Dù đang là mùa cao điểm, nhưng khách quốc tế đến VN suy giảm mạnh, cả khách đến bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ.
Du khách đến VN sụt giảm dù đang mùa cao điểm - Ảnh: D.Đ.Minh
|
Giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM mới đây đã qua Myanmar để tìm nguồn khách đưa về VN (inbound). Đây hoàn toàn là thị trường mới, bởi lâu nay chỉ có khách Việt đi Myanmar chứ chưa có khách ở chiều ngược lại. Khách Myanmar chủ yếu đi Thái Lan và khả năng chi tiêu cũng rất khá. “Chúng tôi chạy đôn chạy đáo tìm thị trường khách mới do nhiều thị trường khách quốc tế truyền thống giảm mạnh thời gian qua. Thời gian trước, có năm chúng tôi đón 1.000 khách Mỹ nhưng hai năm trở lại đây chỉ còn 200 khách. Ngoài ra, khách châu Âu cũng không còn nhộn nhịp, nhất là khách Pháp - vốn là thị trường lớn của du lịch VN từ thời gian đầu mở cửa”, vị giám đốc này cho biết.
Khách đòi lại tiền tour
|
Ông Phan Xuân Anh, giám đốc một doanh nghiệp (DN) lữ hành chuyên đón khách tàu biển châu Âu vào VN, nhận xét: “Nơi nào còn giữ được nét riêng văn hóa và đảm bảo được trật tự thì nơi đó còn du khách quốc tế. Liên tục 4 chuyến tàu biển mà công ty chúng tôi đón gần đây đã quyết định không tham quan vịnh Hạ Long mà đi thẳng từ Hồng Kông tới Đà Nẵng, Nha Trang và TP.HCM hoặc ngược lại. Đối tác nói đi chơi biển sướng hơn đi vịnh Hạ Long, do thuyền xấu, an ninh trật tự không đảm bảo”. Cũng theo ông Xuân Anh, hiện tượng chèo kéo du khách mua đồ trên thuyền ở vịnh Hạ Long có từ nhiều năm nhưng không ai giải quyết. Chủ thuyền ký hợp đồng cho người khác thầu bán hàng trên thuyền. Vì thế, để có tiền, người bán tìm cách ép khách mua đồ. “Khách của chúng tôi phàn nàn dữ lắm. Có người sau chuyến thăm vịnh Hạ Long đã đòi lại tiền hoặc phải giảm giá tour”, ông Anh nói.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng du lịch VN đang phải đối mặt những tồn tại ở trong nước và cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Ở trong nước, dịch vụ không hấp dẫn, môi trường du lịch ít cải thiện và giá tour quá cao so với khu vực là nguyên nhân chính khiến khách sụt giảm. Trong cạnh tranh, du lịch VN yếu thế hơn so với Thái Lan, Malaysia, Singapore... cả ở dịch vụ, giá cả và điểm đến. Đơn cử như phòng khách sạn, so với các khách sạn cùng loại và cùng vị trí ở Thái Lan, giá ở VN thường đắt gấp đôi, gấp ba.
“Đối với du khách quốc tế, VN đã không còn là điểm đến mới và đã qua giai đoạn bùng nổ vì tò mò. Những điểm đến mới trong khu vực hiện giờ là Myanmar, Lào, Campuchia. Về những điểm đến cũ, VN cũng khó cạnh tranh được với Thái Lan, Malaysia, Singapore vì những quốc gia này luôn làm mới điểm đến của họ. Bên cạnh đó, du khách quốc tế ngày càng chuộng tour giá rẻ”, ông Huê phân tích.
“Có bao nhiêu làm bấy nhiêu thì làm sao chuyên nghiệp”
|
Đại diện nhiều DN du lịch cho biết, mỗi lần đi nước ngoài để tiếp thị điểm đến rất tốn kém. Trong khi các cơ quan nhà nước làm xúc tiến lại không hiệu quả và chủ yếu là quảng bá chung chung. “Chi phí tham gia một hội chợ như Hội chợ du lịch quốc tế Berlin (ITB) tốn hơn 100 triệu đồng, chỉ với một người đi. Những DN vừa và nhỏ không dám chi cho các khoản này, nên ở nhà chờ khách tới. Nhưng làm gì có khách nào tự nhiên tới với mình, khi các nước trong khu vực bung tiền quảng bá, DN của họ mạnh tay chi tiêu cho tiếp thị, giành giật khách. Vì vậy, DN rất cần hỗ trợ kinh phí để trực tiếp tham gia cùng nhà nước trong các chuyến xúc tiến nước ngoài. Càng nhiều DN đi xúc tiến thì càng tốt, càng hiệu quả cho hình ảnh du lịch VN để kéo khách tới”, giám đốc một DN đề xuất.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết nếu DN đi tự túc thì phải trả chi phí 100%, còn DN đi chung với Sở Du lịch TP.HCM trong chương trình xúc tiến vừa rồi ở Úc chỉ phải trả 50%. “Lần đó có 19 DN của 6 tỉnh tham gia cùng. Thực ra cũng khó cho du lịch TP.HCM khi chia sẻ kinh phí hỗ trợ các DN địa phương khác. Nhưng đòi hỏi cơ quan tổ chức phải thật chuyên nghiệp thì DN mới tham gia cùng và qua đó mang lại hiệu quả cao hơn cho DN, cho điểm đến”, ông Khánh nói và đề xuất: “Tổng cục Du lịch làm nhiều chương trình xúc tiến quá cũng không xuể, như mỗi năm làm 10 chương trình xúc tiến thì chỉ nên làm 5 - 6, còn lại phân cấp cho TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Những chương trình xúc tiến phân cấp cho địa phương không phải làm cho địa phương mà có thể “gánh” cho DN cả nước”.
Yếu nhất là tính liên kết
Ông Lã Quốc Khánh cũng thừa nhận du lịch VN đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các nước xung quanh. Như Thái Lan sau thời gian bất ổn về chính trị đã đầu tư rất mạnh vào du lịch để thu hút du khách, cụ thể là giảm giá và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá với các chương trình rất cụ thể. “Tôi đi đến nhiều nơi trên thế giới và thấy rằng quảng bá của họ rất mạnh với hình ảnh đặc trưng. Trong khi ở VN thì quảng bá, xúc tiến không đồng nhất nên không tương xứng với hình ảnh. Ngành du lịch VN phải nghiên cứu các nước trong khu vực để phát huy tính liên kết nhằm giảm giá dịch vụ, không nên kêu gọi suông. Cái yếu nhất của du lịch VN là tính liên kết. Nguyên nhân của kích cầu kém hiệu quả của du lịch VN là thiếu tính liên kết nên làm không thành công”, ông Khánh nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)