Du lịch Hậu Giang trên đường phát triển

30/07/2022 19:52 GMT+7

Tỉnh Hậu Giang kêu gọi nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch nhằm phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói”.

Hậu Giang, vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm sông nước. Vùng đất này còn là xứ sở mến khách, hào sảng, trọng nghĩa tình.

Đường vào vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Ảnh: Quang Minh Nhật

Các điểm nhấn mời gọi

PGS-TS Nguyễn Duy Cần, Trường ĐH Cần Thơ, nhấn mạnh Hậu Giang có nhiều di tích lịch sử (cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh) được du khách biết đến. Bên cạnh đó, vùng đất này còn có sông rạch chằng chịt, kênh xáng Xà No (kênh giao thương lúa gạo nổi tiếng của vùng ĐBSCL - PV) cùng những vườn cây trĩu quả và đặc biệt là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng rộng khoảng 2.800ha, “lá phổi xanh” của khu vực đồng bằng sông nước nên lực hút đối với khách du lịch là không hề nhỏ.

Hậu Giang vẫn còn đây cảnh quan sinh thái nông nghiệp với những vườn cây xanh tươi quanh năm và bao cánh đồng lúa oằn bông trĩu hạt, vuông ao nuôi thủy sản đã tạo nên không gian xanh giúp phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch miệt vườn sông nước mát lành.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện

Ảnh: Quang Minh Nhật

Ông Lê Công Khanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hậu Giang cho hay trên địa bàn còn có những địa điểm tham quan đặc sắc như di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt (Chiến thắng Chương Thiện), di tích Đền thờ Bác Hồ, di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, di tích Chiến thắng Tầm Du, di tích Khu trù mật Vị Thanh- Hỏa Lựu, di tích chiến thắng Vàm Cái Sình, di tích Ủy ban liên hợp đình chiến Nam bộ, Chợ nổi Ngã Bảy, Cây di sản Việt Nam (cây Lộc Vừng), Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Công viên giải trí Kitty& Minnied, Vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, Làng trầu Vị Thủy, Trang trại sữa dê Ngọc Đào, Vườn dâu Thiên Ân, Bảo Gia Farm, Bamboo Garden, tàu du lịch trên kênh xáng Xà No, Thạch Sanh Farm, Homestay Miệt Vườn, Làng bè 2 Khanh…

Cũng theo ông Lê Công Khanh, tỉnh Hậu Giang đã công bố rộng rãi kêu gọi đầu tư các dự án Du lịch lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu du lịch Hồ Sen, Khu du lịch sinh thái Kênh Lầu, Khu du lịch căn cứ Thị xã ủy Vị Thanh, Khu du lịch Hồ Tam Giác, Du lịch cộng đồng vùng quýt đường Long Trị, Làng du lịch sinh thái văn hóa Tầm Vu, Khu du lịch Hồ Nước Ngọt. Các dự án nêu trên là những điểm nhấn quan trọng và khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho du khách trong ngoài nước.

Du lịch nông nghiệp tại H.Châu Thành A, Hậu Giang

Ảnh: Quang Minh Nhật

Những hoạch định tương lai

UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch phát triển 4 trụ cột kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị) giai đoạn 2021- 2025 với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 35.556 tỉ đồng. Theo đó, ở trụ cột du lịch, tỉnh sẽ tập trung xây dựng thành công 2 điểm nhấn du lịch vươn tầm khu vực và cả nước, đó là du lịch trên tàu tuyến kênh xáng Xà No đi làng khóm nổi tiếng Cầu Đúc, du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công các điểm du lịch ở TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy, H.Châu Thành A, H.Châu Thành, H.Vị Thủy, H.Phụng Hiệp…

Tàu du lịch trên kênh xáng Xà No

Ảnh: Quang Minh Nhật

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, kinh phí nhiều nguồn sẽ tiếp tục tu bổ tạo cảnh quan kênh xáng Xà No, đầu tư thêm phương tiện du lịch thủy bộ di chuyển trên kênh xáng Xà No và tuyến đường Phụng Hiệp - Ngã Bảy. UBND tỉnh Hậu Giang bố trí nguồn vốn ngân sách ưu tiên cho phát triển du lịch chợ nổi Ngã Bảy và những điểm du lịch khác; xây dựng các ứng dụng chuyển đổi số ngành du lịch Hậu Giang; đầu tư kết nối hạ tầng giao thông gắn kết với phát triển du lịch; sửa chữa và tôn tạo những di tích lịch sử- văn hóa hiện có; phát triển du lịch tại các khu di tích đã được công nhận; xây dựng kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị truyền thống và những di sản văn hóa, di sản phi vật thể; phối hợp thực hiện xếp hạng những di tích, công trình văn hóa, kiến trúc trên địa bàn; củng cố, nâng chất câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ du khách; rà soát, điều chỉnh và ban hành cơ chế, chính sách phát triển du lịch; tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao, các khu du lịch sinh thái quy mô lớn phức hợp nhiều dịch vụ (dự án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, dự án Khu du lịch sinh thái Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân, dự án phục hồi chợ nổi Ngã Bảy); tiếp tục thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác liên kết du lịch với TP.HCM cùng các tỉnh thành ĐBSCL; tăng cường liên kết với TP.HCM, TP.Hà Nội để khai thác thị trường khách du lịch quốc tế; hợp tác các tỉnh thành xây dựng tour- tuyến du lịch liên kết; phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch đặc trưng, mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương; đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp phục vụ du khách thông qua các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và xây dựng sản phẩm OCOP (OCOP- Chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm) để nâng cấp quà tặng du lịch…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.