Tình trạng công ty du lịch không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng tổ chức tour chui cho các đoàn khách VN đi nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan và Campuchia, diễn ra từ nhiều năm qua. Thế nhưng, cơ quan quản lý lại thiếu giải pháp để hạn chế tiêu cực, bảo vệ du khách.
Năm 2010, vụ tai nạn làm chết du khách Việt trên đường từ Bangkok đến Pattaya của Công ty Chân Trời Việt đã lộ ra một “bí mật”: Công ty này đưa khách qua Thái Lan mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Chân Trời Việt bị tước giấy phép kinh doanh, nhưng vẫn không đủ sức răn đe những công ty khác. Mới nhất, Công ty Travel Life lại bỏ rơi hàng trăm người ở Thái Lan, công ty này cũng không có chức năng đưa khách đi nước ngoài…
Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là một trong những ràng buộc để công ty có trách nhiệm với du khách, khi doanh nghiệp muốn làm outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài) hoặc inbound (đón khách nước ngoài) phải đóng cọc 250 triệu đồng. Đây là cơ sở để đền bù hợp đồng bị phá vỡ cho du khách hoặc đối tác. Những công ty không đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn làm outbound, inbound không chỉ được lợi do “miễn” tiền cọc, mà còn gây nhiễu loạn thị trường, bằng cách dù chỉ ký hợp đồng làm đại lý cho các công ty du lịch đủ điều kiện về giấy phép nhưng họ lại sẵn sàng tự tổ chức tour.
Trên thực tế, không khó để phát hiện được công ty nào đưa khách đi nước ngoài không có giấy phép nếu thường xuyên tổ chức kiểm tra ở cửa khẩu đường bộ và hàng không. Chẳng hạn, với hai điểm đến thu hút nhiều khách Việt nhất hiện nay là Thái Lan và Campuchia, đối với các công ty du lịch tại TP.HCM, khách đi Campuchia chỉ cần tổ chức kiểm tra chính ở cửa khẩu Mộc Bài; còn đi Thái Lan thì ở cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm thì xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh thì tình hình sẽ không đến mức trầm trọng như hiện nay.
Năm ngoái, Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến các địa phương về việc tách du lịch ra khỏi văn hóa, thể thao để tái thành lập Sở Du lịch ở một số tỉnh thành có nền kinh tế du lịch phát triển mạnh sau 5 năm sáp nhập. Bởi việc sáp nhập về “xác chứ không phải hồn” đã bộc lộ nhiều điểm yếu, mà một trong những điểm yếu đó là công tác thanh kiểm tra. Tiếc là đến nay những ý kiến đóng góp tâm huyết vẫn chưa trở thành hiện thực. Trong khi đó, cán bộ thanh tra được tinh gọn, không đủ nhân sự để phủ rộng một địa bàn lớn, đặc biệt như TP.HCM vốn có khoảng 3.000 công ty du lịch. Yếu công tác thanh kiểm tra đã tạo điều kiện cho các công ty chui, “ma” nở rộ.
Trong khi đó, nếu nhìn sang các nước trong khu vực, ngành du lịch đều chịu sự giám sát của Bộ Du lịch. Ở một đất nước giàu tài nguyên về du lịch như VN và du lịch cũng được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, thì không lý do gì để không có một Bộ chuyên trách như Bộ Du lịch của các nước để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế.
N.Trần Tâm
>> Bộ VH-TT-DL làm việc với công ty bỏ rơi khách ở Thái
>> Công ty Travel Life thiếu nợ nên bỏ rơi khách ở Thái Lan
>> Vụ bỏ rơi du khách: Không hủy 300 vé máy bay của đoàn khách
>> Vụ 700 khách Việt bị bỏ rơi ở Thái Lan: Nạn nhân quá bức xúc
>> Tổ chức tour trái phép, bỏ rơi hơn 700 khách ở Thái Lan
>> Vụ bỏ rơi du khách: Travel Life tổ chức tour nước ngoài khi chưa có giấy phép
>> Hàng trăm du khách Việt bị bỏ rơi ở Thái Lan
Bình luận (0)