Du lịch 'cát cứ' trên mỏ tài nguyên

04/06/2018 08:33 GMT+7

Có nhiều tài nguyên như di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới, nhưng du lịch VN vẫn chưa khai thác được các tuyến du lịch liên hoàn, đa vùng.

PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, không ngạc nhiên trước vụ việc nhóm khách Úc bị “kẹt” giữa Hạ Long - Cát Bà. Đã rất khó khăn mới xác định được con tàu Hoàng Phương vi phạm khi hoạt động ở địa phận nào: Quảng Ninh hay Hải Phòng?
Riêng lẻ
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho biết đó là vùng giáp ranh nên không ai quản lý. “Vùng giáp ranh đó tranh cãi nhiều năm nay, thậm chí trên bản đồ địa hình VN còn phải vẽ hai đường ranh giới. Cả hai bên đều muốn vùng đó là của mình”, ông Trần Tân Văn nói. Ông Văn là người đã làm hồ sơ di sản cho cả Hạ Long, Cát Bà và hai công viên địa chất Đồng Văn, Cao Bằng.
Một số nơi không thể nghỉ qua đêm được, chỉ là một điểm trên hành trình thì nó sẽ phải kết nối với những nơi ngủ qua đêm được. Ví dụ như Phú Thọ phải kết nối với Lào Cai, Yên Bái để thành một cụm du lịch. Ngay cả VN cũng phải kết nối Campuchia, Lào, Thái Lan để trở thành cụm sông Mê Kông
TS Nguyễn Thu Thủy

Nhưng vấn đề của Quảng Ninh và Hải Phòng còn lớn hơn việc của một con tàu. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều năm nay, cả hai đã không thể kết nối lại thành một vùng du lịch lớn, chưa thể nối tuyến thuận lợi để doanh nghiệp du lịch hoạt động. Trong khi việc kết nối này, theo ông Văn, vô cùng có lợi cho cả hai bên.
“Nếu Quảng Ninh nhận thức tốt thì thêm phần Cát Bà vào Quảng Ninh sẽ mạnh hơn cả về đa dạng sinh học lẫn tiêu chí địa chất. Nhưng dường như người ta chưa hiểu điều đó. Nếu hai bên hợp lực sẽ rất tốt”, ông Văn cho biết. Ông Văn cũng thông tin, liên minh Hạ Long - Cát Bà là điều ông khuyên hai địa phương nên làm từ rất lâu mà không ai nghe. Chỉ tới khi Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và UNESCO nói thì hai bên mới lập Liên minh Hạ Long - Cát Bà, tuy nhiên, hoạt động của liên minh mới chỉ thiên về môi trường trong du lịch.
Nếu như Hạ Long - Cát Bà đang tắc nghẽn thì Mỹ Sơn và Thành nhà Hồ lại như “rụng” ra khỏi con đường di sản miền Trung gồm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng. “Di sản Thành nhà Hồ nằm trong tuyến kết nối các di sản thế giới, nhưng chỉ thu hút được du khách một thời gian ngắn sau khi Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2011”, theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, hồi 2015, tỉnh Thanh Hóa đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”, nhưng tuyến liên kết này gần như chết yểu. Tương tự, Mỹ Sơn cũng không có nhiều khách tham quan, trong khi sát đó Hội An lại rất hút khách du lịch.
Bà Vương Thị Hải Yến cũng cho biết, năm 2015 ngành du lịch Thanh Hóa cùng các tỉnh có di sản thế giới lập thành đề án liên tỉnh về tuyến du lịch kết nối các di sản thế giới ở các tỉnh, thành như: Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Huế… Đề án sau đó được trình Tổng cục Du lịch để được hỗ trợ, bảo trợ cho đề án nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt.
Bắt tay nối tour nối tuyến
TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch - Trường đại học KHXH -NV Hà Nội, cho biết việc liên kết tour tuyến rất quan trọng vì giúp kéo dài thời gian lưu trú. “Một số nơi không thể nghỉ qua đêm được, chỉ là một điểm trên hành trình thì nó sẽ phải kết nối với những nơi ngủ qua đêm được. Ví dụ như Phú Thọ phải kết nối với Lào Cai, Yên Bái để thành một cụm du lịch. Ngay cả VN cũng phải kết nối Campuchia, Lào, Thái Lan để trở thành cụm sông Mê Kông. Như thế khi phát triển vùng, phát triển tuyến bao giờ cũng rất quan trọng chuyện liên kết vùng”, bà Thủy phân tích.
Cũng theo bà Thủy, hiện ở VN cũng có một số liên kết du lịch. Chẳng hạn, Ninh Bình - Quảng Ninh, Nha Trang - Đà Lạt. Những liên kết này một phần do tài nguyên, một phần khác do chính lãnh đạo địa phương. “Họ thấy việc liên kết có lợi thì họ cũng đẩy mạnh triển khai”, bà Thủy nói.
Vấn đề của Mỹ Sơn, theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, là do quá khó thuyết minh. Ông cho biết, trong giới nghiên cứu Champa cũng có người thỉnh thoảng hướng dẫn khách du lịch. Họ là những “hướng dẫn viên cao cấp”, người có thể kể câu chuyện về Mỹ Sơn một cách lớp lang và hấp dẫn. “Tổng cục Du lịch nên hỗ trợ địa phương để tổ chức những lớp cung cấp kiến thức tốt như vậy, để có thể đẩy mạnh việc khách đến di sản này”, ông Tín nói.
Khách du lịch xuống tàu tham quan vịnh Hạ Long Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết rất muốn Quảng Ninh và Hải Phòng “là một” trong du lịch. “Điều đó có nghĩa là phải xây dựng được một quy chế chung về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chất lượng du lịch và phí dịch vụ. Hai bên phải có sự nối tour nối tuyến qua lại một cách thuận lợi, dễ dàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Tôi đã chủ động gọi cho chị Thủy (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) và yêu cầu văn phòng ủy ban có văn bản gửi Quảng Ninh để bàn về việc này”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, sắp tới nếu UNESCO công nhận Hạ Long - Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới thì việc có quy chế chung là cần thiết. Về phía Hải Phòng, ông Nam cho biết để phí du lịch ở Hải Phòng tăng bằng Quảng Ninh thì chất lượng dịch vụ cũng phải tương đương. “Tàu xấu phải đẹp lên, con người cũng phải tốt hơn”, ông Nam nói. Hải Phòng cũng sẽ rà soát tất cả các phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch, hoàn thành quy chế quản lý hoạt động du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Xu hướng được UNESCO ủng hộ
PGS-TS Trần Tân Văn cũng cho biết UNESCO rất ủng hộ xu hướng liên kết. “Khi viết hồ sơ cho cao nguyên địa chất Cao Bằng, một trong những lý do là để vùng ở giữa cũng được lợi. UNESCO rất thích ý tưởng đấy. Họ cũng nhắc cả điều đó. Thậm chí họ còn hỏi liên tục vùng ở giữa thế nào rồi”, ông Văn nhớ lại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng cho biết đã yêu cầu Hạ Long, Cát Bà bắt tay với nhau trên con đường làm du lịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.