Dự thảo chi tiết luật Bảo vệ môi trường 2020 dễ tạo cơ chế xin - cho

13/10/2021 11:45 GMT+7

Chiều 12.10, 11 hiệp hội ngành hàng đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan xoay quanh Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo các hiệp hội, bản Dự thảo ngày 5.10 là phiên bản chỉnh lý sửa đổi sau buổi họp thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 27.9 nhưng vẫn còn khá nhiều nội dung lớn không phù hợp với các luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Các hiệp hội cho rằng Dự thảo quy định chi tiết về luật Bảo vệ môi trường 2020 gây ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp

công hân

Vì thế, các hiệp hội đưa ra 6 kiến nghị. Đó là cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm, do thủ tục cấp giấy phép môi trường trong Dự thảo rất phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, không rõ ràng, rất dễ tạo cơ chế xin - cho ảnh hưởng đến môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam mà không đạt được mục đích bảo vệ môi trường tốt hơn. Thứ hai, cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư - kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như quy định về khoảng cách an toàn với khu dân cư áp dụng với cả doanh nghiệp đã hoạt động từ trước đây, nếu có dân đến ở gần thì doanh nghiệp phải di dời nhưng chi phí di dời do ai trả thì không đề cập. Quy định này mâu thuẫn với luật Đầu tư và không phù hợp với thực tiễn. Hay quy định phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động không rõ dựa vào căn cứ nào? Dự thảo ngày 20.7, quy định đưa ra mức nước thải 500 m3/ngày đêm, đến ngày 10.8 giảm xuống còn 200 m3 và Dự thảo ngày 5.10 đưa trở lại 500 m3. Còn quy định hiện tại đang ở mức 1.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó quan trắc tự động rất tốn kém về chi phí đầu tư, vận hành và Dự thảo cũng không phân biệt giữa các loại nước thải ít ảnh hưởng đến môi trường (như nước rửa cá) với nước thải ảnh hưởng nhiều đến môi trường (sơn mạ).

Thứ ba, bãi bỏ quy định thành lập Văn phòng EPR và Hội đồng EPR do không có đề cập hay quy định trong luật Bảo vệ môi trường 2020, không có cơ sở pháp lý; làm tăng biên chế bất hợp lý. Thứ tư, cần phải bổ sung khung pháp lý và khung pháp lý phải rõ ràng nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải” do các doanh nghiệp thấy không đúng mục đích và trái luật. Thứ năm, điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam, không để mức quy định thiếu phù hợp, chưa rõ cơ sở khoa học, thiếu công bằng, phí chồng phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tăng giá thành sản phẩm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Thứ sáu, các doanh nghiệp kiến nghị lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1.2025 để có thời gian xây dựng công nghiệp tái chế chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng được khả thi, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Các hiệp hội cùng ký tên bản kiến nghị bao gồm Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chè, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.