Du lịch châu Âu vẫn nóng bất chấp nỗi lo khủng bố

07/04/2017 10:30 GMT+7

Số vụ khủng bố gia tăng trên khắp lục địa già không hạ nhiệt độ hấp dẫn của khu vực này trong mắt du khách quốc tế.

Theo CNBC, nghiên cứu mới về các nước hấp dẫn với du khách được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm 6.4 cho hay các nước châu Âu thống trị top 10.
Tây Ban Nha là quốc gia dẫn đầu, thể hiện mình là nơi có vị trí tốt để thu hút du khách quốc tế và tạo việc làm ngành du lịch. Pháp xếp hạng nhì, kế đến là Đức. Trong khi đó, Anh đứng thứ năm, Ý đứng thứ tám còn Thụy Sĩ đứng thứ 10.
WEF cho hay: “Mặc dù nỗi lo khủng bố có gia tăng, ngành du lịch của các nước như Pháp, Đức vẫn chưa giảm đáng kể. Điều này khẳng định sự phục hồi mạnh của ngành này sau nhiều cú sốc an ninh nhờ các tổ chức mạnh và nhiều nguyên tắc cơ bản ổn định”.
Tây Ban Nha Ảnh: Reuters
Hai năm qua, hơn 230 người đã chết ở Pháp vì các hành động thù địch có liên quan đến nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS). Tháng trước, bốn người cũng thiệt mạng trong vụ tấn công trên cầu Westminster ở London (Anh).
Dù vậy, độ giàu có về văn hóa, cơ sở hạ tầng du lịch tuyệt vời, điều kiện sức khỏe tốt, mức độ mở cửa với thế giới và nhận thức về sự an toàn đã và đang hạ nhiệt nỗi lo khủng bố. WEF đưa ra kết quả trên sau khi xem xét nhiều yếu tố, trong đó có an toàn, sức khỏe, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh về giá, cơ sở hạ tầng và văn hóa của nhiều điểm đến phổ biến.
Châu Âu vẫn là thị trường du lịch, lữ hành lớn nhất thế giới. Lục địa già thu hút 620 triệu trong số 1,2 tỉ du khách nước ngoài trong năm 2016. Sau châu Âu là châu Á - Thái Bình Dương.
Ý Ảnh: Reuters
Nhật Bản là nước xếp hạng cao nhất ở châu Á, đứng vị trí thứ tư toàn cầu. Úc giữ hạng bảy, đặc khu Hồng Kông ở hạng 11, Singapore hạng 13 và Trung Quốc hạng 15.
“Châu Á - Thái Bình Dương có thể dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên nổi bật, lực lượng lao động trình độ cao và tư duy chính phủ thấu hiểu tiềm năng và sẵn sàng hỗ trợ cho ngành du lịch. Dù vậy, môi trường bền vững là điểm quan trọng nhất đối với sự phát triển liên tục của ngành. Vấn đề này vẫn là chuyện đáng lo”, WEF cho hay. Dù có giá cạnh tranh và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đa phần các nước Đông Nam Á và Nam Á thể hiện chưa tốt vì phải đối mặt với nhiều bất ổn chính trị, cơ sở hạ tầng và vệ sinh kém.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.