Đây là quan điểm của TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong VN trong bài trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về việc lấp lấn sông Đồng Nai để làm dự án.
Đại công trường lấp lấn sông Đồng Nai - Ảnh: Đình sơn
|
Tác động mang hiệu ứng domino
|
- Tôi mới được tiếp cận các thông tin của dự án và một số thông tin cơ bản qua phản ánh của báo chí. Về mặt nguyên tắc có mấy điểm cần lưu ý thế này.
Thứ nhất, sông Đồng Nai là một con sông liên tỉnh, có lưu vực trải trên 11 tỉnh, thành chứ không phải chỉ thuộc “sở hữu” của riêng tỉnh Đồng Nai. Việc lấp sông sẽ tạo ra những tác động mang hiệu ứng domino từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Tuy nhiên qua Báo Thanh Niên tôi được biết cả ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai và ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai đều không được tham vấn, báo cáo mà chỉ biết về vụ việc sau khi báo chí phản ánh.
Thứ hai, chỉnh trị sông là hoạt động có yêu cầu rất cao về khoa học - công nghệ và phải được nghiên cứu hết sức kỹ càng, thận trọng vì tính chất phức tạp của nó. Hàng chục năm qua đã có rất nhiều công trình chỉnh trị trên nhiều dòng sông nhưng đến nay hiện tượng sạt lở, bồi lắng, dịch chuyển dòng chủ lưu vẫn là một vấn đề rất lớn, gây nhiều tác động cho dân cư và các cơ sở hạ tầng ven sông. Dự án này theo như công bố sẽ lấp lấn từ 50 - 100 m ra sông, tạo nên một diện tích tới trên 7,7 ha chắc chắn sẽ có những tác động lớn về nhiều mặt đến dòng chảy, điều kiện lòng và bờ sông. Đó là chưa kể quá trình san lấp, đào bới sẽ tạo nên khối lượng đất đá khổng lồ tác động đến chất lượng nước hạ lưu, rồi việc chặt hạ hệ thống cây cối ven bờ để lấn sông cũng tạo những tác động kéo dài hàng chục năm.
Thứ ba, về mặt pháp lý, dự án này có dấu hiệu vi phạm luật Tài nguyên nước (2012). Cụ thể luật đã nghiêm cấm việc xây dựng công trình trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông cũng như việc xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Dự án này chắc chắn cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, hành lang bảo vệ nguồn nước và phòng chống sạt lở cũng là hành vi vi phạm... Nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản của Chính phủ đã quy định rất rõ việc xử phạt trong đó có các hành vi mà dự án lấp lấn sông Đồng Nai đang thực hiện.
Có thể nói việc san lấp, xây dựng lấn ra sông tới trên 7 ha là một việc lớn. Dù đã có tính toán, đánh giá như thế nào thì rõ ràng việc đó cũng có tác động nhiều mặt không chỉ tại Đồng Nai mà còn các địa phương khác. Đồng Nai cần có đánh giá tác động tổng thể về tác động của dự án trên quy mô toàn lưu vực.
Tạo ra một tiền lệ nguy hiểm
|
- Doanh nghiệp thì đương nhiên có lợi nhuận họ mới đầu tư. Có thông tin ước tính chủ đầu tư có lãi tới 460 tỉ đồng trong dự án này. Lợi ích lớn như vậy thì ai lại không tâm huyết... Tuy nhiên, việc bao nhiêu phần trăm dành cho các công trình công cộng không quan trọng vì kể cả “100% cho công cộng” thì dự án cũng không ổn vì những lý do đã nêu ở trên.
Cá nhân tôi cho rằng dự án sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Nếu Đồng Nai lấn sông được thì các tỉnh khác cũng làm được. Chỉ cần thử đặt vấn đề lấn sông làm đô thị xem, chắc chắn đây là một việc kinh doanh mang lại nhiều lợi tức cho chủ đầu tư. Họ chỉ cần san lấp mà không mất tiền đền bù. Đụng đến một con sông là đụng đến tài nguyên thiên nhiên, đụng đến sinh kế của hàng trăm nghìn con người liên quan đến dòng sông ấy. Dù ai làm và lợi ích của ai không thể nào nói lấp lấn sông là hợp lý được. Điều mà tôi mong mỏi là Đồng Nai sẽ tiếp tục tích cực bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững tài nguyên nước sông Đồng Nai như trước đây từng thực hiện.
* Tỉnh Đồng Nai gọi đây là dự án “cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai”. Có quan điểm cho rằng với dự án dường như Đồng Nai lựa chọn sự phát triển hoành tráng trong ngắn hạn trong khi lại hy sinh sự phát triển bền vững, lâu dài. Ông đánh giá như thế nào về nhận định đó?
- Tôi rất ủng hộ việc chỉnh trang làm đẹp đô thị nhưng việc lấn sông với một diện tích lớn như vậy không thể coi là “cải tạo cảnh quan ven sông” được. Dự án này rõ ràng phá hoại sự tồn tại của điều kiện tự nhiên ổn định, gây tác động lớn đến môi trường, xã hội cũng như sự phát triển bền vững. Tôi đồng ý phải có sự đánh đổi, hy sinh để phát triển nhưng đây không phải đánh đổi mà là xâm lấn.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)