Du lịch bị “hụt” 3 tỉ USD

28/10/2019 16:36 GMT+7

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Vietravel tại hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch ” sáng 28.10 do Báo Thanh Niên tổ chức.

Đừng nghĩ mình là mũi nhọn mà ngồi chờ

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, du lịch phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách chứ không thể tự nhiên phát triển được. Hạ tầng phát triển tốt mới có thể giúp đỡ du lịch phát triển. Trong năm vừa qua ngành du lịch đã có những bước phát triển khá ngoạn mục và đã đạt được nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước. Một trong những đánh giá thể hiện điều này là chỉ số năng lực cạnh tranh của WTO tăng hạng từ 67 lên 63. Tuy nhiên có một vài số liệu cần bình tĩnh nhìn lại.
Đều tiên là đóng góp của du lịch vào GDP.  Năm 2017, Việt Nam đón 7,9 triệu khách, tổng thu 7,7 tỉ USD. Qua năm 2018,  chúng ta đón12,9 triệu khách nhưng tổng thu chỉ 8,8 tỉ USD. Từ trung bình mỗi khách tiêu 925 USD giảm xuống còn 532 USD, tỷ trọng ngành du lịch trên GDP  giảm từ 6,6% xuống còn 6%.  
Ngành du lịch được đánh giá phát triển nhưng các chỉ tiêu chất lượng chưa được tốt. Vì thế Việt Nam đứng bền vững ở vị trí thứ 10, thua Malaysia, Singapore, Indonesia… ”Chúng tôi là những người làm du lịch không thấy vui. Chúng ta đang mắc cạn ở đâu đó. Chúng ta chỉ thu được 8,8 tỉ USD trên lượt khách 12,9 triệu, hụt thu khoảng 3 tỉ USD", ông Nguyễn Quốc Kỳ tính toán và đặt vấn đề, du lịch là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn thế nhưng nhìn vào những ngành không được gọi là mũi nhọn như gỗ xuất khẩu 8,9 tỉ USD, chế biến thực phẩm trên 11 tỉ USD thì với 8,8 tỉ USD doanh thu năm 2018 của ngành du lịch có đúng là mũi nhọn hay không ? Với lập luận này, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, ngành du lịch cần đánh giá lại mình. "Muốn nhọn thì phải mài và mài như thế nào cho ra mũi nhọn”- ông Kỳ nhấn mạnh
Theo ông Kỳ, ngành du lịch không nên ngồi chờ vì nghĩ mình là ngành mũi nhọn, bắt Chính phủ phải quan tâm. Bản thân ngành du lịch phải năng động hơn nữa, ngành du lịch thay đổi tư duy, cách nhìn... ngay cả cách tiếp cận với Chính phủ, người hoạch định chính sách phải tốt hơn nữa, làm sao cho mong muốn trở thành hiện thực. "Đột phá kinh tế du lịch thì bản thân du lịch phải đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, đóng góp nhiều hơn ngành nghề khác thì chúng ta mới được gọi là mũi nhọn"- ông Kỳ nói. 

Mỏ vàng chưa có giải pháp khai thác

Để thu hút 3 tỉ USD đã mất, ông Kỳ cho rằng: “Kinh tế đêm là điểm đột phá thúc đẩy du lịch Việt Nam giữ lại 3 tỉ USD mất đó. Tăng được thu của khách lên”. Thừa nhận kinh tế đêm có những mặt nhạy cảm nhưng không vì nhạy cảm mà ngành du lịch “chặt tay mình”. Giải quyết bằng được kinh tế đêm, quy hoạch lại, hạn chế những điều không tốt và phát huy cái tốt là điều ngành du lịch cần làm. Buổi tối khách cần đi nghe nhạc giao hưởng thì đi chỗ nào, ẩm thực đang là thế mạnh của Việt Nam nên cần tập chung giải quyết nhu cầu ẩm thực có văn hóa, khách sẵn sàng chi tiêu khi họ cảm thấy thoải mái.
Là đơn vị triển khai chợ đêm ở một số tỉnh thành, ông Huỳnh Văn Sơn - Giám đốc Công ty du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn chia sẻ khi mới triển khai chợ đêm ở Phú Quốc, người dân ở đây phản ứng. Nhưng khi được thuyết phục về mặt lợi ích, họ đã đồng ý. Cụ thể, trước đây người dân cho thuê nhà 8 triệu thì sau khi có chợ đêm giá thuê lên 40 triệu đồng, đó là chưa kể phía trước nhà còn cho 2 xe đẩy thuê bán hàng, mỗi xe 15 triệu đồng. Tìm hiểu, một xe đẩy bán kẹo chỉ giá 20.000 đồng/cây, mỗi người ăn 2 cây thì mỗi tháng có doanh thu 100 triệu đồng nên giá thuê chỗ 15 triệu đồng/tháng không có gì quá ngạc nhiên. Đó là chưa kể nhiều người có thu nhập mua thêm nhà ở chỗ khác. Có khoảng 300 hộ bán tại chợ đêm gồm ẩm thực văn hóa địa phương, đặc sản địa phương, đồ lưu niệm và nhu yếu phẩm du lịch. Nguồn thu nhập của người dân ổn định đều đặn, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Chợ đêm thành điểm đến cho du khách vui chơi, là mỏ vàng cho địa phương.
Ông Huỳnh Văn Sơn cho biết, hiện giờ công ty đầu tư 5 sản phẩm ở các địa phương Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Bến Tre và Đà Nẵng. Hành trình để thành lập chợ đêm mất khoảng 3 năm và vấp không ít khó khăn. Khi đề xuất hình thức này, cơ quan giao thông phản đối đầu tiên. Họ lập luận, quy hoạch con đường là cho giao thông thì làm phố đi bộ làm gì; có đơn vị đề nghị không được sử dụng lòng đường kinh doanh. "Làm chợ giữa đường đối với cơ quan quản lý địa phương cũng cân não lắm, giao cho doanh nghiệp không đàng hoàng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh địa phương, thành ra lựa chọn cân lên để xuống mất thời gian"- ông Sơn nói và cho biết, mong mỏi của doanh nghiệp có hành lang chính sách rõ ràng. Ví dụ trước đây Chính phủ có Nghị quyết 90 về xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, vì sao du lịch không có. Kinh tế đêm hiện giờ chỉ có văn bản của Chính phủ, tiếp theo là gì cũng chưa rõ, thành ra doanh nghiệp tự bơi là chính, mặc dù đánh giá là mỏ vàng. Nếu trong 3 năm đó mà hành lang pháp lý rõ ràng thì chúng tôi làm khoảng chục cái, rất mong những đơn vị làm chính sách du lịch quan tâm hơn để doanh nghiệp đỡ khổ”, ông Sơn cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.