Đến Hội An, ghé những đình làng hơn trăm năm tuổi của người Việt

29/09/2019 14:01 GMT+7

Đây là di tích sống giúp cho các nhà nghiên cứu về làng xã Hội An từ thế kỷ 15, là đình làng của người Việt có kiến trúc hoàn chỉnh.

Làng Cẩm Phô là một trong những làng hình thành khá sớm tại Hội An. Trong Ô Châu cận lục (thế kỷ 16), tác giả Dương Văn An khi liệt kê các xã ở huyện Điện Bàn đã đề cập đến xã Cẩm Phô.
Từ thế kỷ 19 trở về trước, làng Cẩm Phô rộng lớn, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương nghiệp của Thương cảng Hội An. Trước đây, Đình làng Cẩm Phô tọa lạc ở Cẩm Nam, về sau do bị xói lở nên người dân dời về địa điểm hiện nay: 52 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Cẩm Phô (Hội An, Quảng Nam).
Theo Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đây là một đình làng của người Việt có kiến trúc hoàn chỉnh, tiêu biểu với không gian cây đa, bến nước, sân đình và bố trí mặt bằng gồm bái đình ở giữa, phương đình phía trước kết hợp với nhà đông, tây hai bên. Đình xây về hướng đông-nam, theo hình chữ đinh.
Từ ngoài đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào có tam quan lớn xây bằng gạch, trên đỉnh hai trụ biểu gắn chìm tạo hình hai búp sen nở và hai quả cầu lớn. Bên dưới ghi: Cẩm Phô Hương Hiền. Tiền đình được xây dựng theo kiểu 4 mái, mỗi đầu kèo đều có chạm hình “lồng đèn”, ở giữa có bức hoành “Hương Hiền tự”.
Nối tiếp tiền đình là chính điện gồm 5 gian, mỗi gian được ngăn cách bởi những hàng cột và hệ tường cao giáp nóc, đồng thời tạo thành 3 lối đi hình bán nguyệt. Ba gian giữa có bàn hương án chạm trổ chi tiết. Hai bên tiền đình là nhà đông, nhà tây dựng theo kiểu nhà ba gian. Bờ nóc chạm hình chim phượng chầu mặt nguyệt, mái lợp ngói âm dương.

Đình làng Cẩm Phô là đình làng lâu đời nhất của người Việt ở Hội An

Ảnh: Hữu Trà

Đình làng Cẩm Phô trước thờ bà Đại Càn và các vị thần sông nước, về sau kết hợp thờ các vị Tiền hiền và Hậu hiền của làng. Cũng có thông tin cho rằng, đình làng dời từ Cẩm Nam về vị trí hiện tại lại nằm gần một ngôi đình cũng của làng Cẩm Phô thờ Tiền hiền và Hậu hiền.

Du khách đến viếng đình nhân dịp đầu năm

Ảnh: Hữu Trà

Đình làng Cẩm Phô từng được trùng tạo vào năm 1817, được dân làng Cẩm Phô bảo quản, cúng tế hằng năm. Tháng 12.1990, BQL di tích và dịch vụ du lịch Hội An đã đầu tư kinh phí tu bổ lại đình.

Đình làng Cẩm Phô hiện là nới thu hút đông khách đến tham quan. Nơi đây cũng thường tổ chức các sự kiện như giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản

Ảnh: Hữu Trà

Điều đặc biệt là vào năm 1989, Hội An đưa hiện vật, bản vẽ phố cổ Hội An vào TP.HCM trưng bày, giới thiệu cho người dân thành phố biết về một Hội An cổ kính và trầm mặc. Nhiều người dân TP.HCM đến xem triển lãm, trong đó có các cụ già quê Quảng Nam, Hội An rất xúc động, bùi ngùi lần tìm về ký ức qua những bức ảnh, bản vẽ phố cổ Hội An. Khi nhìn thấy bão số 2 tàn phá Hội An qua video, nhiều người không cầm được nước mắt, đã quyên góp ủng hộ, chung tay khắc phục hậu quả cơn bão số 2 và trùng tu di tích bị hư hại.
Ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nhấn mạnh việc tu bổ kịp thời Đình làng Cẩm Phô có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đây là “di tích sống” cho việc nghiên cứu hình thành làng xã ở Hội An vào thế kỷ 15.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.