[…] Dù khá kín tiếng và hiếm khi bày tỏ tại hội đồng, nhưng do xuất thân của mình, Tuy Lý Vương vẫn là một trong những nhân vật lớn ở Huế. Là người cùng thời với nước Nam xưa, con của vua Minh Mạng, người được tôn sùng như một thánh tích.
Tôi thấy ông lần đầu tại Tòa Khâm sứ, khi nhà vua ghé thăm nhân Lễ Nghinh Xuân, lúc đó ông đang nghiêm túc lạy theo nghi thức, quỳ gối, trán chạm đất, bày tỏ lòng thành kính với đấng quân vương. Bệ hạ 16 tuổi dáng người mảnh khảnh, trẻ con, trong bộ áo gấm thêu chỉ vàng với những nếp áo cứng nhắc.
Chúng tôi gặp lại ông lần nữa trong cung điện nơi ông dẫn đầu đoàn quan lại tiếp ngài Khâm sứ nhân một lễ hội lớn [ngày diễn tuồng]. Hôm sau, ông mời chúng tôi đến chơi nhà nằm bên kia sông, đối diện vùng ngoại ô Đông Ba, trông ra một cồn [Cồn Hến] xanh ngắt giữa những rặng tre và cọ cao vút, trong một bữa tiệc vừa độc đáo vừa không kém phần thân mật: tiệc cưới của ông.
Không sai, ông cụ tám mươi này lấy vợ. Không phải ông đợi đến tận lúc này mới giã từ cuộc sống độc thân, cũng không phải ông không muốn sống những ngày cuối đời trong cảnh góa bụa. Số phận đã ưu ái ông, cái chết đến bên ông một cách kín đáo.
Trong số 30 bà vợ được ông yêu mến tô điểm cho cuộc đời rất dài của ông, hiện vẫn còn 24 bà. Nhưng ở tuổi xế chiều, ta không thấy phiền khi có nhiều người vây quanh; hơn nữa, một người ở địa vị của ông khi qua đời nên để lại cho mình một đội ngũ nhân sự đông đảo với nhiệm vụ duy nhất là trông nom mộ phần và tưởng nhớ đến ông. Do đó, mong muốn rất tự nhiên đó là lấp đầy những khoảng trống đáng tiếc mà tuổi tác và bệnh tật đã gây ra cho dàn "hậu cung" bằng những nhân tố trẻ hơn.
Dù sao đi nữa, vị thân vương này đã tích cực làm hết sức mình để khôi phục nửa tá thê thiếp đã mất: với sức khỏe cường tráng của mình, ông có quyền hy vọng việc này sẽ thành công tốt đẹp. Xét theo bề ngoài, con số ban đầu sẽ đạt được trong vài tháng nữa. Trong lúc chờ đợi, đứng trên ngưỡng cửa của ngôi nhà mà do tình thế phải trưng cả cờ Pháp và cờ An Nam, ông chào đón chúng tôi với thái độ hết sức nhã nhặn.
Vấn một chiếc khăn màu tím khéo léo che đậy mảng đầu hói; mặc chiếc áo dài lụa đỏ tía dài đến gối, càng làm nổi bật thân hình thấp bé của ông và những đường nét của phần thân trên gồ ghề như một gốc cây già, ông tiếp khách với vẻ lịch sự trang trọng thời xưa, dành cho mỗi người một lời chào thân thương mà ta có thể đoán ra không cần thông ngôn hỗ trợ.
Thực đơn rất hổ lốn, không có gì đáng nói, ngoại trừ các món ăn kiểu Pháp xen lẫn với các món kiểu An Nam, những món này là ngon miệng nhất.
Người ta mời chúng tôi món bò phi lê xốt Périgueux chỉ có mỗi cái tên giống bản gốc và món cá sốt Hà Lan mà chúng tôi chưa bao giờ thấy ở Hà Lan. Ngược lại, công tác phục vụ vô cùng độc đáo và không có gì đáng chê trách. Đây chính là điểm hấp dẫn của bữa tiệc nhỏ này. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của cả gia đình, đội đầy tớ bị loại hết và được thay thế bằng con em trong nhà. Ý tôi là nam giới; bởi lẽ tự nhiên là phụ nữ, bao gồm cả tân nương, đều phải ở yên trong phòng.
Một đội ngũ hậu duệ đông đảo như của Tuy Lý Vương chỉ có ở thời xưa. Tôi chỉ thấy trong những túp lều của Abraham và Jacob mới có nhiều trẻ con được sinh ra như vậy. Trời cao hẳn đã ưu ái ông. Từ những cuộc hôn nhân của ông, đã có 50 hay 60 đứa trẻ ra đời, trong đó có 35 người con trai. Người chủ nhà thật thà thú nhận với chúng tôi là không nhớ chính xác mình có bao nhiêu cô con gái.
Tôi đếm được 27 cậu con trai, từ thằng bé 12 tuổi đến văn nhân già dặn chừng 50 tuổi. Tất cả đều đi chân trần; chỉ mặc trang phục khác nhau theo độ tuổi: người lớn hơn mặc áo thụng xanh sẫm và quần lụa rộng màu trắng, thiếu niên mặc áo xanh với quần lụa màu anh đào, nhỏ tuổi hơn mặc màu đỏ từ trên xuống dưới. Nhóm nhỏ tuổi này có nhiệm vụ duy nhất là điều khiển những chiếc quạt lông khổng lồ gắn vào đầu sào và luồng gió mạnh liên tục tỏa ra từ đó, cảm giác như một cơn mưa rào. Chỉ những người lớn tuổi mới phụ trách bàn tiệc, họ hơi khuỵu gối và mời thực khách những món ăn mà đám người trung tuổi… lấy từ bếp.
Lưu ý rằng, trong số những bồi bàn ngẫu hứng này, nhiều người có phẩm hàm đáng mơ ước trong hàng ngũ quan lại, một chức vụ cao trong bộ máy nhà nước. Một người có vẻ mặt tuấn tú vừa mời tôi món ragu hươu hình như ngày thường giữ hai trọng trách là Hộ lăng và Thị lang bộ Lễ - ở nước ta gọi là nhà quàn.
Thật cảm động khi chứng kiến họ chăm chú và háo hức, thay phiên nhau đến bên cha, thu mình lại, cung kính, cúi người và im lặng chờ đợi những mệnh lệnh mà ông cụ nhẹ nhàng truyền đạt.
Tôi rời tiệc cưới với ấn tượng sâu sắc. Trong lúc con thuyền của Tòa Khâm sứ chậm rãi ngược dòng dưới cái nắng gay gắt, tôi cảm thấy tràn đầy hứng thú với một xứ sở nơi những truyền thống đáng kính nhất vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như vậy, nơi quyền lực của tổ tiên và người cha là luật tối thượng. (còn tiếp)
(Nguyễn Quang Diệu trích từ sách Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024)
Bình luận (0)