Du ký trời Tây: Người Tây ấn tượng nước mắm Việt

31/12/2021 06:19 GMT+7

Những cuộc đấu xảo được mở trên đất Pháp, qua thời gian có những sản vật địa phương được giới thiệu làm du khách phải trầm trồ. Nước mắm Việt là một trong số đó.

“Trong các thứ nước chấm không gì bằng nước mắm”

Nói về cuộc cuộc triển lãm, hay đấu xảo, Những di chỉ của ký ức (Les lieux de mémoire) do Pierre Nora chủ biên cho biết năm 1889 lần đầu tiên các thuộc địa của Pháp tham gia triển lãm mang tính quốc tế. Những cuộc triển lãm phô diễn những đặc trưng nổi bật của vùng đất đó cùng những mô hình công trình tiêu biểu thu nhỏ.

Dự đấu xảo năm 1922, Phạm Quỳnh ghi lại hoạt động trong Pháp du hành trình nhật ký, khu đấu xảo có quy mô rộng lớn với hơn 36 hecta tại Marseille. Nơi khu đấu xảo là các công trình phỏng dựng của các nước Algérie, Tunisie… Riêng khu vực Đông Dương có phố Hà Nội thu nhỏ bày bán những sản vật từ nước nhà đem sang. Đoàn trong nước sang dự có nhiều tên tuổi như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh. Có cả gánh hát bội của ông Lương Khắc Ninh tham gia.

Ấn tượng đối với quan khách khi đến khu của Việt Nam là món nước mắm, được ghi trong Nam Phong tạp chí số 65, tháng 11.1922: “Người Tây nếm cơm An Nam nhiều người khen ngon; thứ nhất là khen nước mắm của ta, nói rằng trong các thứ nước chấm không gì bằng nước mắm (đây nói thật nước mắm Phú Quốc, không phải những thứ pha phách như ngoài Bắc ta)”.

Phố Hà Nội tại triển lãm ở Marseille năm 1922

T.L

Năm 1937, kỹ sư Nguyễn Công Tiễu dự triển lãm Marseille và kể lại trong Khoa học tạp chí số 177, ngày 21.11.1937. Tại triển lãm, Đông Dương trưng bày nhiều mẫu hàng của những nhà xuất cảng gạo, chè, hạt tiêu… Nhưng phải đến Đấu xảo quốc tế Paris cùng năm mới đáng kể với diện tích hơn 100 mẫu ta gồm 31 cửa được dựng quanh tháp Eiffel, có sự hiện diện gian hàng của nhiều nước trên khắp thế giới: Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Xiêm… Ông Tiễu tham dự và thuật lại đấu xảo này trong Khoa học tạp chí số 200, ngày 15.10.1938 cho đến số 230, ngày 1.5.1940 vẫn chưa hết.

Đại lược đấu xảo Paris dựng hơn 300 lâu đài cùng hàng triệu đồ trưng bày, được chia theo các chủ đề “Phát biểu tư tưởng”, “Phát minh ứng dụng”, “Vấn đề xã hội”… Mỗi chủ đề lại phân nhánh cụ thể đủ mọi lĩnh vực. Chỉ riêng như vào Đài Khoa học đã được phân ra các ban Toán học, Thiên văn, Vật lý… Đấu xảo quốc tế Paris 1937 là nơi hội tụ mọi tinh hoa của thế giới. Riêng khu vực Đông Dương có mô hình Angkor Thom, Angkor Wat cùng nhiều ngành nghề thêu, dát bạc, khảm, sơn được giới thiệu.

Đấu xảo 1931 “dạo chơi thế giới trong 4 ngày”

Theo Những di chỉ của ký ức, cuộc triển lãm năm 1931 được thực hiện với mong muốn đưa đến du khách một cuộc “dạo chơi vòng quanh thế giới trong 4 ngày”. Riêng khu Đông Dương chiếm 1/10 diện tích. Điểm hạn chế là nhiều gian hàng, mô hình được dựng lên nhưng lại có sự cách điệu dẫn đến khác với thực tế. Cuộc triển lãm có sự tham gia của nước Nam gây ấn tượng ở cuộc rước thành hoàng, những điệu múa.

Trực tiếp tham gia sự kiện này, Đốc phủ sứ hàm Nguyễn Văn Hải đã kể lại trong sách Thuật lại cuộc hành trình nhơn dịp dự cuộc đấu xảo các thuộc địa và các nước tại Paris năm 1931, thông tin khu đấu xảo làm tại rừng Vincennes, chia làm 16 cửa, phục vụ khách tham quan từ 10 giờ đến 24 giờ, chủ nhật thì từ 9 giờ trong 7 tháng (2.5 - 11.11). Khi đấu xảo mở cửa, phóng viên báo Phụ nữ tân văn trong bài tường thuật trên số 88, ngày 25.6.1931 thông tin còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành, khán giả đến chưa đông, chỉ có ở Angkor Wat là nhiều người.

Ở phần của nước Nam, dựng lên những tòa nhà của Bắc, Trung và Nam kỳ. Tòa nhà Nam kỳ kiểu như Viện Bảo tàng Sài Gòn, có ảnh minh họa cảnh trường, chợ, giao thông và sinh hoạt thường ngày; Bắc kỳ thì đại diện bằng cái đình làng, còn Trung kỳ là nhà rường Huế. Tại nhà Nam kỳ để máy xay lúa, cùng sách nhỏ nói về việc công dụng của gạo, cách làm bánh, xay bột… giới thiệu đặc trưng kinh tế của nước Nam. Theo lời ông Hải, vua Bảo Đại đến thăm nơi này khi đang du học tại Pháp.

Tháng 7 mới sang Pháp dự đấu xảo, Trần Bá Vinh đại diện Viện Dân biểu Trung kỳ cũng in sách Pháp du ký sự tường thuật nói về cuộc đấu xảo này, xem ra tường tận hơn cả. Lại đưa ra cả chủ kiến cá nhân khi cho rằng “mở cuộc đấu xảo kết quả được mỹ mãn thì bao nhiêu ích lợi về kinh tế, xã hội, chính trị, đều gom đủ hết, xét đều cận kiến, như là vạn ức người ở xứ khác đến xem, có người phải tiêu tại Paris, có đến đôi ba chục vạn quan (đôi ba vạn đồng), ít nhất cũng phải tốn hết 5.000 frs. Tiêu gì? Mua các đồ cần dùng của người Pháp chế tạo ra, tiền xe, tiền cơm, tiền phòng, tiền chơi đủ thứ, các món tiền tiêu ấy đều nằm trong nước Pháp cả”; lại qua đó giới thiệu đường kỹ nghệ phát triển.

Khách quan hơn, Những di chỉ của ký ức nhận xét cuộc triển lãm này chỉ được thành công về mặt vật chất. Điều ấy hẳn đúng, bởi sau làn sóng đấu tranh năm 1930 ở Việt Nam, cuộc đấu xảo này muốn làm giảm nhẹ vấn đề trị an của Pháp tại Đông Dương, nhưng không che lấp được. Có thể thấy với những ghi chép, chia sẻ ở trên, trong con mắt của những nhà báo, trí thức Việt đã có ảnh hưởng của Tây học, rất chủ động khi tìm hiểu về châu Âu, thì sự cảm nhận, miêu tả về phương Tây đã khác nhiều so với thế hệ cũ trước đó còn bỡ ngỡ, cho thấy một phương Tây không còn xa lạ khi mà văn minh cựu lục địa đã hiện diện nhiều ở phương Đông. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.