này sẽ chạy thẳng vào tài khoản của kẻ lừa đảo.
Bên cạnh đó, hình thức lừa đảo quét mã QR giả đã xuất hiện ở nước ngoài khoảng vài tháng trở lại đây. Thông qua mã QR, kẻ gian thả mã độc để lừa nhiều người tham gia các chương trình khuyến mãi, thanh toán không tiền mặt… nhưng mục đích là lấy cắp thông tin, tiền trong tài khoản nạn nhân. Gần đây, hình thức này bắt đầu xuất hiện ở VN.
Theo một số ngân hàng, thủ đoạn lừa đảo quét mã QR ngày càng tinh vi. Kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện từ số máy bàn có dãy số gần giống với số tổng đài của ngân hàng mời chào khách hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc một số dịch vụ tài chính khác. Sau đó, kẻ gian gửi và yêu cầu khách hàng quét mã QR. Khách hàng làm theo hướng dẫn sẽ dẫn đến đường link website giả mạo.
Tại đây, khách hàng được yêu cầu nhập các thông tin như: họ và tên, số CMND/CCCD, chụp ảnh CMND, CCCD 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại khách hàng, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng… Như vậy, kẻ lừa đảo sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản internet banking hoặc thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS, cho biết dịch vụ VietQR do NAPAS và các ngân hàng phối hợp triển khai khoảng 2 năm gần đây, đến nay đã được sự tiếp nhận rất lớn của người dân bởi dễ dàng sử dụng, chi phí thấp nên đã được triển khai rất rộng rãi ở các cửa hàng nhỏ lẻ, chợ dân sinh. Trước hiện tượng giả mạo mã VietQR xảy ra trong thời gian qua, NAPAS khuyến cáo cửa hàng, cửa hiệu nên kiểm tra thông tin chuyển khoản có đúng thông tin tài khoản của mình hay không. Ngoài ra, một số ngân hàng hiện nay còn có bảng trưng bày thương hiệu của ngân hàng đặt tại các cửa hàng. Với những mẫu như thế sẽ hạn chế kẻ gian có thể in mã QR giả mạo và dán đè lên.
Đừng tìm việc nhẹ lương cao trên mạng
Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay vẫn là lừa tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao", giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Với chiêu trò này, kẻ lừa đảo thường hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt. Khi có người tham gia, kẻ lừa đảo thường sử dụng chiêu yêu cầu tạm ứng tiền để chiếm đoạt số tiền của nạn nhân mà không cung cấp công việc thực tế. Song song đó, kẻ lừa đảo có thể yêu cầu người tham gia cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản.
Xu hướng việc làm online đã diễn ra mạnh trên thế giới nhưng thực tế ở VN, việc làm qua mạng vẫn rất ít nên các hình thức chào mời, tuyển dụng đó lừa đảo là nhiều.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty công nghệ an ninh mạng VN, cho hay hình thức lừa đảo việc làm online lương cao nở rộ kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay. Chiêu trò lừa đảo này thật ra không mới, tương tự như trước đây, các cá nhân đến từng nhà gõ cửa bán hàng, mời tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng. Giờ đây trên không gian internet thì hình thức thực hiện qua hội nhóm trên mạng xã hội, Zalo hay Telegram, Viber… là phương tiện để bọn lừa đảo thực hiện lôi kéo, dụ dỗ nhiều hơn, nhanh hơn. Cơ quan quản lý cũng đã có những biện pháp như yêu cầu các đơn vị cung cấp mạng xã hội, các ứng dụng thoại, nhắn tin trong và ngoài nước (như Viber, Telegram…) thực hiện xác thực định danh người dùng thông qua số điện thoại cũng như đã có quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tuy nhiên, do không gian mạng quá rộng lớn, kẻ lừa đảo có nhiều công cụ, phương tiện hỗ trợ nên dễ dàng tạo ra tên giả, số điện thoại ảo, che giấu địa chỉ thiết bị kết nối. Từ đó cơ quan quản lý khó điều tra cũng như tiếp cận được thông tin, bằng chứng để xử lý. Vì vậy trước hết người dùng cần nâng cao cảnh giác hơn, cảnh báo cho những người ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin truyền thông về nhữngchiêu trò lừa đảo.
Bình luận (0)