Visa mở, nhưng chưa đủ thoáng
Báo cáo Thủ tướng về một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo ra đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch, giải pháp hàng đầu được Bộ VH-TT-DL đề xuất là tiếp tục mở chính sách visa. Theo thống kê, du lịch VN trong 10 tháng qua có khởi sắc hơn. Đến hết tháng 10, tổng lượng khách quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách mà ngành du lịch đề ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm trước dịch - năm 2019, con số này mới chỉ bằng 69%.
Nhìn nhận nguyên nhân khách quốc tế đến VN chưa đạt kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết một số thị trường trọng điểm truyền thống dù đã mở cửa từng bước, nhưng vẫn chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch. Trong khi đó, việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đột chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến VN.
Để tranh thủ tốt các thời cơ, khắc phục các khó khăn, Bộ VH-TT-DL đề xuất nghiên cứu miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch. Đồng thời, mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn VN, chi tiêu du lịch lớn như Úc, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong EU... Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế; thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.
Song song, tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình xin cấp thị thực điện tử, đảm bảo giao diện trang web đơn giản, dễ thao tác, thông báo cụ thể về thời gian trả kết quả thị thực.
Đồng tình với giải pháp của Bộ, Sở Du lịch TP.HCM nhận định nút thắt visa là một trong những yếu tố cần giải quyết để tăng trưởng du lịch TP nói riêng cũng như cả nước nói chung. Hiện nay, visa của VN đã mở khi triển khai visa điện tử ở tất cả thị trường, nhưng thực tế các hồ sơ, thủ tục liên quan duyệt visa vẫn còn chậm và chưa thật sự thông thoáng, gây mất khá nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục.
Ngoài ra, so với các nước trong khu vực, các quốc gia được VN miễn thị thực là còn quá thấp. "Điều này dẫn đến việc lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường mới có tiềm năng vẫn mất chi phí cao, tốn nhiều thời gian để được duyệt nên dần dần chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với VN trong lĩnh vực du lịch như Thái Lan, Singapore", lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM nhận định và kiến nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp thị thực theo đoàn của các DN lữ hành (theo hình thức trực tiếp) để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN lữ hành đón các đoàn khách du lịch quốc tế lớn đến VN.
Lại lo chậm chân trong cuộc đua giành khách
Ngày 4.11, phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) lần thứ 23 diễn ra tại thủ đô Kigali của Rwanda, Giám đốc điều hành WTTC Julia Simpson dự báo trong năm nay, ngành công nghiệp không khói của thế giới sẽ quay trở lại mức của năm 2019, thậm chí một số khu vực đã vượt doanh thu của năm 2019.
Đáng chú ý, bà Julia Simpson đề xuất các chính phủ nên nỗ lực giảm bớt các hạn chế về thị thực và đẩy nhanh quá trình xin thị thực nhằm hỗ trợ hơn nữa cho du lịch quốc tế. Bởi theo tính toán, sự thuận lợi của việc cấp thị thực nhập cảnh có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 - 25% mỗi năm. Đó cũng là lý do khi trở lại đường đua du lịch sau đại dịch Covid-19, để tạo lợi thế cạnh tranh, hàng loạt điểm đến đã chủ động tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực.
Hai tuần sau thông tin từ WTTC, ông Prommin Lertsuridej, trợ lý của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, phát biểu trên tờ Bangkok Post ngày 19.11 rằng lãnh đạo nước này đang thực hiện "những bước đi táo bạo nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia" qua kế hoạch miễn thị thực thêm cho một số nước châu Âu.
Theo đó, chính phủ Thái Lan đang thảo luận cho phép khách mang quốc tịch một số nước châu Âu ở lại 90 ngày, tăng gấp 3 lần thời gian so với hiện tại. Dự kiến trong giai đoạn đầu tiên, một số quốc gia được hưởng chính sách này gồm Anh, Đức và các nước ở vùng Scandinavi. Trước đó, Thái Lan cũng triển khai miễn visa tạm thời cho khách Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Ấn Độ, Đài Loan trong mùa cao điểm du lịch cuối năm, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không giảm thời gian chờ đợi của du khách tại sân bay.
Từ khi nhậm chức vào tháng 8, Thủ tướng Thavisin đã xác định du lịch là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước và đặt ra mục tiêu thu về 57 tỉ USD từ du lịch vào năm 2024.
Ngay sau những tuyên bố của chính phủ Thái Lan, ông Song Shiyou, lãnh đạo bộ phận chính sách và công tác thị thực - Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng cho biết nước này đã nối lại chính sách miễn thị thực đơn phương và đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho người nộp đơn. "Người có nhu cầu đến Trung Quốc có thể tới bất kỳ cơ quan nào trong số 260 văn phòng cấp thị thực ở nước ngoài trên toàn thế giới để làm thủ tục ngay lập tức", ông Song Shiyou phát biểu tại Chợ du lịch quốc tế 2023 được tổ chức tại Côn Minh (tỉnh Vân Nam) ngày 20.11. Ngoài ra, các cảng quốc tế ở Trung Quốc đều đang thực hiện chính sách quá cảnh miễn thị thực 24 giờ cho người dân từ tất cả các quốc gia. Đồng thời, đã mở rộng chính sách quá cảnh miễn thị thực cho Na Uy, nâng tổng số quốc gia và khu vực áp dụng chính sách này lên 54.
Từ tháng 9, chính phủ Trung Quốc đã phát hành một báo cáo đề cập đến các vấn đề đang cản trở thu hút du khách quốc tế, trong đó nhận diện một trong những giải pháp hàng đầu là đơn giản hóa thủ tục cấp visa và tăng các ưu đãi về miễn thị thực.
Cũng trong khu vực, Indonesia, Malaysia, Singapore, Campuchia đều đã tung chính sách "thị thực vàng" có giá trị từ 5 - 20 năm nhằm thu hút khách nhà giàu trên thế giới đến ở lâu và chi tiêu nhiều.
Cập nhật liên tục chính sách mới từ các nước, lãnh đạo một tập đoàn phát triển du lịch lớn hàng đầu VN không khỏi lo lắng: "Các nước đã thay đổi rất nhanh. Với chính sách thị thực cởi mở, thông thoáng cùng với nhiều chiến dịch thu hút khách quốc tế. Dù đã mở danh sách các quốc gia được cấp thị thực điện tử, tăng thời gian lưu trú cho du khách nhưng nếu so với các đối thủ, chính sách visa của VN vẫn đang bất lợi về cả số quốc gia miễn visa, cấp visa điện tử, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Nếu không điều chỉnh kịp thời, phù hợp, linh hoạt, rất có thể du lịch VN sẽ tiếp tục tụt lại phía sau".
Muốn cạnh tranh, phải có chính sách vượt lên
Thực tế, VN đã có bài học kinh nghiệm khi chính sách miễn visa đơn phương cho 7 nước, trong đó có 3 thị trường quan trọng là Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2004, nhóm khách này vào VN chỉ đạt 529.000 lượt, đến năm 2014 - năm ban hành chính sách miễn visa đơn phương - lượng khách đã tăng "khủng" 352% - đạt hơn 1,8 triệu lượt, tăng gấp rưỡi so với bình quân tổng lượng khách của cả nước thời điểm đó (tăng 269%). Từ đó đến nay, cả 3 nước này đã liên tục nằm trong nhóm những thị trường gửi khách hàng đầu đến VN, đặc biệt là Hàn Quốc.
Tương tự, chỉ 9 tháng sau khi VN chính thức có quyết định miễn visa cho 5 nước Tây Âu gồm Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Pháp, lượng du khách từ các quốc gia này đến VN du lịch đã tăng mạnh 20% và mức tăng luôn ổn định qua từng quý, từng năm.
Theo số liệu từ Bộ Công an mới đây, từ khi luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực ngày 15.8, đã có khoảng 5,6 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào VN, tăng 1,8 lần so với năm 2022. Riêng đối với diện đơn phương miễn thị thực, từ khi thực hiện các chính sách thị thực mới, có hơn 1,25 triệu lượt khách tính đến tối 14.11 nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, so với năm ngoái cao hơn 1,6 lần. Trong đó, cao nhất là Hàn Quốc (886.671 lượt), Nhật Bản (151.529 lượt), sau đó là Vương quốc Anh, Pháp, Nga.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng sau khi Bộ Công an mở chính sách thị thực thông thoáng hơn, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch đã ghi nhận sự tích cực. Song, visa du lịch, hộ chiếu du lịch của chúng ta còn chậm. Chúng ta cần tính đến tinh thần cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh bình thường mà phải là cạnh tranh vượt lên.
"Phát triển du lịch phải có tầm nhìn xa, phải đặt mục tiêu cao, mang tính thách thức để biến thách thức thành cơ hội. Hiện nay, thế mở của đất nước đang rất tốt, chúng ta phải làm sao cho du lịch tương xứng với tầm đấy thì cách tiếp cận về mặt chiến lược mới toàn diện được. Từ chính sách, vấn đề thủ tục phải tiếp cận từ hướng đó, cần đi trước một bước, làm sao mở ra tiếp để cho ngành du lịch chớp thời cơ", PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Nên miễn visa những thị trường nào ?
Tập đoàn SunGroup đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn VN, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như: Úc, Canada, Mỹ, các nước còn lại thuộc EU, một số nước khu vực Trung Đông như UAE, Ả Rập Xê Út, Kuwait…
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực du lịch cho 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Còn Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) kiến nghị bổ sung thêm 33 quốc gia được miễn thị thực đơn phương gồm: 20 nước còn lại thuộc EU; Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Ả Rập Xê Út, Kuwait, và UAE. Đặc biệt, TAB kiến nghị Chính phủ cân nhắc xem xét 4 quốc gia và vùng lãnh thổ là những thị trường du lịch có tiềm năng phát triển mạnh, gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ; miễn thị thực đơn phương 30 ngày, cho khách tham gia một số loại hình du lịch đặc biệt như du lịch golf, du lịch bằng chuyên cơ... hoặc các sự kiện đặc biệt như tham dự giải đấu thể thao, diễn đàn, hội chợ du lịch cấp quốc gia.
Cần thêm dịch vụ cấp visa nhanh
Chúng ta đang tiếp cận khách cao cấp, khách đi lẻ, do xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến, đóng góp rất lớn cho doanh thu của ngành du lịch. Sự linh hoạt trong việc cấp visa cũng cần phải thay đổi theo hướng đáp ứng nhanh yêu cầu của khách ngoại quốc. Chúng ta cần bố trí nhân lực, quan tâm hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cấp nhanh, trong ngày của du khách.
Đồng thời, VN cần có chính sách mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa, duyệt nhanh visa và có những ưu tiên để khách xin visa dễ dàng thông thoáng, có cơ chế xin visa ở nhiều chi nhánh khác như đầu Hà Nội, Đà Nẵng chứ không chỉ tập trung ở TP.HCM. Thậm chí cần có thêm các dịch vụ lấy visa nhanh trong ngày.
Ông Võ Việt Hòa (Giám đốc Inbound - Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist)
Bình luận (0)