An toàn đến đâu, mở cửa đến đó
Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với 13 Sở Du lịch, 12 Sở VH-TT-DL của 25 địa phương xung quanh câu chuyện “Tái khởi động du lịch”.
Nhiều tỉnh thành chuẩn bị mở cửa ngành du lịch |
NGUYỄN CHUNG |
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015 - 2019. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch giảm khoảng 58,7%. Lũy kế 9 tháng qua, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Các doanh nghiệp (DN) lữ hành gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, lao động rời bỏ ngành.
“Theo chủ trương chung sống với dịch bệnh, cùng với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, du lịch cũng cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Sau một thời gian dài bị đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng DN nhằm từng bước vượt qua khó khăn”, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết ngày 7.9, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Kế hoạch số 3228 về việc triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Theo đó, trong tháng 10, các địa phương tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Đồng thời, chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro...; xác định điểm đến an toàn, kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông.
“Yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tái khởi động ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Đây cũng là tiêu chí được đưa vào trong tất cả các hoạt động du lịch với phương châm an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn. Lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa đến du lịch quốc tế”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lưu ý.
Covid-19 sáng 7.10: Cả nước 822.687 ca nhiễm, 757.086 ca khỏi | Dòng người về quê đã “hạ nhiệt |
Sẵn sàng nhưng vẫn phải chờ hướng dẫn
Thực tế, cùng với những kết quả kiểm soát dịch bệnh khả quan, nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch trở lại.
Đơn cử, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định mở lại các hoạt động dịch vụ, điểm du lịch, thắng cảnh, thể thao ngoài trời kể từ ngày 13.9, đi cùng với những biện pháp giãn cách đảm bảo an toàn chống dịch. Từ 1.10, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế cũng đã cho phép DN đón khách du lịch đã tiêm vắc xin tham gia các tour khép kín.
Cùng nằm trong danh sách những địa phương tiên phong trong tái khởi động du lịch nội tỉnh, từ 21.9, tỉnh Quảng Ninh đã mở cửa trở lại một số điểm đến đón khách tham quan như vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử… và đã có lộ trình phục hồi, thu hút khách ngoại tỉnh. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết từ cuối năm 2020, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế miễn phí vé tham quan các điểm du lịch như vịnh Hạ Long, Yên Tử… Tỉnh cũng đã xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn cho tất cả các DN tham gia vào tái khởi động du lịch. Tính đến 30.9, 90% người dân Quảng Ninh đã tiêm vắc xin mũi 1. Các địa bàn trọng điểm như Hạ Long, Yên Tử đã có khách trở lại. Mục tiêu của Quảng Ninh là từ 1.11 sẽ mở cửa du lịch ngoại tỉnh.
“Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh mong muốn việc kết nối du lịch các tỉnh với nhau phải thống nhất quy trình đi lại, công bố các điểm an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đồng thời, chúng tôi kiến nghị Bộ VH-TT-DL chỉ đạo hướng dẫn cách triển khai quy trình đón khách phù hợp, đồng bộ, đặc biệt là những nơi đã là “vùng xanh” an toàn”, ông Thủy đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin dự kiến ngày 20.10 tới đây tỉnh sẽ họp báo công bố sàn thương mại điện tử du lịch, đồng thời có kế hoạch tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến trong tháng 11 và tháng 12 nhằm phục vụ khách du lịch trong dịp cuối năm. Bên cạnh đó, bà Hiền đề xuất cần tiến tới xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về “thẻ xanh” (dành cho người đã tiêm đủ liều vắc xin) và “thẻ vàng” (dành cho người tiêm 1 mũi vắc xin). Đồng thời cần có quy định về hộ chiếu vắc xin để áp dụng đón du khách quốc tế.
Trên cơ sở các ý kiến đề xuất của các địa phương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt đề nghị Tổng cục Du lịch rà soát, cập nhật, bổ sung các tiêu chí an toàn phòng chống Covid-19 trong lĩnh vực du lịch và tiêu chí đón khách du lịch nội địa. Đồng thời, ngành du lịch các địa phương căn cứ Kế hoạch 3228 của Bộ tiếp tục chủ động tham mưu UBND tỉnh, tỉnh ủy các nhiệm vụ cụ thể về phát triển du lịch trên địa bàn.
Dự kiến mở cửa hoàn toàn với khách quốc tế từ tháng 6.2022
Về đón khách quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc từ tháng 11.2021 - 3.2022. Trong đó, đối tượng sẽ là khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và năng lực tiêm phủ vắc xin tốt như: Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Úc…; khách nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến; khách đáp ứng yêu cầu liên quan về việc tiêm vắc xin, xét nghiệm SARS-CoV-2, có đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn.
Trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm tại Phú Quốc, từ tháng 12.2021 - 6.2022 sẽ nhân rộng mô hình mở cửa đón khách quốc tế tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng). Sau đó sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6.2022.
(Theo Chinhphu.vn)
Bình luận (0)