Báo cáo Tổng kết công tác tổ chức các hoạt động và chăm lo Tết Nguyên đán 2021 của Sở Du lịch TP.HCM cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường du lịch tết 2021 ảm đạm hơn so với cùng kỳ các năm 2019, 2020. Lượng khách sụt giảm mạnh ở hầu hết các hành trình gồm các chương trình du lịch cho khách đoàn, khách lẻ, khởi hành theo lịch định sẵn... Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP có 4.426 cơ sở lưu trú, công suất phòng lưu trú ghi nhận dưới 10%.
"Biết nói gì về du lịch bây giờ!”
Không hoang mang như đợt dịch đầu tiên hồi đầu năm 2020, không não nề như lần hứng cú đánh bồi thứ 2 cuối tháng 7 năm trước, cũng không còn thở dài như những lần dịch bùng phát lẻ tẻ tại một số “điểm nóng” du lịch, thay vào đó, các giám đốc công ty lữ hành khi chúng tôi gọi điện hỏi thăm dịp đầu năm là những tiếng cười... bất lực: “Biết nói gì về du lịch bây giờ!”.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour, kể: Ông cùng toàn bộ nhân viên của công ty đã kỳ vọng rất nhiều vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua vì lúc nào nhu cầu du xuân, chơi tết của các gia đình cũng rất cao. Từ khoảng tháng 9, giai đoạn ổ dịch Đà Nẵng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, Lữ hành Fiditour đã “liều mạng” ký rất nhiều hợp đồng, booking cho thị trường giai đoạn trong tết. Dịch vụ đặt sớm được giá tốt, các tour bán rất nhanh, thậm chí phải xuất thêm vé lẻ để bán bổ sung. Vào khoảng 2 tuần trước tết, toàn bộ dịch vụ của công ty đều đã được khách hàng đặt trọn. “Phấn chấn, vui mừng, từ ban giám đốc đến các bạn nhân viên, ai cũng hào hứng vô cùng vì chỉ cần qua đợt tết này thôi là doanh thu của công ty có thể phần nào hồi phục. Thế nhưng, một lần nữa, những thông tin dồn dập về các ca bệnh tràn vô, tàn phá hết luôn. Đến 29 tết, chúng tôi đã phải đưa ra một quyết định đau lòng, hủy toàn bộ 100% tour khách đã đặt”, người đứng đầu Lữ hành Fiditour cười buồn.
Nói về kế hoạch cho tương lai, ông Trần Thế Dũng chia sẻ: “Giai đoạn dịch bệnh đang hạn chế, không tổ chức các tour gom nhiều khách thì chúng tôi chuyển hướng đẩy mạnh làm tour cho nhóm nhỏ, từng nhóm gia đình, nhóm khách lẻ. Nói gì thì nói, dịch bệnh chưa được kiểm soát thì khách vẫn chưa phải yếu tố có thể bàn đến. Trong lúc chờ cơ quan chức năng dập dịch, công ty vẫn phải hoạt động, nhân viên liên tục chăm sóc, cập nhật, chia sẻ thông tin tới khách hàng để họ nhớ tới mình, an toàn là sẵn sàng đi ngay. Đây cũng là cách giúp Lữ hành Fiditour nhanh chóng đón đầu dòng khách, lập tức có doanh thu và lợi nhuận mỗi lần dịch được khống chế”.
Nhân lực du lịch lần lượt chuyển nghề
Cố gắng thích nghi, cầm cự sống sót là việc tất cả các doanh nghiệp (DN) đều phải làm. Tuy nhiên không phải DN nào cũng lớn, đủ tích lũy cho “kỳ ngủ đông” kéo dài chưa từng có như Lữ hành Fiditour. Một số lượng lớn các DN vừa và nhỏ đã dần kiệt sức sau 6 - 9 tháng chống chọi với Covid-19. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, kết thúc năm 2020, DN vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách; DN lữ hành thì đến 95% dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.
Những câu chuyện DN du lịch chuyển sang xuất khẩu khẩu trang như Công ty CP truyền thông Du lịch Việt hay Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Golden Smile Travel (chuyên tổ chức tour du lịch quốc tế) Nguyễn Trần Hoàng Phương rẽ hướng mở quán cà phê, tự pha cà phê cho khách chờ dịch đi qua; Công ty Du lịch Việt Á đổi từ kinh doanh lữ hành quốc tế sang tư vấn định cư nước ngoài… xuất hiện ngày càng nhiều. Các ông chủ DN nhanh nhạy chuyển hướng đầu tư trong thời gian khó khăn, chờ tình hình ổn định lại tiếp tục quay trở về phục vụ du khách, nhưng có không ít những hướng dẫn viên, điều hành tour đã không còn đủ sức để chờ đợi.
Dạo một vòng qua các hội, nhóm hướng dẫn viên trên mạng xã hội, không còn mỗi ngày sôi nổi hàng trăm bài viết chia sẻ, bình luận kêu than thất nghiệp, mong cho dịch bệnh chóng qua để nhanh được dẫn tour trở lại như thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ cách đây 1 năm. Thay vào đó là những bài đăng môi giới bất động sản, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, thậm chí quảng cáo đầu tư tiền ảo, chứng khoán của chính những người đã từng là hướng dẫn viên “chính hiệu”.
Hải Anh, một hướng dẫn viên có kinh nghiệm 6 năm chuyên dẫn thị trường khách Hàn Quốc, sau đó trở thành chuyên viên viết content giới thiệu điểm đến cho phòng truyền thông của một DN du lịch lớn nhất nhì Việt Nam, vừa khoe đã tìm thấy công việc mới tại một công ty xuất khẩu trái cây. 6 tháng sau khi dịch bệnh xảy ra, phải nghỉ việc không lương, Hải Anh vẫn nhất quyết không chịu tìm việc khác vì “mình học ngành du lịch, ra làm du lịch thời gian gần bằng nửa cuộc đời rồi, giờ không đành lòng bỏ nó”. Yêu nghề là thế nhưng vì cơm áo gạo tiền, cô gái Tiền Giang không thể tiếp tục ngồi không chờ đợi thêm. “Đến đợt bùng dịch thứ 2, mình thật sự đã cạn hy vọng. Các anh chị đồng nghiệp cũ cũng khuyên phải tìm việc mà sống, chờ du lịch ít cũng phải 2 năm nữa mới hồi phục được. Lúc đầu mình cũng tính tìm việc gì tạm thôi, khi nào an toàn, công ty cũ gọi là quay về ngay. Nhưng, tính mình không làm tạm bợ được. Công việc mới lương ổn định, môi trường mới cũng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị”, Hải Anh nói và chỉ cười nhẹ “chẳng biết nữa” khi được hỏi có ý định quay trở về với du lịch nữa không.
Nguy cơ “toang” sau dịch
Nhìn lại 1 năm kể từ khi dịch Covid-19 chính thức bùng phát và lan rộng tới nhiều quốc gia, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, đầu tiên và nặng nề nhất. Nằm ngay sát ổ dịch Vũ Hán, từ những ngày đầu năm 2020, ngành du lịch Việt Nam lập tức điêu đứng khi Trung Quốc - thị trường khách trọng điểm “đóng băng”. Nhanh chóng chuyển qua các thị trường quốc tế khác nhưng chưa đầy 1 tháng sau, những biện pháp cách ly xã hội mạnh mẽ triển khai trên diện rộng khiến loạt thị trường tiềm năng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tuy nhiên, cùng với các chính sách kích cầu hiệu quả và sự năng động của các DN, ngành du lịch Việt Nam không mất nhiều thời gian để tận dụng cơ hội hiếm hoi phục hồi từ khách nội địa trong bối cảnh thiếu vắng hoàn toàn du khách quốc tế. Song, vi rút Covid-19 hết lần này đến lần khác “quậy tưng” ngay trước các mùa cao điểm, từ lễ 30.4 - 1.5, tới hè, lễ Giáng sinh, cho tới Tết Nguyên đán, cướp đi những cơ hội phục hồi hiếm hoi của các DN du lịch.
Đáng nói, trong thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ DN và người lao động nhưng với ngành du lịch lại gần như chưa có tác động, chưa được quan tâm. Các chính sách hỗ trợ giãn nợ, giãn thuế, phí... có ý nghĩa đối với các ngành sản xuất kinh doanh khác nhiều hơn đối với ngành du lịch vì khi không có khách, không có hoạt động du lịch thì DN lữ hành, khách sạn... phải đóng cửa, ngừng hoạt động, không phát sinh về khách, không có doanh thu và như vậy thì cũng không được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ trên. Bên cạnh đó, DN lữ hành cũng gặp khó khăn khi tiếp cận được với các nguồn vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng.
Giám đốc một công ty lữ hành cám cảnh: “Tương lai thì chưa rõ ràng, hiện tại các DN du lịch gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ nào từ phía Chính phủ. Thậm chí, tiền ký quỹ lữ hành của các DN xin rút ra để tạm thời sống sót qua mùa dịch nhưng đến nay đã 1 năm vẫn chưa “nhúc nhích”. Chính sách giảm, miễn thuế thì không thực tế. Du lịch đang đứng trước nguy cơ “toang” sau dịch vì DN và người lao động không còn sức để tiếp tục theo đuổi nghề này nữa”.
Sở Du lịch nhiều địa phương kiến nghị Tổng cục Du lịch, Tổng cục đề xuất Bộ VH-TT-DL, Bộ cũng liên tục trình Chính phủ loạt giải pháp cấp bách hỗ trợ DN du lịch nhưng đến giờ này, hầu hết các DN vẫn phải tự bơi, tự sắp xếp, cân chỉnh, phải tự xoay xở. DN lớn đến DN nhỏ, từ lữ hành cho tới lưu trú, khách sạn... đều đã trong tình trạng kiệt quệ, nhưng chính sách hỗ trợ vẫn chỉ dừng lại ở chủ trương.
|
Bình luận (0)