Đu tàu lửa giữa Mumbai

06/09/2022 08:28 GMT+7

Mỗi ngày có chừng 8 triệu người đi trên những toa tàu chật kín của hệ thống tàu ngoại ô, vốn được thiết kế để chở vài trăm người mỗi toa nhưng thường xuyên được lèn chặt cả ngàn người.

Cửa ngõ Ấn Độ

Thoạt tiên cái cổng này được dựng lên để kỷ niệm chuyến thăm của vua George V và Hoàng hậu Mary vào tháng 12 năm 1911 dự lễ mừng đăng cơ tại Delhi. George V là vị quân chủ đầu tiên của Anh đến Ấn Độ.

Nó được động thổ vào năm 1913 và khánh thành vào năm 1924.

Trớ trêu thay, vua và hoàng hậu Anh chưa có dịp đi qua cánh cổng này nhưng nó lại có vinh dự tiễn chân những người lính Anh cuối cùng rời khỏi Ấn Độ vào năm 1948, chấm dứt nền cai trị thực dân của Anh tại đây.

Cùng với sự ra đi của người Anh, người Ấn Độ dần dần trở lại với chính mình. Chúng ta thấy điều đó ở nhiều thứ, chẳng hạn những địa danh.

Bombay trở thành Mumbai; Calcutta thành Kolkata. Nhiều địa danh đã được đổi tên để trở nên gần hơn với phát âm và văn hóa bản địa, thay vì tiện lợi cho cách phát âm của người Anh, điều mà người Anh luôn làm ở tất cả những nơi họ đến.

Cái cổng mang tên Cửa ngõ Ấn Độ (Gateway of India) này ngày nay cũng đồng nghĩa với vị trí và vị thế của Mumbai

Đỗ hùng

Bước qua cửa ngõ này chúng ta sẽ bắt gặp một đất nước vĩ đại, quyến rũ, đông đúc, lộn xộn. Giàu có tột đỉnh và bần hàn đồng thời. Công nghệ phát triển vượt bậc và những thứ ngô nghê thô sơ như từ thế kỷ trước song tồn.

Đu tàu giữa Mumbai

Tomar lớn lên ở miền bắc Ấn Độ nhưng đã xuống Mumbai để phát triển sự nghiệp. Sau nhiều năm lăn lộn, anh chàng đẹp trai bèn trở thành người phụ trách sản phẩm của một công ty công nghệ hàng đầu.

“Sao anh chọn Mumbai?”

“Bởi vì ở đây nhiều cơ hội".

Mumbai là vùng đại đô thị với hơn 30 triệu dân, trong đó phần lõi chừng 20 triệu, là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Ở giữa nơi chốn đông đúc ấy, mỗi ngày Tomar đi làm bằng tàu ngoại ô (Mumbai Suburban Railway).

“Anh đu tàu chứ?”

Tôi hỏi, trong đầu hiện lên hình ảnh một chiếc tàu chạy đâu đó ở miền quê Ấn Độ với người đu kín xung quanh, đứng cả trên nóc tàu. Tôi không rõ đó là hình đã qua chỉnh sửa hay hình thật, nhưng nó minh họa một cách sống động việc đi lại ở đất nước đông dân thứ nhì và có vẻ chật chội nhất thế giới này.

Tomar bảo anh ta từng đi như thế.

“Ngày nay người ta vẫn đu tàu chứ? Hay chỉ có ngày xưa?”

“Còn chứ" (Nowadays as well).

Mumbai là một siêu đô thị, nơi có nhiều tỉ phú và triệu phú nhất Ấn Độ. Thống kê mới nhất cho thấy thành phố có 51 tỉ phú và 249 bách triệu phú (những người có từ 100 triệu đô la Mỹ trở lên nhưng chưa tới tầm tỉ phú).

Ông Mukesh Dhirubhai Ambani, Chủ tịch Reliance Industries - người có gia tài hơn 100 tỉ đô la Mỹ, sống tại thành phố này. Khi chạy xe dọc đường Altamount được mệnh danh là con đường tỉ phú để ra vùng bán đảo Mumbai, bác tài xế nghèo Ibrahim Sheikh đã chỉ cho tôi tòa nhà Antilia 27 tầng của Ambani, được coi là ngôi nhà riêng đắt nhất thế giới. Một số nguồn báo chí uy tín cho biết, chi phí cho ngôi nhà này khoảng 2 tỉ đô la Mỹ.

Tác giả ở nhà ga với bức tượng đu tàu ở Mumbai

Mumbai đồng thời là thành phố của người cùng khổ sống trong những khu ổ chuột xen kẽ giữa các khu phố sầm uất. Trong phim Triệu phú khu ổ chuột có hình ảnh khiến người coi rợn người: một cậu bé nhảy ùm xuống hố nước đầy phân. Phim ảnh thì phóng đại, nhưng ở trường hợp này cũng phản ánh một phần thực tế nghèo khó bần cùng của một bộ phận rất lớn cư dân Mumbai.

Với quy mô dân số tương đương một nước cỡ Ả Rập Xê Út hoặc Uzbekistan, Mumbai lại không có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và hiện đại, xứng tầm với trung tâm tài chính của Ấn Độ.

Mỗi ngày có chừng 8 triệu người đi trên những toa tàu chật kín của hệ thống tàu ngoại ô, vốn được thiết kế để chở khoảng vài trăm người mỗi toa nhưng thường xuyên được lèn chặt vài ngàn người.

Hệ thống đường sắt này được xây dựng từ 169 năm trước và dù đã được cải tiến theo thời gian thì những chuyến tàu cũ kỹ vẫn mang hình hài như của nửa đầu thế kỷ trước.

Do không có hệ thống điều hòa và thông hơi hiệu quả, tàu phải mở cửa sổ và cửa chính khi chạy. Với lượng khách chật cứng như vậy nên việc có người sẩy chân rơi xuống là chuyện không hiếm.

Cảnh đu tàu ở Mumbai đã trở thành kinh điển

chụp màn hình Business insider

Trong giai đoạn mười năm từ 2002 đến 2012, có tới 36.152 người thiệt mạng và một con số tương đương vậy bị thương trên hệ thống tàu này của Mumbai. Năm 2008, mỗi ngày trong tuần trung bình có 17 người chết.

Thỉnh thoảng cũng có vài vụ khủng bố khiến cho số người chết trên mạng lưới đường sắt này tăng cao.

Tháng 7 năm 2006, bảy vụ đánh bom liên tiếp trong 11 phút đã làm chết tới 209 người; sau đó hai năm là vụ xả súng và quăng lựu đạn ở nhà ga Chhatrapati Shivaji Terminus còn khiến thêm 60 người nữa thiệt mạng. Vụ thứ hai này là một phần trong chuỗi khủng bố chấn động Mumbai, với hàng loạt mục tiêu bị tấn công như quán cà phê Leopold, khách sạn Taj Mahal Palace…

Mình ăn gì khi mình ở Mumbai

Buổi sáng tôi muốn ăn một món gì thật Ấn bèn kêu cậu đầu bếp của khách sạn làm món chole bhature. Cậu ta bắt đầu bằng việc cán mẩu bột maida dẹt ra, xong thả vào cái chảo dầu sôi sùng sục. Trong chốc lát mẩu bột trắng đã biến thành chiếc bánh chiên phồng lên. Đấy là bhatura.

Xong cậu ta đặt lên đĩa và xúc thêm vài muỗng chất sền sệt màu nâu đậm, gọi là chole masala. Nó là món đậu gà hầm với nhiều hương liệu như ngò, quất, hành...

Món bánh hamburger của người Ấn

Đỗ hùng

Nghĩ đã có một món Ấn chính hiệu tôi bèn chụp hình gửi qua WhatsApp cho anh bạn Avnish trên Delhi để khoe, anh ta bảo hay đấy, nhưng đây là món ăn ở bắc Ấn.

“Ở Mumbai thì cậu phải thử wada pav và cutting chai".

Tôi bèn lưu lại hai từ khóa này để lát nữa kêu mấy người bạn mới ở Mumbai dẫn đi thử cho biết. Hóa ra cutting chai là thứ mà tôi đã uống hồi sáng hôm trước trong một cuộc họp với đối tác. Nó là một nửa suất (cutting) trà (chai) sữa.

Nói thì đơn giản vậy thôi chứ trà sữa ở đây hoàn toàn khác với thứ trà sữa Đài Loan.

Dù rằng “chai” là tiếng Hindi có bà con với từ “cha” (trà) trong tiếng Hán thì khái niệm trà, hay cách ướp trà của người Ấn, lại là một văn hóa hoàn toàn khác. Nhấp một ngụm trà, bèn nghe ra trong đó có hương quế, hương tiêu, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu và đặc biệt là, dường như, có chút gì đó thoang thoảng cà ri. Đấy là chưa kể đến sữa và bản thân lá trà ở vùng này, với đặc trưng thổ nhưỡng khác biệt, cũng đã rất khác với trà Á Đông.

Thế nên, khi uống một chút trà chỉ rót chừng nửa ly ấy, như chạm vào chút gì đấy bí ẩn thâm u của người Ấn. Và bởi ở đây người ta uống trà rất nhiều, nên chăng phải rót mỗi lần lưng ly, để dù có uống nhiều lần cũng không đến mức quá chén. Đấy chính là nguồn gốc của “cutting chai” (trà nửa ly).

Đến đây bèn bàn qua món wada pav hay vada pao, đọc lên thì cứ như là bánh bao vậy. Mà nó cũng giông giống bánh bao thật, đúng ra là hamburger, nhưng khi thấy tôi đòi nằng nặc thì cô bạn Shradha cảnh báo "cay lắm". Đúng là cay thật, vì nó hầu như luôn có ớt nguyên trái bên trong.

Món bhatura của người Ấn

Đỗ hùng

Người Ấn Độ thích ăn chay. Nhưng giữa một thế giới hối hả như Mumbai thì người ta không có đủ thời gian để ngồi vào bàn cho những bữa ăn đâu ra đấy. Thế là một ai đó đã nghĩ ra chuyện làm bánh khoai tây chiên kỹ, thêm ớt và một tỉ thứ nguyên liệu bí ẩn nữa, thành ra một món chay bình dân đặc trưng của xứ sở Maharashtra.

Wada pav thoạt tiên được bán ở lề đường, nhưng rồi theo thời gian đã dần len lỏi đi vào nhà hàng để phục vụ các thực khách muốn thưởng thức một chút gì đó dẫu không cao lương mỹ vị thì cũng đậm đà văn hóa xứ sở. Chuỗi thức ăn nhanh Goli Vada Pav nổi tiếng của Mumbai cũng lấy tên từ món này.

Cố nhiên khi nói về đồ ăn Ấn Độ, đông đảo chúng ta sẽ thốt ra từ khóa “cà ri”. Đó là định kiến dán nhãn.

Kỳ thực, nó không hề đơn giản vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.