Du lịch, thời trang cùng chống biến đổi khí hậu

16/12/2018 12:29 GMT+7

Nhiều ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn trên thế giới quyết tâm cùng chung tay đối phó biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị lần thứ 24 của các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP24) tại Ba Lan, Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch trong công tác phòng chống biến đổi khí hậu, nhất là tại các quốc gia chú trọng phát triển du lịch. Đây cũng là lần đầu tiên ngành du lịch tham gia kể từ khi hội nghị được tổ chức lần đầu tại Đức vào năm 1995.
Theo Chủ tịch WTTC Gloria Guevara, tổ chức đại diện cho các công ty du lịch và lữ hành tư nhân toàn cầu này vào tháng 4 đã công bố thỏa thuận về lịch trình chung nhằm tiến tới giảm phát thải khí nhà kính. Thỏa thuận mở đường giúp ngành du lịch và lữ hành hành động hiệu quả hơn nhằm đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Thống kê của WTTC cho thấy du lịch và lữ hành đóng góp 10,4% GDP toàn cầu. Đáng chú ý, cứ 10 người thì có 1 người làm việc trong lĩnh vực này, cao hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác như công nghiệp ô tô, sản xuất hóa chất, ngân hàng hay tài chính. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với LHQ nhằm kêu gọi hành động phòng chống biến đổi khí hậu và sẵn sàng góp phần vì tương lai chung”, bà Guevara nhấn mạnh.
[VIDEO] Nước biển dâng 'liếm' mất dần một hòn đảo Ấn Độ
Bên cạnh hành động của du khách, WTTC cũng sẽ kêu gọi xây dựng các điểm đến thân thiện với môi trường và chống biến đổi khí hậu, nâng cao trách nhiệm của xã hội, phòng chống buôn lậu gỗ và động vật hoang dã. Theo bà Patricia Espinosa, thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, việc ngành du lịch và lữ hành tìm cách phát triển sáng tạo, bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính là câu chuyện sống còn. “Ở một cấp độ khác, đây còn là vấn đề nắm bắt cơ hội, chuyển đổi và tham gia vào xu hướng kinh tế toàn cầu theo hướng tăng trưởng bền vững nhờ năng lượng tái tạo”, bà Espinosa khẳng định.
Cũng tại hội nghị, ngành thời trang thông qua thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu với cam kết từ đại diện 43 thương hiệu hàng đầu thế giới như Adidas, Guess, H&M, Levi Strauss&Co, Puma cùng nhiều hiệp hội thời trang, dệt may, hậu cần. Theo đó, các bên cam kết hành động nhằm giảm thiểu tác động gây biến đổi khí hậu trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Bản thỏa thuận mời gọi các thành viên mới cùng tham gia, đồng thời đặt mục tiêu ban đầu là giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Bên cạnh đó, các thành viên cũng sẽ giảm dần các lò hơi hoạt động bằng than cũng như các hoạt động khác có sử dụng than từ năm 2025. Theo bà Espinosa, ngành thời trang luôn luôn “đi trước 2 bước” trong quá trình định hình một lĩnh vực văn hóa trên thế giới và cũng nên dẫn đầu trong công tác phòng chống biến đổi khí hậu. “Ngành công nghiệp của chúng ta vươn khắp thế giới và chỉ có cùng nhau hành động thì chúng ta mới có thể tạo ra thay đổi đang rất cấp thiết”, Tổng giám đốc Tập đoàn H&M Karl-Johan Persson, nói.
[VIDEO] Yêu thời trang và môi trường? Đã có đồng hồ làm từ rác thải nhựa
Hội nghị lần này cũng lần đầu tiên chứng kiến lĩnh vực thể thao đưa ra Thỏa thuận khung cho hành động chống biến đổi khí hậu nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi các tổ chức, câu lạc bộ, vận động viên và người hâm mộ cùng tham gia. Các bên ký kết gồm FIFA, UEFA, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Liên đoàn Thuyền buồm quốc tế cùng nhiều tổ chức khác. Thỏa thuận có 2 mục tiêu chính là tạo động lực cho cộng đồng thể thao thế giới chống biến đổi khí hậu và nhờ tính hợp nhất, kết nối của lĩnh vực này để nâng cao nhận thức toàn cầu. “Cùng với sức lan truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, thể thao là một lĩnh vực độc đáo khi thúc đẩy hành động ứng phó biến đổi khí hậu và kêu gọi mọi người cùng tham gia”, theo thân vương Albert II của Monaco, Chủ tịch Ủy ban Bền vững và Di sản IOC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.