Vua Việt đầu tiên Tây du
Chuyến đi thăm Pháp quốc của vua Khải Định là lần đầu tiên một vị vua Việt đi Tây, thực hiện nhiều việc như củng cố mối quan hệ với Pháp quốc, gửi gắm Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này) học ở Pháp… Trong chuyến đi ấy, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy tuổi mới lên 9, đã theo cha sang Pháp để du học. Mục đích việc đưa Vĩnh Thụy du học tại Pháp, được thể hiện trong “Châu dụ ngự giá sang Pháp” của vua Khải Định: “Học hành để cho được sự quảng kiến văn, may đặng ngày sau có đạt đức thành tài, để trước chú xương Tôn miếu, sau nữa trị nước trị dân cho hiệp thời theo lúc ấy, mà lại thêm một sự thân giao với nước Đại Pháp lại càng vững bền lâu dài ra nữa”.
Vua Khải Định xuống tàu tại cảng Marseille ngày 21.6.1922 |
T.L |
Nhớ về chuyến đi, Bảo Đại chia sẻ trong cuốn Con rồng Việt Nam. Đoàn du Tây của vua Khải Định đi xe lửa vào Tourane (Đà Nẵng, ngày 15.5.1922, tức 24.4 âm lịch), xuống tàu Claude Chappe vào Sài Gòn sau đó đáp tàu Porthos sang Pháp. Đoàn đi thành phần khá tinh gọn với Lại bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, Chưởng vệ Bửu Trác, Thự tham tri Bửu Phong, Thái thường tự khanh Thái Văn Toản… Nguyễn Cao Tiêu thông tin trong Ngự giá như Tây ký (Nhà in Đắc Lập, 1923).
Với thể chất tốt, chú bé Vĩnh Thụy ngắm được trời xanh biển biếc, trong khi người em họ là Vĩnh Cẩn say sóng, mỏi mệt nhiều lần. “Hành trình trên biển qua các hải đảo vũng biển tàu có dừng lại, do quý hiến các nơi ấy kính cẩn đưa ngự giá lên đất liền dạo chơi ngắm cảnh và mở tiệc bồi tiếp”, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ chép. Cũng sách này cho hay những nơi tàu vua đi qua, đều có làm thơ ngự chế đề vịnh khoảng 60 bài.
Khi tàu đến Marseille (ngày 21.6), Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Albert Saraut dẫn đầu đoàn Pháp ra đón. Đoàn khách nước Nam ở đây hai ngày rồi theo tàu lửa lên Paris. Quang cảnh đón tiếp vua Khải Định ngày 24.6 tại ga Bois de Boulogne được Phạm Quỳnh ghi lại trong Pháp du hành trình nhật ký.
Bước chân dạo tới Bảo tàng Louvre
Ba ngày đầu ở Paris là những hoạt động nghi lễ mà theo Con rồng Việt Nam của Bảo Đại ghi, “tôi theo phụ hoàng đến đặt vòng hoa ở đài chiến sĩ vô danh, tức Khải Hoàn Môn ở Paris”. Buổi tối vua Khải Định “được mời dự buổi dạ hội ca nhạc kịch ở đại hí viện Opera”… “Sau các vụ tiếp tân đầy đủ, phụ hoàng đến lưu trú tại dinh thự của Quận công De Valencal, trước khi đi thăm thú các nơi theo chương trình đã định của chính phủ Pháp”.
Trong thời gian ở kinh đô ánh sáng, ghi chép nơi Đồng Khánh, Khải Định chính yếu và Đại Nam thực lục, đại để ngày 24.6, vua Khải Định đến viếng mộ tướng sĩ vô danh (Khải Hoàn Môn). Ở đây, vua tặng một cành hoa bằng đồng, một tấm biển ngạch bằng bạc đề “Linh tú tiêu biểu”. Tiếp đó cùng Tổng thống Pháp Millerand hội kiến, và “quý Giám quốc dâng tặng Hoàng thượng một tấm huân chương Thượng đẳng Bắc đẩu bội tinh”. Một cuộc tiếp kiến vua sau đó được tổ chức tại Tòa Thị chính Paris.
Đến ngày 26, vua cùng đoàn đến viếng Nghĩa sĩ miếu thờ những người Việt tử trận trong Thế chiến I. Tối hôm đó, tại Điện Elysée, Tổng thống Pháp mở tiệc tiếp đãi chào mừng vua. Về phần vua Khải Định, sau đó có đáp từ và tặng Tổng thống Millerand một bộ lư hương, một đôi bình, tặng phu nhân Tổng thống một tấm ngọc bội.
Sau khi công việc bang giao đã thực hiện xong, là những hoạt động riêng của vua như tới thăm nhà riêng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Albert Saraut, Toàn quyền Long, nguyên Khâm sứ Charles. Tiếp đó là thăm các công sở, phố phường. Vua Khải Định cũng đến Bảo tàng Louvre, thành Verdun, cung Versailles, Ngân hàng Đông Pháp… Vĩnh Thụy và Vĩnh Cẩn được giao cho ông bà Charles (từng là quyền Toàn quyền Đông Dương) chăm nom việc ăn học. Thời gian ở Paris gặp dịp ngày Quốc khánh 14.7 của nước Pháp, vua cùng Tổng thống Pháp xem lễ duyệt binh của hải lục không quân. Hoạt động chi tiết từng ngày của vua Khải Định trong chuyến đi Tây sau được ghi chép kỹ càng trong Ngự giá như Tây ký.
Đến ngày 6.8, vua Khải Định cùng tùy tùng đáp xe lửa về Marseille để lên tàu về nước. Quang cảnh đưa tiễn được Ngự giá như Tây ký tường thuật: “8 giờ sáng, phụng Hoàng thượng đi xe hỏa đặc biệt, từ gare de lyon thành Pha-lê Hồi loan. Các quý quan ở Pháp đình, đều đưa đến gare, có một đạo quan binh, bày hàng mà tống Giá. Khi xe đi có phát súng và đánh nhạc”.
Đến Marseille, vua cùng đoàn tùy tùng có thăm Hội đấu xảo vào ngày 10.8 rồi hôm sau, lên tàu Angers hồi loan. Về chuyến đi Tây của vua Khải Định, sách Đồng Khánh, Khải Định chính yếu tổng luận: “Vua đã đi thăm nhiều đô thành, danh thắng cổ tích, đồng thời vẫn lo tròn việc nước và củng cố tình nghĩa với nước bạn”.
(còn tiếp)
Bình luận (0)