Dự luật Điện ảnh chế định 'mơ hồ'

29/10/2021 06:11 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá dự thảo luật Điện ảnh đưa ra các điều cấm tràn lan, gây áp lực cho hoạt động sáng tạo, đồng thời các chính sách phát triển điện ảnh chưa rõ ràng.

Ngày 28.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi). Dù hầu hết đại biểu (ĐB) đánh giá việc sửa đổi luật là cần thiết, giúp điện ảnh VN phát triển theo kịp thế giới, nhưng còn không ít băn khoăn về tinh thần sửa đổi luật cũng như các chế định cụ thể.

“Không nên ngăn cấm một cách tràn lan”

Dành trọn thời lượng 7 phút, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu ra hàng loạt vấn đề. Theo ông Nhân, điều khó khăn nhất khi chấp bút dự án luật Điện ảnh lần này là đưa một hoạt động mang tính chất nghệ thuật sáng tạo vào khuôn khổ và mục tiêu chính của dự luật là “hài hòa giữa quản lý nhà nước về hoạt động điện ảnh mà không gây ức chế sáng tạo để người nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc”.

ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng dự thảo luật Điện ảnh cần tạo điều kiện để người nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc

TTXVN

Tuy nhiên theo đánh giá của ĐB Phạm Trọng Nhân, dự thảo luật có nhiều chế định “còn khá mơ hồ”, có thể trở thành vòng cương tỏa vô hình áp lên tư duy sáng tạo của người làm phim. Dẫn điều 3 dự thảo luật định nghĩa “Điện ảnh là ngành nghệ thuật sáng tạo, áp dụng công nghệ nghe nhìn và các thủ pháp sáng tác để sản xuất phim”, ĐB Nhân cho rằng đã không chuẩn: “Thủ pháp nghệ thuật thuộc về kinh điển, về khả năng sáng tạo của người làm phim. Do đó, với quy định và logic như trên thì nhà nước phải quản lý gì về thủ pháp sáng tác?”. Bên cạnh đó, dự luật lần này có đến 17 điểm quy định các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có những điểm cấm rất mơ hồ với tầm bao quát rộng mà khi áp dụng chắc chắn sẽ trói buộc sự sáng tạo, khả năng thăng hoa của đạo diễn ngay từ khi những xúc cảm đầu tiên được khởi sự. Cụ thể “vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, pháp luật” là khoản chưa cụ thể đầu tiên trong 17 điểm cấm của dự luật. Trong khi theo ĐB Nhân, qua rà soát thì Hiến pháp không có điều khoản nào liên quan.

ĐB Trần Thị Vân đề nghị làm sao để VN có thể trở thành điểm đến thân thiện cho các nhà làm phim

TTXVN

ĐB Bình Dương cũng nêu cảm nhận điện ảnh VN trong thời gian qua “dường như sợi dây kiểm duyệt đang bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm điện ảnh”. Theo đó “Tâm trạng lo âu, thấp thỏm của các đạo diễn khi đi kiểm duyệt phim khiến công chúng mường tượng quang cảnh một phiên tòa”. Từ đó ông Phạm Trọng Nhân cho rằng việc “căn ke” tác phẩm điện ảnh vào đường biên của lề luật rất cần cả sự trân trọng và thận trọng. Phải có đủ tinh tế mới cảm nhận hết những xúc cảm của con người, đồng thời cần có những cuộc thảo luận cởi mở, lắng nghe và thấu cảm nhằm xóa đi ranh giới giữa nhà quản lý và đối tượng quản lý cho một hoạt động đậm tính đặc thù, mang tâm thế và cách tiếp cận mới, phù hợp.

Cùng quan điểm, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) bày tỏ, điện ảnh là nghệ thuật sáng tạo, tác giả có thể dùng những thủ pháp điện ảnh như so sánh, đòn bẩy để chuyển tải những nội dung và thông điệp muốn hướng tới, như tính nhân văn, giá trị cao quý của tình cảm gia đình, lối sống trung thực, trọng nghĩa. Do đó cần nhận diện và đánh giá chính xác, không nên ngăn cấm một cách tràn lan.

Mục tiêu đột phá, giải pháp thì không

ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) bày tỏ sự quan tâm đến các chính sách phát triển điện ảnh gắn với quy định của dự thảo. Theo đó, điều 5 dự luật nêu “Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh”, nhưng đây là quy định không mới, nêu chung chung và đã có trong luật hiện hành.

“Nếu chúng ta tiếp tục giữ cách tiếp cận này trong luật Điện ảnh (sửa đổi) thì chắc chắn các nhà làm phim VN cũng sẽ tiếp tục không được hưởng các ưu đãi nêu trong dự thảo của luật. Bài toán sửa luật khó đạt được mục đích đề ra, mục tiêu đề ra thì đột phá nhưng chính sách không đột phá thì không thể hoàn thành được mục tiêu”, bà Vân nhận xét.

Tương tự, đối với quy định tại điều 42 về thu hút tổ chức người nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại VN, dù thể hiện sự ưu ái hơn nhưng không được hướng dẫn trong dự thảo nghị định, chưa tạo được hành lang pháp lý mang tính đột phá.

Bà Vân đề nghị nên tham khảo chính sách ưu đãi của Thái Lan, một đất nước có nhiều tương đồng và rất thành công trong chính sách kêu gọi. Theo đó, năm 2018, Thái Lan áp dụng chính sách ưu đãi từ 15 - 20% hoàn thuế cho các đoàn làm phim nước ngoài thì ngay trong năm đó, họ đã thu hút được 714 đoàn làm phim quốc tế đến quay tại Thái Lan và mang lại doanh thu 98 triệu USD.

“Là những người làm luật, chúng ta hãy nghĩ nhiều hơn theo hướng làm sao để VN có thể trở thành điểm đến thân thiện cho các nhà làm phim hơn là làm sao để chúng ta quản lý và kiểm soát họ”, ĐB Vân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.