Trước hết phải nói rằng bài viết này không nhằm bao biện - thanh minh hay định hướng dư luận cho vụ việc rất đáng tiếc đang xảy ra với 2 người Việt Nam đang gặp phải ở châu Âu gây xôn xao dư luận từ hôm qua. Việc chứng minh họ có tội hay không, hãy để cơ quan điều tra tiến hành và tòa án nước sở tại kết luận; và với nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocence) - nền tảng của pháp lý hiện đại, họ vẫn đang vô tội cho tới khi tiếng búa của toà án vang lên. Tất cả hiện chỉ đang là cáo buộc.
Majorca (Tây Ban Nha) là hòn đảo thu hút rất đông du khách |
shutterstock |
Mình viết bài này với tư cách một người từng sống lăn lộn nhiều năm ở châu Âu và một người tổ chức du lịch chuyên nghiệp để chia sẻ một góc khuất khác của cuộc sống Phương Tây mà có thể nhiều người chưa biết, và nếu không biết thì rất có thể “bầu trời sẽ sụp đổ” ngay khi bạn đang tận hưởng những phút giây sung sướng của cuộc đời - nhất là các quý ông.
Quảng trường ở Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha luôn thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương |
T.T |
Du khách ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha |
T.T |
Như một lẽ tự nhiên, con người thường có xu hướng buông thả và phóng túng một chút ở cái xứ… không ai biết mình là ai. Những người nổi tiếng, những người thành đạt… có lẽ hiểu rõ xu hướng này. Những việc mà những người tỉnh táo, khôn ngoan còn lâu mới làm khi ở trong nước thì lại dễ dàng phạm phải khi ra nước ngoài, đơn giản là vì “ở đây đâu ai biết mình là ai”. Và cái suy nghĩ đó là mầm mống của những tai hoạ sắp xảy đến.
Ở những thành phố nghỉ dưỡng - tiệc tùng thông đêm suốt sáng như Majorca (Tây Ban Nha) hay vô số các điểm đến khác luôn luôn tiềm ẩn những mối nguy trên trời rơi xuống giữa sự chếnh choáng của men say và tiếng nhạc xập xình.
Có tiền để đi du lịch đã khó nhưng để đi du lịch an toàn còn cần sự hiểu biết và sự tỉnh táo cần thiết trong mọi tình huống |
shutterstock |
Dù bạn chẳng có “ý định” gì ngoài việc ngồi ở bar và làm vài ly, tận hưởng không khí sôi động thì sẽ luôn sẽ có những cô gái tóc vàng tóc nâu xinh tươi trẻ trung… tươi cười tiếp cận trò chuyện, mời uống, nhất là khi bạn đi một mình hay đàn ông đi với nhau. Đối phương có khi đi theo một nhóm bạn như thể một nhóm nữ sinh con nhà lành đi xả stress sau một kỳ thi căng thẳng. Thường thì du khách nước ngoài, người Á Đông - các quý ông toát ra vẻ chịu chơi, giàu có hay là "con mồi" được nhắm tới. Và sau vài ly đưa đẩy - cởi mở, khi sự phòng vệ dè chừng của bạn xuống thấp nhất sẽ là khi bạn dính đòn chí mạng. “Ở đây ồn quá, chúng ta có thể đi chỗ khác yên tĩnh hơn được không?”. Và nếu bạn dính mồi và tưởng rằng đây là một kèo one-night-stand (tình một đêm) trời gửi tặng, thì sắp tới sẽ là sự yên tĩnh đáng sợ của nhà tù. Đời chưa bao giờ giống như trên phim Hollywood!
Về phòng khách sạn hay thậm chí về căn hộ của nàng, sau khi mưa gió vần vũ xong, nàng sẽ “xin” tiền bạn và đó là con số đủ khiến bạn ngã ngửa - chính xác là tống tiền; chuyển khoản, tiền mặt hay thậm chí ép viết giấy nhận nợ. Nếu bạn từ chối, ngay lập tức… "bầu trời sẽ sụp đổ”, hoặc là một cuộc gọi báo cảnh sát tố cáo hiếp dâm hoặc tệ hơn là nàng móc ra một cái ID “em chưa 18” và có lẽ chỉ 1 phút 30 giây là cảnh sát có mặt đón bạn đến ga đen tối của cuộc đời.
Dạo bước ở TP cổ Toledo |
T.T |
Thủ đoạn này không hề mới, và những băng nhóm dàn cảnh hoạt động có tổ chức kiểu này hoành hành khắp các tụ điểm du lịch trên thế giới; đâu cũng có thể bắt gặp, di chuyển từ nước này qua nước kia hành nghề cũng có nhưng ít có ai buộc tội được chúng và dám tố cáo. Tố cáo sao được khi người sai là bạn, phần lớn là cay đắng chấp nhận. Năm nào cứ đến mùa du lịch thì những câu chuyện như này cũng xảy ra, đầy rẫy cảnh báo trên các diễn đàn du lịch và cũng nhiều quý ông phải trả giá, hoặc tiền bạc hoặc lao lý.
Châu Âu và phương Tây có văn minh không? Có, điều đó ít ai phủ nhận. Và không ít người Việt đã bị shock nặng khi trực tiếp trải nghiệm cái mà mình hay gọi vui là “tác dụng phụ” (side effect) của nền văn minh. Đó là khi những việc ở quê nhà bạn thấy là hết sức bình thường và vô hại, thì ở phương Tây có thể là mầm mống đưa bạn đến rắc rối lớn.
"Vui thôi, đừng vui quá" khi đi du lịch để tránh những rắc rối có thể khiến "bầu trời sụp đổ" |
shutterstock |
Không tin bạn cứ thử qua một siêu thị châu Âu và nhìn chằm chằm vào một đứa bé đang ngồi trong xe nôi đơn giản vì nó dễ thương quá, bố mẹ em bé rất có thể sẽ gọi cảnh sát đến ngay, hốt bạn đi giải trình vì cái sự nhìn hơi lâu đó. Hay như mình đã từng chứng kiến cuộc cãi vã của vợ chồng một anh bạn ở Anh. Ông chồng đứng cách xa cả 5m và mắng vợ “Cô có thôi đi không tôi tát cho một cái bây giờ”. Nóng giận nói thế thôi, còn lâu mới dám hành động; thế mà cảnh sát cũng đến tận nhà đón đi nuôi cơm cả tuần mới trả về sau khi nộp một đống tiền bảo lãnh và cam kết đủ điều.
Những cáo buộc tấn công phụ nữ, bạo hành đã đủ làm cho bạn mệt mỏi với hệ thống pháp luật và "ốm" với tiền luật sư - bảo lãnh tại ngoại rồi, chứ đừng nói đến hiếp dâm - tội trạng đủ khiến cho “bầu trời sụp đổ”.
Nghề chơi cũng lắm công phu, có tiền để đi du lịch đã khó nhưng để đi du lịch an toàn còn cần sự hiểu biết và sự tỉnh táo cần thiết trong mọi tình huống. Cách tốt nhất để người ta không biết, đó là mình đừng làm, tránh xa những mầm mống tội lỗi và vui thôi, đừng vui quá mà đẩy bản thân vào những hoàn cảnh trớ trêu, không ai bảo vệ được.
Mong mọi người sẽ có những chuyến đi vui vẻ và bình an trong lành mạnh và hiểu biết để bầu trời mãi xanh trong chứ đừng sụp đổ như câu chuyện buồn hôm qua.
Hai nghệ sĩ Việt Nam ngồi tù bao lâu nếu bị toà án Tây Ban Nha kết tội? |
Bình luận (0)