Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 15 năm 2019, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với trường Đại học Hoa Sen tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 (Vietnam Tourism Human Resources Forum) với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế trọng điểm”.
Ngành du lịch "khát" nhân lực
Có bài tham luận đầu tiên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết trên thực tế, ngành du lịch đang rất “khát” nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước (chiếm khoản 2,5% tổng lao động cả nước) chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoản 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.
tin liên quan
Tăng cường đưa khách Thái Lan tới Việt NamTheo ông Vũ, mỗi năm TP.HCM đón hàng triệu lượt khách quốc tế, đặc biệt tăng trưởng mạnh trong ba năm trở lại đây. Tuy nhiên, có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch không đạt chuẩn ngoại ngữ, nhất là Nhật, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga còn rất hạn chế. Trong khi thị trường du khách quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau tăng đều qua các năm thì số lượng hướng dẫn viên quốc tế đa dạng ngoại ngữ lại tăng không tương xứng.
Không chỉ thiếu về số lượng, nguồn nhân lực trong ngành du lịch của TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung còn rất yếu về chuyên môn, năng lực. Cụ thể, nguồn nhân công phổ thông chưa qua đào tạo rất phong phú nhưng tìm kiếm lao động được đào tạo bài bản, đúng ngành nghề, có chất lượng là vấn đề khó khăn. Nguồn nhân lực chất lượng cao đối với những vị trí công việc chuyên gia và quản lý chuyên nghiệp thiếu trầm trọng.
"Điều này dẫn đến cơ cấu lao động chưa hợp lý, thiếu lao động quản trị, giám sát viên có chuyên môn sâu, cao theo từng yêu cầu của từng bộ phận dịch vụ để cung cấp cho các khu du lịch, các khách sạn cao cấp, điểm tham quan. Gây mất cân bằng giữa đóng góp của lao động gián tiếp và lao động trực tiếp vào hiệu quả. Bên cạnh đó, năng suất lao động của ngành du lịch Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực cũng là một trong những thách thức lớn của ngành" ông Vũ nhận định
|
Chính sách có đủ hấp dẫn để thu hút nhân tài?
Sau khi lắng nghe 8 bài tham luận từ các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trước khi đặt vấn đề liệu ngành du lịch có đủ nguồn nhân lực du lịch chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển hay không, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần trả lời các câu hỏi ngược lại: Thứ nhất, ngành du lịch liệu đã đủ hấp dẫn, đủ chính sách đãi ngộ, ưu đãi để thu hút lực lượng lao động có kỹ năng trong nước cũng như quốc tế tham gia vào lĩnh vực du lịch hay chưa? Thứ hai, chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được kỳ vọng chiếm trên 10% GDP của nước, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Vậy chúng ta đã làm gì tương xứng với 2 chữ "mũi nhọn", làm gì để thu hút nguồn lao động có kỹ năng tham gia vào ngành du lịch, để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có? Và câu hỏi thứ ba là cần làm gì, xây dựng chiến lược thế nào để nguồn nhân lực thực sự là đột phá chiến lược đối với ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới?
Theo Thủ tướng, không chỉ đầu vào, đầu ra cũng là yếu tố rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành nhân sự. Môi trường, chính sách, cơ chế là nền tảng cơ bản để thu hút nhân lực trong mọi ngành nghề, không chỉ riêng ngành du lịch. Bên cạnh đó, cần mở rộng nội hàm nhân lực ngành du lịch. Không chỉ các nhân viên đang làm việc tại công ty du lịch, mỗi người dân, cả động đồng nơi diễn ra các hoạt động du lịch đề phải được coi là nguồn nhân lực dồi dào góp phần phát triển du lịch Việt Nam.
"Tính hiệu quả của nguồn lực du lịch gắn liền với thái độ, sự thân thiện của người dân địa phương. Chưa kể chúng ta còn sở hữu một lượng nhân lực lớn có trình độ đại học từ nhiều ngành lịch sử, văn hóa, truyền thông, đối ngoại… không chỉ góp phần lấp đầy khoảng trống nhân sự của ngành mà còn giúp đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Nguồn nhân lực của Việt Nam luôn được các nước đánh giá cao. Vấn đề là ngành du lịch cần có cơ chế tốt để thu hút họ" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tổng cục Du lịch, các Bộ, ban, ngành cùng toàn thể doanh nghiệp, những cá nhân, tổ chức đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần xây dựng chương trình đột phá ngành du lịch một cách thực chất, chi tiết, dựa trên 3 chữ "C": Con người, Cơ sở hạ tầng và Chiến lược.
"Chúng ta hân hoan với con số hơn 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 nhưng nhìn sang mới thấy, tại sao một đất nước nghìn năm Văn hiến, đất nước rừng vàng biển bạc, thân thiện, hòa bình, hiếu khách mà vẫn để thua Thái Lan, Singapore, thậm chí cả Hồng Kông? Du lịch Việt Nam mới chỉ đỗ ông nghè, chưa đủ đe hàng tổng và cần phải nhìn thẳng vào thực trạng, xác định đúng bản chất từng vấn đề để tháo gỡ từng khó khăn, phát triển đột phá ngành du lịch" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)