Tour nội địa thất thế ?
Tết năm nay không về quê Quảng Ngãi vì giá vé máy bay quá cao, chị Mai Phương (ngụ Q.7, TP.HCM) đang lên kế hoạch đưa gia đình nhỏ đi du xuân đầu năm. Quyết định chọn những điểm đến có khoảng cách không quá xa để tiết kiệm chi phí di chuyển đường không, chị Mai Phương đang phân vân giữa Vũng Tàu, Phan Thiết và Nha Trang vì nhà có con nhỏ thích tắm biển. Vũng Tàu thì gần như năm nào cũng đi rồi, Phan Thiết thì gia đình nhà chị mới nghỉ dưỡng đợt Tết Dương lịch. Chỉ còn Nha Trang, nhưng chị vẫn chưa quyết được sẽ đi tàu hay tự lái xe.
"Giờ có cao tốc rồi, đi Nha Trang chắc mất tầm 6 giờ, gia đình túc tắc vừa đi vừa nghỉ trên đường cũng được. Tuy vậy, con bé con lại có vẻ thích đi tàu hơn. Năm ngoái nhà tôi cũng mua riêng 1 khoang tàu từ TP.HCM đi Nha Trang, con bé thì thích nhưng ông bà thì lại mất ngủ cả đêm vì tiếng tàu chạy. Chưa kể vé tàu giường nằm chọn chuyến đi đêm bây giờ không còn nhiều chỗ, giá vé cũng hơn 1,1 triệu đồng/vé, lại không còn nguyên khoang hoặc giường nằm gần nhau. Tóm lại là bây giờ vẫn chưa chốt, cứ để từ từ tính", chị Mai Phương nói.
Mùa Tết Nguyên đán năm nay cũng có rất nhiều gia đình chưa lên kế hoạch du xuân như nhà chị Mai Phương. Có gia đình thì do vừa đi chơi Tết Dương lịch nên tết âm lịch nghỉ ngơi tại gia; có nhà thì lương thưởng năm nay giảm nên thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", không đi chơi xa. Ghi nhận tại các công ty lữ hành cũng phản ánh đúng thực tế này.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông Công ty CP lữ hành Vietluxtour, cho biết tình hình kinh doanh của công ty dịp Tết Nguyên đán sắp tới không quá ảm đạm nhưng cũng không quá sôi động. Dựa vào bối cảnh kinh tế chung cũng như tín hiệu nhu cầu của thị trường, Vietluxtour đã dự báo trước được tình hình nên xây dựng kế hoạch phù hợp và tập trung chạy kế hoạch cho hoàn tất. Đến nay, công ty ghi nhận đã đạt khoảng 70% kế hoạch bán tour, còn các dịch vụ nội địa thường bán cận và xuyên tết.
Theo đánh giá của bà Trần Thị Bảo Thu, dịp Tết Nguyên đán 2024, các thị trường MICE, inbound, outbound và tour lẻ nội địa sẽ có tỷ lệ tăng trưởng tương đối tốt nhưng không quá đột phá. Trong đó, thị trường tour inbound có nhiều khởi sắc do được cộng hưởng từ hoạt động quảng bá khá tốt trong năm qua, chính sách visa mới khá thuận lợi, các đánh giá về điểm đến trên thị trường quốc tế cũng khá tích cực…
Thị trường outbound cũng khá nhộn nhịp, đặc biệt thị trường Đông Bắc Á với sức cạnh tranh ngày càng nóng về điểm đến, khuyến mãi…; gia tăng sức thu hút du khách Việt. Trong khi đó, thị trường nội địa đang chịu khá nhiều áp lực cạnh tranh vì giá dịch vụ còn khá cao.
"Tình hình kinh tế khó khăn, các gia đình cũng cắt giảm chi tiêu nên sẽ trông vào các tour đoàn, khách MICE vì nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn giữ kế hoạch khen thưởng cuối năm. Còn nếu chờ yếu tố nào bất ngờ thì chúng tôi thấy có một "ngách" là thị trường khách trung lưu nhóm gia đình quan tâm và đặt các dịch vụ nghỉ dưỡng ở các resort 4 - 5 sao. Họ chỉ nghỉ ngơi thôi, không có nhu cầu tham quan nhiều, trong đó cũng có khách Việt kiều. "Ngách" này theo xu hướng chung đang phát triển ngày càng tốt từ nhu cầu F&E (khách chỉ đặt trước các dịch vụ cơ bản thay vì mua tour trọn gói), tour option nội địa nhưng sử dụng dịch vụ cao cấp hơn, đến những điểm chưa quá đông đúc như Côn Đảo, Tuy Hòa, Quy Nhơn. Đà Nẵng hoặc Nha Trang", bà Thu thông tin thêm.
Tương tự, với hàng trăm tour du xuân trong và ngoài nước đã tung ra từ giữa tháng 11.2023 với dự kiến phục vụ hơn 150.000 lượt khách du lịch tết, đến nay Công ty Vietravel mới ghi nhận hơn 76.640 lượt khách đến đăng ký mua tour trên toàn quốc, tương đương hơn 51% kế hoạch. Trong đó có khoảng 58% du khách chọn tour du lịch nước ngoài cho chuyến đi chơi tết của cả nhà, đặc biệt là các tour châu Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản…
"Trong nước, các tuyến tour Đông Bắc, Tây Bắc đang nhận về khá nhiều sự quan tâm từ khách hàng vì những khu vực này có các đặc điểm văn hóa độc đáo, đa dạng, cũng như cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Bên cạnh đó, bộ sản phẩm dành cho gia đình đa thế hệ đi đến các điểm như Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hội An, Huế… cũng rất nổi bật khi có nhiều tọa độ check-in, điểm ăn uống chất lượng", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho hay.
Loạt "siêu phẩm" chờ khách
Với mong muốn hâm nóng lại thị trường nội địa sau hơn nửa năm có dấu hiệu chững lại, đồng thời thu hút khách quốc tế, các địa phương đang dồn dập ra mắt hàng loạt sản phẩm mới hấp dẫn. Trong đó, không thể không kể đến loạt "bom tấn" đang giúp Phú Quốc lội ngược dòng ấn tượng.
Sự kiện ra mắt Cầu Hôn cùng tổ hợp giải trí tại thị trấn Hoàng Hôn Sunset Town do Tập đoàn Sun Group đầu tư tại Phú Quốc mới đây đã đem đến không khí tưng bừng, sôi động cho đảo ngọc trong những ngày cuối cùng của năm 2023 và đầu năm 2024. Ghi nhận tại Phú Quốc tối 31.12.2023 và rạng sáng 1.1.2024, hàng chục ngàn người dân, du khách đổ về Sunset Town (An Thới) để theo dõi sự kiện countdown 2024, chiêm ngưỡng màn trình diễn pháo hoa mãn nhãn, xuyên đêm vui chơi tại chợ đêm Vui Phết (VUI-Fest Bazaar); xem nhạc kịch đường phố "loảng xoảng show"; tham quan Cầu Hôn - tuyệt tác kiến trúc vừa được CNN ca ngợi; hay thưởng thức show diễn Nụ hôn của biển cả (Kiss Of The Sea - Show diễn đa trải nghiệm kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật sân khấu đỉnh cao từ nghệ sĩ quốc tế)…
Đặc biệt, chỉ mới khai trương chưa đầy 1 tháng, Cầu Hôn đã khuấy đảo truyền thông thế giới khi không chỉ được các báo tiếng Anh hết lời ca ngợi mà còn xuất hiện trên cả các tờ báo của Hàn Quốc, Hy Lạp, các nước Đông Âu... Cầu Hôn hứa hẹn sẽ là "thỏi nam châm" thu hút du khách từ khắp thế giới, trở thành một "biểu tượng du lịch VN" như Cầu Vàng (Đà Nẵng) đã làm được. Loạt "siêu phẩm" với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng đã giúp Phú Quốc trở lại danh sách tâm điểm mùa du ngoạn tết.
Tương tự, một trong những điểm đến nằm top hot nhất thời gian qua là núi Bà Đen (Tây Ninh) cũng đang giới thiệu rất nhiều trải nghiệm mới mẻ dành cho phật tử và du khách bốn phương. Cuối tháng 1 này, tại Sun World Ba Den Mountain (Tây Ninh) sẽ khánh thành tôn tượng Phật Di Lặc được kiến tạo theo một cách thức chưa từng có: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch xanh. Ngoài ra, thác nước nhân tạo cao nhất châu Á chảy quanh tượng Phật Di Lặc, hay Cầu Ước - cây cầu tâm linh độc đáo để du khách chiêm bái tượng Phật Di Lặc... cũng góp phần đưa "nóc nhà Đông Nam bộ" trở thành điểm nhấn du xuân cầu an ấn tượng cho du khách dịp Tết Nguyên đán này.
Không chịu kém cạnh, "Thủ phủ du lịch miền Trung" Đà Nẵng cũng đang ra sức quảng bá du lịch, hút du khách đến để hòa mình vào không gian đại tiệc sắc màu với muôn hoa rực rỡ cùng nhiều hoạt động và trải nghiệm độc đáo mừng năm mới trong Lễ hội Mùa xuân năm 2024 trên đỉnh núi Bà Nà. Cùng với đó, công viên Châu Á - Asia Park cũng sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động trải nghiệm như ông đồ viết thư pháp, vẽ chân dung, check-in với nghệ sĩ body-painting, trò chơi lô tô, các trò chơi dân gian truyền thống cùng nhiều chương trình nghệ thuật sôi động chào đón du khách du xuân đầu năm.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing thuộc Công ty TST Tourist, đánh giá sau đại dịch, ngành du lịch đang chứng kiến một cuộc chuyển mình ấn tượng từ nỗ lực làm mới, nâng cấp sản phẩm từ các địa phương. Dù trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, lượng khách quan tâm, đặt tour qua các công ty lữ hành không có sự đột phá như kỳ vọng trong giai đoạn đầu chu kỳ cao điểm tết, song những tỉnh thành có sự năng động trong việc triển khai những điểm đến mới chắc chắn vẫn sẽ thu hút du khách và "thắng lớn".
Trong đó phải kể đến Tây Ninh, Phú Quốc với Cầu Hôn, Phan Thiết sẽ tiếp tục là lựa chọn của khách DN bởi khoảng cách đi lại thuận tiện. Hệ thống đường cao tốc đã và đang triển khai trong năm 2024, 2025 sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho nhiều điểm đến phát triển.
Chỉ "bom tấn" thôi, chưa đủ !
Mặc dù các địa phương đã "bày sẵn tiệc ngon" chờ khách nhưng theo ông Nguyễn Minh Mẫn, nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước cùng sự chung tay phối hợp của các đơn vị trong hệ sinh thái du lịch, rất dễ xảy ra tình trạng "ế cỗ". Bởi năm nay, xu hướng giá dịch vụ trong nước tăng cao dẫn đến giá tour cũng phải điều chỉnh. Tour trọn gói trong nước tăng trung bình từ trên 15%. Đây chính là một phần rào cản khiến du khách quan tâm nhiều và rất sớm, trung bình trên 3 tháng so với lịch bán được các công ty công bố nhưng rồi lại lưỡng lự không mua tour hoặc chuyển hướng đi nước ngoài.
"Hiện nay, bên cạnh nhu cầu đi tour trong dịp Tết Nguyên đán, số lượng khách book tour sau tết chiếm ưu thế, trong đó khách chọn tháng 3, 4, 5 làm thời điểm tham quan được ghi nhận có dấu hiệu rất tốt. Đây cũng là tín hiệu khả quan cho thấy 2024 sẽ là năm đi vào ổn định. Tuy nhiên, tour trong nước vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Giá vé trần hàng không tăng từ tháng 3, các hãng cũng cắt giảm bớt đội bay, chuyến bay… Nếu hàng không, du lịch không đồng nhịp, không liên kết được với nhau thì sẽ rất khó để kích lại được thị trường nội địa. Trong khi chờ khách quốc tế hồi phục lại, khách nội địa cũng yếu thì hàng ngàn tỉ đồng đầu tư cho các sản phẩm mới trên cả nước sẽ "nguy to", ông Nguyễn Minh Mẫn lo ngại.
Đồng tình, bà Trần Thị Bảo Thu khẳng định làm mới sản phẩm là một trong những yếu tố cần nhưng chưa đủ. Du lịch nội địa cần cả combo kích cầu gồm sản phẩm mới - quảng bá - khuyến mãi... được triển khai đồng bộ. Nếu điểm đến được khoác áo mới, DN địa phương nỗ lực nhưng giá dịch vụ còn cao, đặc biệt là giá vé máy bay nếu không hạ nhiệt được thì du lịch năm 2024 vẫn sẽ còn khó.
"Du lịch trong nước cần một chiến dịch đồng bộ ưu đãi, không chỉ giá vé máy bay mà còn nhiều dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan và phương tiện vận chuyển khác... để góp phần tác động tích cực vào giá tour và nhu cầu khách hàng, gia tăng năng lực cạnh tranh của thị trường tour nội địa trên "sân nhà", bà Trần Thị Bảo Thu đề xuất.
Dẫn chứng những công trình đầu tư ngàn tỉ ở Phú Quốc, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Group, cũng cảnh báo cần nhanh chóng xây dựng được mô hình liên kết để kích cầu du lịch tại các địa phương. Đơn cử, hàng loạt chuyến bay từ các địa phương kết nối tới Phú Quốc đã bị đóng, cần phân tích kỹ lý do vì sao hàng không cắt giảm chuyến bay, vì sao giá vé máy bay nội địa lại cao như vậy. Hàng không cũng là DN, cũng đang rất khó khăn, đường bay nào có thể có lời thì họ mới duy trì, lỗ thì không bay. Vậy giờ nếu Phú Quốc muốn tăng khách đến thì phải làm sao tăng bằng được khách bay. Có thể hợp tác với hàng không, bù lỗ chuyến bay để duy trì đường bay và làm hạ nhiệt giá vé. Cùng với đó, chính quyền tỉnh Kiên Giang nên có chính sách đột phá, tặng tiền mặt hoặc voucher mua đồ cho mỗi khách tới du lịch Phú Quốc, bằng cả đường không và đường biển.
"Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có những giải pháp thực chất, đột phá như vậy mới có thể mong vực dậy được du lịch Phú Quốc nói riêng cũng như kích cầu du lịch trong nước nói chung", ông Nguyễn Châu Á hiến kế.
Vịnh Hạ Long và Sa Pa vào top 5 điểm đến xu hướng hàng đầu thế giới
Giải thưởng Travelers's Choice Best of the Best Destinations của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã vinh danh vịnh Hạ Long và Sa Pa lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 5 trong 25 điểm đến xu hướng hàng đầu của thế giới năm 2024. Đây là giải thưởng uy tín nhằm vinh danh các điểm đến nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao nhất của cộng đồng, biểu thị mức độ xuất sắc trong lĩnh vực du lịch.
Đến 2025, VN phải tăng ít nhất 2 bậc xếp hạng Năng lực phát triển du lịch và lữ hành
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Theo đó, du lịch là một trong 7 mục tiêu phấn đấu nâng cao thứ hạng cạnh tranh đến năm 2025, bao gồm:
(1) Phát triển bền vững (của Liên Hiệp Quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu;
(2) Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc;
(3) Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc;
(4) Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc;
(5) Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc;
(6) Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc;
(7) An toàn an ninh mạng của ITU thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.
Về mục tiêu cụ thể trong năm 2024, đối với Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới, phấn đấu nâng xếp hạng Nhóm chỉ số "Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành" lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng Nhóm chỉ số "Hạ tầng dịch vụ du lịch" lên ít nhất 3 bậc.
Bình luận (0)