Anh Ân kể, theo lời ông ngoại anh thì người đàn ông đầu tiên bán mì vịt ở Sài Gòn là một người gốc Hoa đến từ Hải Phòng, còn ông ngoại anh bán sau người đàn ông này.
Sau giải phóng, tiệm mì vịt tiềm Hải Ký chuyển về đầu một con hẻm ở đường Nguyễn Trãi. Lúc đó, gia đình anh định chuyển ra nước ngoài sinh sống nên dừng bán, nhưng rồi sau đó lại quyết định không đi. Quán chuyển về địa chỉ 349 Nguyễn Trãi như bây giờ. Quán rất đắt khách nên chẳng bao lâu mẹ anh Ân là bà Phùng Nữ (người kế nghiệp ông ngoại anh Ân) đã mua thêm được căn nhà 351 kế bên để mở rộng không gian phục vụ.
Vịt tiềm rồi chiên giòn ăn cũng cực kỳ hấp dẫn
|
Mì ăn cùng vịt rất dai và giòn
|
Bên cạnh mì vịt tiềm Hải Ký thuộc hàng lâu đời nhất, người Sài Gòn cũng có thể tìm thấy nhiều quán mì vịt tiềm có tuổi đời vài chục năm như Mì vịt tiềm Thiêm Huy (455 Nguyễn Trãi, Q.5), Lương ký mì gia (số 1 Huỳnh Mẫn Đạt, Q.Bình Thạnh), Huê Ký (61 Thuận Kiều, Q.5), Bồi Ký (50 Nguyễn Huy Tự, Q.1), Quyền Ký mì gia (21 Trần Cao Vân, Q.1), tiệm Tân Tòng Lợi ( 311 Võ Văn Tần, Q.3), mì vịt tiềm Hoàng Diệu (số 3 Hoàng Diệu, Q.4)...
Thường tại các quán mì vịt tiềm lâu đời thì giá một tô mì vịt với một đùi vịt lớn lên tới gần 100 ngàn đồng/tô, đắt ngang với các tiệm
hủ tiếu lâu đời. Các quán mì vịt có tuổi đời ít hơn và bán phần vịt ít hơn thì giá khoảng vài chục ngàn đồng/tô.
Với sự phổ biến của Youtube và Google, nếu bạn đi tìm từ khóa món mì vịt tiềm bằng tiếng Anh (Chinese duck noodle soup), bạn sẽ dễ dàng tìm thấy món ăn này, tuy nhiên, rất tiếc rất hiếm nơi nào có tô mì đẹp như tô mì vịt tiềm Sài Gòn và cách nấu cũng hoàn toàn khác.
Tô mì vịt tiềm kiểu Thượng Hải ở Mỹ, trông khá giống mì vịt tiềm Sài Gòn nhưng không có rau cải và không ăn kèm đu đủ ngâm chua
|
Đặc trưng của tô mì vịt tiềm ở Sài Gòn là sợi mì dai (tự làm hoặc đặt làm riêng) ăn kèm với vịt đã tiềm mềm hoặc tiềm rồi chiên giòn, cùng với rau cải ngọt nấu mềm, một hai cái nấm đông cô, trong nước dùng màu sẫm có nhiều gia vị thuốc Bắc. Chỉ có mì vịt tiềm Sài Gòn ăn kèm với đu đủ ngâm chua (giúp tiêu hóa thịt rất tốt), giấm Tiều và nước tương, tương ớt.
Thật khó lòng mà biết các loại gia vị trong nước mì vịt và mỗi quán sẽ phối vị thuốc Bắc một kiểu. Một Youtuber chia sẻ công thức bí truyền nấu mì vịt tiềm từ một đầu bếp người Hoa, theo đó có các gia vị như: gừng, sả, riềng, hành tím, nấm đông cô, thục địa, quế, hoa hồi, thảo quả, đinh hương, trần bì (vỏ quýt khô), la hán quả, hoa tiêu, hắc xì dầu...
Vịt sau khi tẩm ướp, chiên sơ sẽ cho vào nồi tiềm mềm
|
Có lẽ vị ngọt của nồi nước lèo mì vịt tiềm không chỉ đến từ vịt mà còn từ gia vị ngọt thanh như la hán quả, đường phèn và thục địa.
Vịt sau khi ướp gia vị và tạo màu thì sẽ đem chiên sơ, sau đó cho vào tiềm cho mềm. Trước khi dọn ra cho khách, tùy theo yêu cầu mà vịt tiềm xong cho vào tô mì luôn hoặc đem đi chiên giòn một lần nữa để trong mềm, ngoài giòn.
Vịt được chiên sơ trước khi tiềm
|
Mì vịt tiềm quả thực là một trong những món thuộc hàng ngon nhất Sài Gòn cần phải thử cho những du khách tới đây, vì không ở đâu trên thế giới, bạn có thể tìm thấy món ăn này hoàn hảo đến vậy.
Những lý giải về văn hóa ẩm thực chỉ nhìn ở một vài khía cạnh thì cũng là chưa bao quát. Rất mong quý độc giả Thanh Niên có thêm nhận xét về chủ đề này ở phần bình luận cuối bài.
|
Bình luận (0)