Du lịch hồi hộp đón tết

18/01/2021 06:17 GMT+7

Trong khi tour xuất ngoại “cửa đóng then cài”, khách hàng vẫn giữ tâm lý chờ sát tết mới chốt tour nội địa, các công ty lữ hành rơi vào tình thế hồi hộp chưa thể xác định rõ thị trường Tết Nguyên đán năm nay thế nào.

Cả lượng khách và dịch vụ đều khó đoán

Năm nào cũng lên kế hoạch trước tết cả vài ba tháng chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại du xuân, gia đình chị Ngọc Huyền (H.Nhà Bè, TP.HCM) đến giờ vẫn loay hoay chưa biết tết này sẽ đi đâu. “Mọi năm, cả gia đình đi nước ngoài đón tết sẽ phải chốt kế hoạch trước cả tháng để đặt tour. Năm nay không được đi nước ngoài nên đến giờ cả nhà vẫn chưa bàn có đi du lịch không hay ở nhà ăn tết. Nếu đi thì đi đâu, đi tour hay tự túc... Hơn nữa dịch bệnh cũng chưa biết sao. Thôi cứ để từ từ sát tết xem tình hình thế nào rồi tính”, chị Huyền chia sẻ.

Nhìn theo hướng tích cực, đây là cơ hội để các sản phẩm du lịch nội địa tiếp cận với khách hàng tốt hơn, thị trường phong phú, đa dạng hơn

Bà Trần Thị Bảo Thu, Công ty lữ hành Fiditour

Đây có lẽ cũng là tâm lý chung của rất nhiều gia đình dịp tết năm nay. Thông thường, cách Tết Nguyên đán gần 2 tháng, Công ty lữ hành Fiditour đã có khá đầy đủ kế hoạch bán tour nội, ngoại. Thế nhưng chỉ còn gần 1 tháng nữa là tới tết, công ty này vẫn chưa thống kê lượng khách năm nay.
Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng Tiếp thị - Truyền thông Công ty lữ hành Fiditour, đặc điểm của tour nội địa là khách chờ sát ngày mới đặt nên thường bán chậm hơn tour xuất ngoại. Thậm chí công ty thường xuyên phải bán xuyên tết bởi có nhiều khách tới sát ngày mới đặt tour. Xu hướng hiện nay khách đi theo dạng tự túc, đặt dịch vụ lẻ nên thời gian lên kế hoạch càng bất định, khó đoán.
“Từ sau Tết dương lịch đến nay, nhu cầu du lịch cũng đã bắt đầu ổn định trở lại và có xu hướng tăng cao nhưng chắc chắn thị trường nội địa không thể nào bù lại 100% cho thị trường quốc tế. Ước tính, lượng khách nội địa của Lữ hành Fiditour dịp tết 2021 này sẽ tăng khoảng 40 - 50% so với năm trước, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ lẻ. Cũng phải chờ thêm 1 - 2 tuần nữa mới dự báo được rõ sức bán”, bà Thu nói.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, cho biết: Tuy nhu cầu du lịch của người dân đã có nhiều tiến triển tốt nhưng bên cạnh tâm lý chờ sát ngày đi mới chốt điểm đến, sau nhiều lần dịch “thập thò” cũng ảnh hưởng nhiều khiến khách hàng e dè, cẩn trọng ra quyết định trong việc đặt tour. Thực tế, khách có nhu cầu đi du lịch dịp tết thường là đối tượng gia đình hoặc nhóm bạn, doanh nghiệp đi du xuân. Họ không phải chờ giảm giá, khuyến mãi mà chủ yếu chưa quyết định được điểm đến và nghe ngóng tình hình dịch bệnh nên có thể sẽ dồn dập chốt nhanh vào thời điểm trước tết khoảng 1 - 2 tuần.
“Không chỉ lượng khách, chất lượng điểm đến dịp tết năm nay cũng vẫn đang là ẩn số. Khách nội địa đi tự túc khá nhiều. Các địa phương không thể thông qua doanh nghiệp để đo đếm lượng khách tăng/giảm, dự báo đâu là “vùng trũng”, đâu là điểm đến sẽ “cháy” dịch vụ như mọi năm. Tóm lại, thị trường tết năm nay khó đoán cả về khách và dịch vụ”, ông Mẫn nhận định.

Tour độc, lạ “lên ngôi”

Theo khảo sát từ một số công ty du lịch tại TP.HCM, dẫn đầu danh sách các điểm đến “hot” nhất dịp Tết Nguyên đán 2021 là các tuyến Đông Bắc, Tây Bắc như Hà Giang, Sa Pa...
Ông Dương Trần Tiến, Giám đốc Công ty du lịch Việt Á, phân tích: Xu hướng đi du lịch đón tết chủ yếu có ở các gia đình khu vực miền Nam. Đối với nhóm khách này, các điểm đến vùng biển như khu vực miền Trung, Phan Thiết... đã bão hòa. Nếu không đi nước ngoài, họ sẽ chọn đi những nơi xa, vùng có không khí lạnh, mát mẻ như các tỉnh phía bắc hoặc Đà Lạt, Tây nguyên... để thay đổi không khí. Tuy nhiên, do các điểm đến trong nước cũng hầu hết đã quá quen thuộc nên xu hướng các gia đình hiện nay là đi tự túc, chọn những khu vực đẹp, lạ, không tập trung ở các điểm nổi tiếng truyền thống. Đơn cử như đi Sa Pa sẽ chọn vào bản; lên Đà Lạt cũng sẽ kiếm những resort, homestay ở vùng ven, khác lạ.
Đồng tình, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết: Những gia đình có thói quen xuất ngoại du xuân, khi quay về thị trường nội địa sẽ chọn những tuyến xa, đi tour độc, lạ, tương ứng nhu cầu và giá tiền. Ví dụ, tour Đông Nam Á trung bình có giá 7 - 11 triệu sẽ tương ứng với thị trường miền Bắc, miền Trung thời gian từ 4 - 6 ngày; tour Nhật khoảng hơn 20 triệu, quy đổi sang có thể tới các điểm du lịch trong nước hưởng dịch vụ 4 - 5 sao với nhiều trải nghiệm độc đáo, thú vị hơn...
Ở góc nhìn khác, bà Trần Thị Bảo Thu đánh giá khoảng 2 - 3 tháng qua, các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc liên tục có những sự kiện quảng bá rất tốt nên đây là những điểm đến “hot” nhất mùa tết này. Tiếp đến là Phú Quốc và Đà Lạt cùng các tour khám phá miền Tây Nam bộ. Mọi năm, các tuyến miền Trung như Đà Nẵng, Hội An luôn đứng đầu danh sách những tour bán chạy nhất nhưng năm nay sức bán trầm hơn rất nhiều.
Đáng chú ý, dự báo khách năm nay sẽ không đổ dồn vào một số điểm trong nước như những năm trước vì các địa phương thời gian qua đã chủ động kích cầu, mở thêm nhiều tuyến, điểm mới. “Nhìn theo hướng tích cực, đây là cơ hội để các sản phẩm du lịch nội địa tiếp cận với khách hàng tốt hơn, thị trường phong phú, đa dạng hơn”, bà Thu cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.