Dạo quanh nam mỹ
Chuyến sang Tân thế giới, được họ Bùi in thành sách Dạo khắp hoàn cầu cuối năm 1929. Ông Vân vốn là công chức nhà nước về hưu, trú tại đường Jules Ferry đất Huế, là tay du lịch có hạng khi đi nhiều nơi. Ngoài sách trên, năm 1923 ông xuất bản cuốn Tôi có đi chơi bên nước Nhựt Bổn và nước Tàu.
Theo Dạo khắp hoàn cầu, đầu năm 1929, ở tuổi 61, tác giả đi từ Á sang Phi, Âu, Mỹ, nhưng chúng ta chỉ lưu ý về việc qua Tân thế giới với những điểm đến như: Rio de Janeiro, Buénos Aires, New York... Qua mỗi vùng đất, thông tin lịch sử, đất đai, con người được tác giả quan tâm cặn kẽ. Sau khi từ Sài Gòn qua Singapore, Colombo, Durban, ông Vân đến Cape Town rồi theo tàu Nhật từ đây đến Rio de Janeiro của Brazil ngày 1.6.1929.
Kênh đào Panama năm 1931 |
TƯ LIỆU |
Lên chơi đất này, ông Vân vận trang phục nước nhà chứ không mặc đồ tây theo yêu cầu. Sự xuất hiện một người Nam mặc quốc phục giữa đất Rio de Janeiro, kể ra thật hiếm có. Rio de Janeiro lúc ấy là đô thành của xứ sở vũ điệu samba, trong cảm nhận của du khách người Việt thì đủ chủng người da trắng, da đen, có cả người Tàu, người Nhật và đa phần mặc đồ tây. Nhà cửa trải dài theo núi và dốc núi ven biển. Đường sá trải nhựa, xe lửa, xe điện lại qua, lại có cảng biển tàu thuyền qua lại như mắc cửi và “phố buôn bán không chê đặng”.
Rời vùng đất “dòng sông tháng Giêng” sáng ngày 2.6, tàu đến Santos tối hôm đó. Đọng lại nơi đây là hình ảnh “dưới bải [bãi] biển có người chụp bóng, buôn bán gánh xách đông vui”. Đất này trồng rất nhiều cà phê, cao su và chuối. Tác giả đến thăm vị lãnh sự Pháp và được tâm sự là “trong ba năm nay ngài mới thấy tôi là người An-nam đi chơi qua xứ nầy”. Mới lạ với vị du khách Việt ở chỗ thang máy được miêu tả là “xe điển rút thẳng ngược lên” và cũng so sánh “sánh sự khéo, sạch sẽ, thì San-tô thua Saigon và các xứ tôi mới đến thăm rồi”. Với quốc gia rộng nhất Nam Mỹ, “trong bầu trời xứ Bê-rê-sinh [Brazil] trồng cà phê nhiều hơn hết”.
Tàu xuôi Nam đến thủ đô Montévidéo của Uruguay ngày 6.6. Đến nơi nào, lại có thầy thuốc xuống tàu khám xem có ai bị bệnh truyền nhiễm hay không, ở Montévidéo cũng không ngoại lệ. Do tàu đã ghé Rio de Janeiro là nơi đang có bệnh thương hàn nên người trên tàu không được lên bờ, chỉ có thể ngắm phố phường từ xa. Đến Buénos Aires của Argentina, thành phố này gây ấn tượng ở sự hiện đại như tàu điện ngầm, hệ thống nhà hát, vườn bách thú, trường đua ngựa… Bệnh viện chữa bệnh không mất tiền. Ngày 10.6, tại La Plata, ông Vân được chủ nhật trình chụp hình và đăng trên báo, “nói ít câu rằng tôi người An-nam, làm qua hưu trí, có mề đay đi dạo chơi toàn cầu trái đất”. Bước chân du lịch của vị du khách nước Nam theo tàu trở lại Brazil thăm Sao Paulo, Victoria rồi đến Hoa Kỳ.
Ruổi rong Bắc, Trung Mỹ
Hoa Kỳ của năm 1929, là năm mở đầu đại khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng trong mắt vị du khách lại như không có bề gì. Điểm đến trước nhất của Mỹ là New Orleans, và cảnh tượng ghi trong trí vị ông Vân là có cả phụ nữ lái taxi chở khách. Sau đó, ông Vân đi xe lửa từ New Orleans tới New York ngày 19.7. Gây ngạc nhiên khi đến đây chính là việc ra khỏi ga xe lửa muốn lên mặt đất phải qua biết bao nhiêu tầng bậc, vì nhà ga nằm sâu dưới lòng đất nên “tôi tưởng tôi dưới âm phủ mới vượt lên dương dang [gian]”. Chẳng những thế, có cả xe điện trên cao, xe điện trên bộ. Riêng New York, là nơi buôn bán lớn nhất Hoa Kỳ, “dân đông, nhà nhiều buôn bán lớn, thiên hạ qua lại nhộn nhịp ngày đêm”.
Ngày nay, nếu Việt Nam có “thần đèn” dời được nhà cửa, thì dạo ấy tại New York đã có với cách làm “đào chưng [chân] móng nhà, kê máy, đường sắt rails [đường ray] dưới, rồi kéo lần lần đi mỗi ngày một hai thước mà thôi”. Khi đến Galveston thuộc bang Texas, ông Vân cho rằng “sự khéo đẹp Ga-vê-ton thua Sài gòn nhiều”.
Rời Mỹ, ông Vân qua Panama, ghé thị trấn Cristobal, và Balboa nằm ngay đầu kênh Panama. Với riêng kênh đào nối thông Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, tác giả kể chi tiết lịch sử đào kênh và tấm tắc khen “Kinh Ba-na-ma đẹp quá. Tôi muốn qua lại đôi, ba lượt mới phỉ, vì có núi xanh, rừng xanh, làng xã hai bên, xe lửa, ô tô chạy một bên mé kinh. Tàu chạy chen, quanh, quẹo trong kẹt núi, kẹt rừng, mát mẻ”.
Vòng qua kênh Panama, tàu quay lại nước Mỹ ở phía Đông với thành phố Los Angeles vào ngày 11.8. Nơi đây giàu có, sung túc vì có mỏ dầu lửa, “những sở máy làm dầu đông kể không xiết. Nhiều chiếc tàu chở toàn dầu đi bán xứ khác”. Việc quảng cáo rất ư lạ khi có khinh khí cầu thả lên trời, “giây [dây] dưới đất niếu [níu] đứng một chỗ. Dưới Ba-lon [ballons], treo một cái bản bằng chữ chi nhẹ, việc [viết] chữ rao buôn bán, hoặc làm việc chi”. Chuyến du lịch châu Mỹ của ông Vân kết thúc tại thành phố này khi 14.8 xuống tàu, rời Mỹ chạy thẳng về đất Nhật Bản. (còn tiếp)
Bình luận (0)