Du lịch chuyển từ lượng sang chất

13/07/2024 06:15 GMT+7

"Chúng ta không cần tập trung quá nhiều vào số lượng khách, nó không còn phù hợp với TP.HCM nữa", phát biểu của Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chạm đúng nỗi lòng của những người làm du lịch suốt 2 thập niên qua. Đã đến lúc, du lịch TP.HCM nói riêng cũng như VN nói chung chuyển mục tiêu từ lượng qua chất.

Dừng đếm khách, chỉ tập trung vào doanh thu?

Phát biểu tại tọa đàm "Nghệ thuật vì sự phát triển bền vững" thuộc khuôn khổ sự kiện "Sự sống 2024" diễn ra vào sáng 11.7 vừa qua, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Trương Hiền Hòa cho biết ngành du lịch thành phố đang được định hướng tập trung phát triển du lịch bền vững, tập trung vào doanh thu, số ngày lưu trú và số tiền chi tiêu của khách quốc tế thay vì chỉ chăm chăm đếm số lượng khách. Theo thống kê của Sở Du lịch, khách quốc tế đến TP.HCM thời điểm trước dịch Covid-19 - năm 2019 - đạt 8,5 triệu lượt, mang lại doanh thu 145.000 tỉ đồng. Năm 2023, TP.HCM đón khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế, chưa bằng 60% nhưng doanh thu từ du lịch ghi nhận cao hơn tới 22%, đạt 160.000 tỉ đồng.

Du lịch chuyển từ lượng sang chất- Ảnh 1.

Du khách quốc tế tham quan Dinh Độc Lập

Nhật Thịnh

"Khách đến ít hơn nhưng doanh thu cao hơn. Khi mọi thứ dừng lại, ngành du lịch TP.HCM rà soát các sản phẩm du lịch để chỉnh sửa thì ngay lập tức thấy được hiệu quả. Điều này giống như một cái xe chạy liên tục mà không dừng thì năng suất sẽ giảm. Khi chúng ta dừng lại chỉnh sửa thì năng suất lại tốt hơn", ông Lê Trương Hiền Hòa nhận định. Từ quan điểm trên, ngành du lịch TP.HCM dự kiến có thể tiến tới không thống kê về lượng khách mà thay vào đó sẽ thống kê về doanh thu, ngày lưu trú và chi tiêu của du khách. "Chúng ta không cần tập trung quá nhiều vào số lượng khách, nó không còn phù hợp với TP.HCM nữa", Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ.

Thực tế, đây là chủ trương đã được các chuyên gia ngành du lịch đề xuất nhiều thập niên qua. PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng ngành du lịch trước giờ chạy theo số lượng khách mà bỏ quên vấn đề chất lượng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khách đến nhiều nhưng chi tiêu ít và tỷ lệ quay trở lại cực thấp. Để phát triển du lịch bền vững, quan trọng nhất là hiệu quả của nguồn khách, thể hiện qua 3 yếu tố: kinh tế, xã hội, và tác động của du lịch đến môi trường.

Về kinh tế, sự kém hiệu quả thể hiện rõ trong việc du khách đến VN ngày càng nhiều nhưng chi tiêu ngày càng giảm. Thống kê năm 2004 của Tổng cục Thống kê cho thấy mức chi tiêu của du khách bình quân tại VN là 1.283,3 USD nhưng sau 18 năm, con số này đã giảm xuống 1.151,7 USD (cuối năm 2022), tức gần 6%. Chưa kể trước dịch, tình trạng bùng nổ "tour 0 đồng" khiến ngành du lịch VN thất thu lớn từ thị trường khách chủ chốt. Về mặt xã hội, sự tăng trưởng ồ ạt quá "nóng" gây áp lực rất lớn đến người dân, khiến họ bị ức chế trong thời gian dài, dẫn đến nhiều trường hợp người dân địa phương có thái độ tiêu cực với khách. Tình trạng khai thác du lịch tràn lan gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, tác động xấu đến môi trường cũng đang xảy ra ngày càng nhiều.

"Nếu không nhanh chóng "tỉnh giấc", số lượng du khách tăng trưởng quá nhanh sẽ trở thành con dao hai lưỡi, kéo theo nhiều hệ lụy xấu đến ngành du lịch VN nói riêng cũng như tác động đến nền kinh tế, xã hội, môi trường của nước ta nói chung. Chưa kể sau đại dịch, nhu cầu du lịch trên thế giới đã thay đổi nhiều, cuộc cạnh tranh giành khách giữa các quốc gia cũng ngày càng diễn ra khốc liệt. Nếu chúng ta không thay đổi, không có gì hấp dẫn để khách ở lâu, khách chi tiêu thì sớm muộn số lượng khách cũng sẽ sụt giảm. Vì thế, sự chuyển đổi này là tất yếu và đáng ra đã phải thực hiện từ lâu rồi", PGS-TS Phạm Trung Lương nêu ý kiến.

Du lịch chuyển từ lượng sang chất- Ảnh 2.

Khách đến TP.HCM ngày càng chi tiêu nhiều hơn

Nhật Thịnh

Vẫn cần thống kê để phân loại thị trường mục tiêu

Mặc dù vậy, PGS-TS Phạm Trung Lương nhận định số liệu thống kê rất quan trọng, cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, thống kê chính xác lượng khách là cơ sở đầu tiên để thực hiện nghiên cứu thị trường. Giai đoạn trước, chính sự hời hợt trong nghiên cứu thị trường, chưa coi du khách là hạt nhân trong quá trình phát triển khiến ngành du lịch cứ mãi quẩn quanh trong loạt câu hỏi vì sao khách không quay lại, khách đến VN chơi gì, tiêu gì, làm sao để khách phải rút hầu bao... Trong khi đó, nghiên cứu về thị trường phải quan tâm nhiều yếu tố để xác định chiến lược cho đúng vì trong mỗi thị trường sẽ lại có từng phân khúc riêng. Đơn cử như khách Trung Quốc cũng chia ra nhiều phân khúc, mỗi phân khúc khách có nhu cầu khác nhau... Từ đó, mới có thể xây dựng sản phẩm du lịch đánh vào mục tiêu nhu cầu của du khách. Có số liệu đầu vào mới có bức tranh tổng thể về thị trường. Mặt khác, doanh thu từ du lịch cũng cần phải nêu rõ tính toán theo phương pháp nào, là điều tra doanh nghiệp hay điều tra khách hoặc qua ngành thuế.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour Trần Thế Dũng cho rằng TP.HCM muốn tập trung tăng lưu trú, tăng chi tiêu của du khách thì việc đầu tiên là cần phân loại thị trường, xác định mục tiêu khách hàng tiềm năng để thúc đẩy những sản phẩm phù hợp. Muốn vậy, phải có số liệu thống kê lượng khách tới để biết mức độ tăng/giảm của từng thị trường ra sao, mục tiêu tăng trưởng thế nào để có định hướng chính sách.

"Thật ra, muốn tăng lượng khách không khó. Chúng ta chỉ cần miễn giảm thủ tục visa, mở hết nấc các rào cản thủ tục hành chính thì những thị trường lân cận sẽ ồ ạt qua ngay. Tập trung vào số ngày lưu trú và chi tiêu của du khách mới là khó. Chúng ta phải có chiến lược bài bản, xác định nguồn khách trọng tâm, thị trường trọng điểm rồi có chương trình xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm sao cho phù hợp. Muốn vậy, không thể không có số liệu thống kê. Chưa kể khi cạnh tranh trên trường quốc tế, quy mô du lịch dựa trên lượng khách tới là yếu tố rất quan trọng. TP.HCM với vai trò là cửa ngõ quốc tế của cả nước, "anh cả" dẫn khách cho nhiều địa phương thì càng phải có cái nhìn bao quát, vừa thúc đẩy phát triển thành phố, vừa hỗ trợ sự tăng trưởng chung của du lịch cả nước", ông Trần Thế Dũng chỉ rõ.

Ông Dũng đánh giá thêm sau dịch bệnh, ngành du lịch TP.HCM đã có sự chuyển biến rất tích cực để đáp ứng theo kịp sự chuyển dịch về nhu cầu và thói quen du lịch của du khách. Trong đó, hệ thống sản phẩm được chăm chút hơn rất nhiều. TP.HCM cũng sở hữu những lợi thế về hạ tầng lưu trú, có các nhà hàng khách sạn cao cấp, các điểm vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực, kết nối với các địa phương vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, cả vùng duyên hải Nam Trung bộ để tận dụng nguồn tài nguyên phong phú từ sông nước đến biển… tạo nên hệ sinh thái du lịch phong phú. Đây là những dịch vụ hỗ trợ rất tốt để TP.HCM tăng cường phát triển loại hình du lịch MICE. Bên cạnh đó, là một trong 2 cửa ngõ quốc tế lớn nhất nước, TP.HCM có lợi thế hút khách từ các thị trường xa, chi tiêu nhiều như châu Âu, Mỹ, Úc… Vấn đề còn lại chỉ là trau chuốt lại hệ thống sản phẩm, nâng cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng nguồn khách.

"Đơn cử, chúng ta đặt mục tiêu trở thành điểm đến MICE tầm khu vực thì cần phải có thêm những trung tâm tổ chức sự kiện lớn hơn, tầm cỡ hơn. Hay chúng ta xác định đẩy mạnh du lịch mua sắm, bắt khách sộp phải rút hầu bao thì cần có những trung tâm mua sắm bài bản từ hàng hiệu tới đồ địa phương… Tất cả đều phụ thuộc vào phân tích thị trường để xác định thị trường mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Chỉ như vậy, du lịch mới thật sự chuyển đổi từ chất, tăng trưởng bền vững", Tổng giám đốc Vietluxtour gợi ý. 

Chuyển đổi từ lượng sang chất thì cũng cần tác động thực chất. Doanh thu cao không phải chỉ trên sổ sách mà phải được nhìn thấy rõ từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ những nhà hàng, khu phố nhộn nhịp, những khách sạn đông đúc, những khu vui chơi ken đặc khách…

TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.