Hàng không, lữ hành, điểm đến vào cuộc
Chưa bao giờ vấn đề liên kết giữa hàng không và du lịch trở nên cấp thiết như giai đoạn vừa qua. "Cơn khủng hoảng" giá vé máy bay đã biến những mùa cao điểm du lịch trở nên ảm đạm vì lượng khách nội địa giảm sâu; biến không ít thủ phủ du lịch luôn đứng đầu top điểm đến được săn đón trở thành điểm đến bị lạnh nhạt. Du khách kêu trời vì giá vé máy bay, địa phương thì như "ngồi trên đống lửa" lo mất khách, các hãng hàng không cũng khốn khổ vì càng bay càng lỗ mà vẫn không có cách nào kéo giá vé máy bay hạ nhiệt.
Đúng lúc ngành du lịch đang thấp thỏm lo mùa cao điểm hè tiếp tục "ế" khách thì Sở Du lịch TP.HCM đã cùng Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) và các doanh nghiệp (DN) lữ hành, cơ sở lưu trú thực hiện chương trình khuyến mãi hấp dẫn chưa từng có: Khách du lịch bay đêm đến TP.HCM được giảm giá hoặc miễn phí 1 đêm tiền phòng khách sạn. Ngay khi Sở Du lịch TP.HCM kêu gọi, đã có 16 cơ sở lưu trú đăng ký tham gia kế hoạch, với mức giảm từ 20 - 100% giá phòng.
Gói sản phẩm trên được lãnh đạo Cục Hàng không VN nhận định là "đi đầu" và "cách mạng", bởi chưa bao giờ sự liên kết giữa hàng không và du lịch được hiện thực hóa bằng một sản phẩm thực chất đến như vậy. Trong bối cảnh giá vé máy bay biến động mạnh, 1 combo du lịch và lưu trú siêu hấp dẫn đã tạo nên cú kích cầu cực mạnh. Thống kê sơ bộ của Sở Du lịch, lượng khách đến TP.HCM và thời gian lưu trú cũng như mức chi tiêu của du khách đang không ngừng tăng lên.
"Thừa thắng xông lên", Vietnam Airlines tiếp tục mở rộng sản phẩm này tới 6 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Thuận, Đà Lạt (Lâm Đồng) và Phú Quốc (Kiên Giang). Các chuyến bay đêm với mức giá thấp hơn 30% so với khung giờ ngày đã hỗ trợ khách hàng, DN du lịch tìm kiếm và xây dựng những chương trình tour phù hợp ngay trong đợt cao điểm hè, giúp thúc đẩy lượng khách nội địa cao điểm hè tăng trưởng 10% so với 2019.
Trong khi hàng không tìm cách kết nối với du lịch để giảm giá dịch vụ thì các địa phương cũng đang nỗ lực liên kết nhằm xây dựng những bộ sản phẩm hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Mới nhất, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group, trực thuộc UBND TP.HCM) và UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024 - 2029. Trước đó, Saigontourist Group cũng đã phối hợp, hỗ trợ tỉnh Tây Ninh trong công tác tổ chức hội nghị đầu tư, quảng bá tiếp thị…
Tuy nhiên, sự hợp tác mới chỉ dừng ở bước sơ khai. Bằng việc ký kết bản hợp tác lần này, hai bên đã đạt được những thỏa thuận toàn diện và đề ra trách nhiệm cụ thể của mỗi bên trong công tác từ quy hoạch, đầu tư xây dựng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến… tới đào tạo nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định: "Sự hợp tác giữa TP.HCM và tỉnh Tây Ninh trong lĩnh vực du lịch được xác định là một trong những hướng đi quan trọng, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch 2 địa phương phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững".
Trước đó, Tập đoàn Vietravel và UBND tỉnh Bình Định cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Hai bên xác định chính thức trở thành đối tác tin cậy, chiến lược, cùng đẩy mạnh xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; đồng thời tăng cường phối hợp tổ chức sự kiện, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Bình Định. Vietravel cũng là đơn vị đồng hành cùng Giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế Grand Prix Of Binh Dinh 2024 - sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện thu hút khách du lịch "hot" nhất Bình Định từ đầu năm đến nay.
Vẫn cần "nhạc trưởng" cầm trịch
Dù đã có những khởi động đáng mừng nhưng so với "siêu tour" mà người Thái Lan tạo ra nhờ sự kết nối chặt chẽ trong hệ sinh thái du lịch của mình suốt mấy thập niên qua, thì kết quả của chúng ta vẫn còn rất khiêm tốn.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và phát triển của Vietnam Airlines, lý giải: Trong nhiều năm qua, với vai trò là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines đã hợp tác với Cục Du lịch quốc gia, các đại sứ quán tại các nước và các công ty du lịch, tổ chức các chương trình quảng bá điểm đến VN tại các thị trường nước ngoài. Mới đây nhất, việc ra mắt sản phẩm bay đêm cũng được các địa phương, DN du lịch, khách sạn… hưởng ứng nhiệt tình và được du khách lựa chọn.
"Tuy nhiên, về cơ bản đây vẫn chỉ là các chương trình mang tính tự phát, chưa được triển khai theo một kế hoạch tổng thể của quốc gia. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn có một chương trình tổng thể về phát triển du lịch bền vững, được dẫn dắt bởi cơ quan quản lý nhà nước để các thành phần trong ngành du lịch có thể quy tụ và cùng hoạt động trong một khuôn khổ thông điệp chung. Cần một chiến lược hợp tác tổng thể hàng không - du lịch dài hạn và chi tiết. Để làm được những điều này, Chính phủ nên thành lập một cơ quan chuyên trách hoặc bổ sung nhiệm vụ điều phối liên kết giữa hàng không - du lịch cho Cục Du lịch quốc gia. Điều này sẽ giúp cho hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết giữa hàng không - du lịch trở nên tích cực và hiệu quả hơn", đại diện Vietnam Airlines nhìn nhận.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cũng thừa nhận việc liên kết giữa DN hàng không và du lịch đã được thảo luận nhiều nhưng vẫn gặp khó khăn khi triển khai trong thực tế. Chuỗi liên kết này có thể trở nên hiệu quả hơn nếu mỗi DN chịu ngồi lại, bàn bạc về việc tăng cường hợp tác chiến lược, tạo nên sự liên kết chặt chẽ. Các DN hàng không và du lịch cần ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn, thay vì chỉ dựa vào các chương trình khuyến mãi ngắn hạn. Những thỏa thuận này cần rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên, đồng thời xây dựng các mục tiêu cụ thể và khả thi.
Bà Vân Khanh cũng đồng quan điểm rằng muốn liên kết thì phải có "nhạc trưởng", vì du lịch là kinh tế tổng hợp, cấu thành của rất nhiều ngành kinh tế hạ tầng, nên muốn liên kết phải dựa vào thượng tầng. Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết này thông qua các chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, cung cấp các gói tài trợ cho DN tham gia liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các DN trong ngành.
Ông Nguyễn Quang Trung:
Hiện tại, việc hợp tác giữa hàng không và du lịch chủ yếu là do Cục Du lịch quốc gia, các hãng hàng không, các địa phương, công ty du lịch tự bắt tay nhau. Tuy nhiên việc hợp tác này còn hạn chế, ở quy mô nhỏ và đa phần mang tính sự vụ. Chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô quốc gia để thực hiện việc điều phối việc hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong 2 ngành. Công tác xúc tiến du lịch tại các thị trường trong và ngoài nước cũng chưa hiệu quả do quy mô nhỏ, chưa có chiến lược, mục tiêu cụ thể, dài hạn.
Bình luận (0)