Du lịch ít tốn tiền, đi khắp thế giới của thế hệ millennials Việt

18/09/2019 20:30 GMT+7

Tự lên kế hoạch, lịch trình, tự đặt vé, đặt chỗ nghỉ và tự do đến những nơi mình muốn- xu hướng du lịch tự túc ngày càng được thế hệ millennials (sinh từ năm 1980-2000) lựa chọn, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ công nghệ .

Tay cầm “smart phone”, chân đi khắp thế giới

Trần Minh Phong, sinh viên 20 tuổi nhưng đã cùng bạn bè thực hiện nhiều chuyến đi dài ngày ngang Tây Bắc, dọc miền Trung, lang thang nhiều tỉnh Tây Nam bộ. Mặc dù trong nhóm chưa có ai từng đặt chân đến các vùng đất này, họ không hề cảm thấy xa lạ.
"Mọi thứ đều có thể tìm thấy trên Internet, các diễn đàn, các group Facebook về du lịch. Những người đi nhiều, có kinh nghiệm sẽ chia sẻ cho mình thông tin, từ những nơi đẹp cho đến nên ăn gì, chơi gì. Có cả những địa điểm check-in đẹp, homestay view độc, quán cafe cực chất mà không quá nhiều khách du lịch biết đến", Phong hào hứng.
Không chỉ trong nước, thử thách hấp dẫn hơn là đi du lịch nước ngoài cũng không còn khó khăn. Nếu như nhiều năm trước, phần đông người trẻ thường đi tour cho lần đầu xuất ngoại, hay chọn đi cùng với người giàu kinh nghiệm, thì nay, du lịch tự túc ngày càng lên ngôi.
Đăng ký nhận tin và thường xuyên theo dõi website, fanpage của các hãng hàng không, các bạn trẻ săn được vé rẻ chỉ bằng 1/2, 1/3 so với bình thường. Không biết tiếng Anh đã có Google dịch. Tham khảo Tripadvisor để lọc thông tin những nơi đáng đến nhất.
Đặng Hà, 27 tuổi, hiện đang là chuyên viên pháp chế tại Hà Nội cho biết, mỗi chuyến đi nước ngoài được cô chuẩn bị trước vài tháng, thậm chí cả năm. Tìm kiếm, tổng hợp qua Wikipedia, Wikitravel để lấy thông tin ban đầu về điểm đến, tham khảo Tripadvisor để "lọc" những nơi đáng tới nhất, cộng thêm lời khuyên của các "tiền bối" trong làng du lịch bụi, các travel blogger với hàng trăm blog, vlog Youtube, hàng tỷ ảnh trên Instagram, một kế hoạch, lịch trình cụ thể, dự trù kinh phí chi tiết đã sẵn sàng.

Nhóm của Đặng Hà tại vùng Golden Triangle - Tam giác vàng nổi tiếng, nơi giáp ranh giữa Thái Lan, Lào và Myanmar.

"So với Lonely Planet là sách du lịch kinh điển thì các công cụ tìm kiếm tiện lợi hơn rất nhiều vì luôn cập nhật nhanh chóng. Mình có thể đặt sẵn các dịch vụ từ khi ở nhà. Với vé máy bay, nhờ đăng ký nhận tin và thường xuyên theo dõi website, fanpage của các hãng hàng không, nhiều khi mình săn được vé rẻ chỉ bằng 1/2, 1/3 so với bình thường.
Lên lịch ở đâu thì chọn phòng nghỉ gần đó, tiện đi lại bằng Booking, Agoda, Airbnb... Có nhiều nhà cung cấp dịch vụ đặt trước vé tàu, vé xe, vé tham quan, các tour trong ngày hay bán sim, bảo hiểm du lịch... mua online luôn rẻ hơn giá gốc. Nếu chịu khó theo dõi, so sánh của các nhà cung cấp khác nhau, bạn sẽ có giá tốt nhất, nhiều khuyến mãi", Hà chia sẻ những kinh nghiệm "bỏ túi" của mình.
Công nghệ cũng là người đồng hành trên mọi hành trình dưới hình dáng 1 chiếc smartphone. Google Maps chính là "cánh của thần kỳ" để đến bất cứ đâu. Chỉ cần xác định chính xác các điểm đến, ứng dụng sẽ đưa ra lựa chọn tối ưu về lịch trình, phương tiện, đi tàu, đi taxi hay đi bộ. Muốn gọi xe, đã có Grab, Uber...
Muốn hỏi chuyện người địa phương không biết Tiếng Anh, có luôn Google dịch. Rồi ứng dụng tìm chỗ ăn ngon, dự báo thời tiết, quy đổi tiền theo tỷ giá... Thậm chí có cả các ứng dụng hướng dẫn bạn "act like a local, look like a local" (trông như người địa phương, cư xử như người địa phương).
Phan Ngọc Dung (26 tuổi, Hà Nội) đã đi du lịch một mình qua 6 nước châu Á như Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Philippines, có nơi quay lại nhiều lần.

Nhờ có công nghệ, Phan Ngọc Dung đã tự tin thực hiện nhiều chuyến đi một mình tới các nước châu Á khác nhau.

Từ chuyến đi đầu tiên cách đây 5 năm còn lo sợ đến mức khóc trên máy bay, bây giờ cô đã hoàn toàn tự tin với chuyến đi Nhật mùa thu này: "Công nghệ giúp mình mạnh dạn hơn trong việc mở cửa khám phá thế giới, chưa bao giờ mình nghĩ sẽ đi được xa đến vậy. Nếu biết tận dụng được tối đa lợi ích của Internet và các ứng dụng du lịch, chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị hay đi lại, nhất là tiết kiệm tối đa chi phí, để dành tận hưởng các trải nghiệm đáng nhớ".
Trung bình mỗi chuyến đi Đông Nam Á từ 4-5 ngày, nơi vật giá không quá chênh lệch nhau, Dung chỉ tốn khoảng 5-7 triệu đồng. Còn với hành trình Nhật Bản 7 ngày, cô dự tính chỉ 13 triệu, so với giá từ 21-30 triệu của các tour du lịch.

Công nghệ ảo, trải nghiệm thật

Hoàng Quỳnh (26 tuổi, Quảng Ninh), cô gái đã xách ba lo 14 ngày dọc ngang nước Đức chia sẻ, chính những phép màu của thời 4.0 đã giúp cô hiện thực hóa ước mơ đặt chân đến đất nước của lễ hội bia.

Những người bạn đã giúp Hoàng Quỳnh thực hiện ước mơ lớn trong đời: tới nước Đức và xem CLB Dortmund thi đấu.

Mạng xã hội Facebook giúp Quỳnh kết nối với những người bạn Việt đang sinh sống ở Đức, có cùng tình yêu cuồng nhiệt dành cho CLB bóng đá Dortmund.
Không chỉ cho Quỳnh những hình dung chân thực ban đầu về Berlin, Munich, Fussen, Leipzig, Colditz... họ còn đón cô khi vừa xuống sân bay, làm hướng dẫn viên, hướng dẫn cách sử dụng các phần mềm di chuyển, mua vé tàu hay giới thiệu các món ăn đặc trưng của người Đức.
Tình cảm, sự giúp đỡ nhiệt tình của những người đồng hương khiến cô ấm lòng nơi đất khách và có một hành trình hơn cả mong đợi.
Tự do, đó chính là điều khiến cho du lịch tự túc ngày càng hấp dẫn giới trẻ. Việc tự đi, tự tìm hiểu cũng giúp cho người lữ hành có thêm nhiều hiểu biết, nhiều trải nghiệm hơn.
Internet có thể là ảo, nhưng những trải nghiệm luôn là thật. Và công nghệ càng hiện đại, người đi du lịch bụi lại càng phải tỉnh táo để chủ động lựa chọn, có các phương án dự phòng và đặt yếu tố an toàn lên trên hết, không lệ thuộc hay "cắm mặt" vào smart phone. Công nghệ chỉ có thể giúp chúng ta tạo dựng, chứ không phải dẫn dắt mọi trải nghiệm trong mỗi hành trình.
Một số mẹo công nghệ cho du lịch tự túc
Săn vé máy bay giá rẻ: Các hãng hàng không thường tung ra nhiều đợt khuyến mãi trong năm, nhiều khi chỉ 0 đồng. Bạn nên theo dõi đường bay mình định đi từ sớm, ít nhất trước vài ba tháng, đăng ký nhận tin qua mail, theo dõi fanpage để biết thông tin sớm, sử dụng một số website như Baynhe, Skyscanner, Traveloka để so sánh giá.
Chỗ nghỉ: Chọn ở dorm, homestay ở nhà dân hoặc ở nhờ nếu có thể. Các ứng dụng đặt phòng uy tín nhất là Agoda, Booking, Airbnb, có chính sách hủy phòng, một số nơi không cần thanh toán trước.
Tìm đường: Google Maps để lên tuyến đường, phương tiện, Maps.me có thể sử dụng offline, Waze thông tin giao thông.
Tripadvisor là công cụ hiệu quả để tìm hiểu thông tin về các điểm đến cũng như hình ảnh, phản hồi của những người đi trước.
Một số dịch vụ hỗ trợ du lịch khác như đặt vé tàu xe, vé điểm đến bằng Klook, KKday. Tìm các địa điểm ăn uống Zomato, XE currency để quy đổi tiền tệ...
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.