Dự thảo điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu 'loại' nhiều đối tượng

01/08/2023 10:46 GMT+7

Với mục tiêu đạt 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu theo Quy hoạch điện 8, mới đây, Bộ Công thương có ý kiến "không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mái nhà".

Khách sạn, trường học, bệnh viện... bị loại

Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam, Bộ Công thương cho hay, tại Quyết định số 500 phê duyệt Quy hoạch điện 8 có đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu được đặt ra là 2.600 MW.

Với quy mô này, Bộ Công thương nhấn mạnh là không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Vì chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021 - 2030) được đặt ra. Đây là chưa kể điện mặt trời trên mái nhà của cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản, tự tiêu đã có thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trước đó.

Dự thảo cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng 'loại' nhiều đối tượng - Ảnh 1.

Bộ Công thương tính với 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự dùng đến năm 2030, mỗi gia đình chỉ cần lắp 1kW là đạt mục tiêu

H.H

Theo Bộ Công thương, vẫn cần thiết có sự quản lý của nhà nước, giám sát về phát triển điện mặt trời mái nhà đúng với cơ cấu nguồn và phù hợp với Quy hoạch điện 8 được phê duyệt. Thế nên, Bộ này kiến nghị cho phép điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu, tự sử dụng được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện) nhưng không phát điện lên lưới. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích này.

Tuy nhiên, nhiều bộ ngành khác lại đề nghị nên mở rộng phạm vi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không nên "gói" trong cơ chế chỉ khuyến khích làm điện mái nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp mà cơ chế khuyến khích lắp điện mái nhà nên mở rộng cho các công trình khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ năng lượng lớn như: trường học, bệnh viện, khách sạn, khu công nghiệp…

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu như dự thảo Bộ Công thương chỉ là một trong những giải pháp bổ sung thêm nguồn cung điện, nhất là tại một số khu vực có nhu cầu tăng trưởng tiêu thụ cao nhưng nguồn cung mới lại ít như miền Bắc. Tuy vậy, đối với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, rất nhiều nơi đang cần lắp điện mặt trời để có chứng chỉ xanh, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của một số thị trường nhập khẩu lại không có trong cơ chế khuyến khích lắp đặt điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu. Hoặc ngay các dịch vụ khách sạn, trường học… trong xu thế mới cũng cần đáp ứng chuẩn xanh như lựa chọn của các khách hàng lớn. Thế nên, việc bỏ các đối tượng cần "xanh" ngoài cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu là chưa phù hợp thực tế. 

Cần mở rộng đối tượng

TS Mai Duy Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam - nhận xét cốt lõi của Quy hoạch điện 8 là ưu tiên phát triển điện mái nhà tự sản, tự tiêu. Đến nay chưa có văn bản nào ngoài Quy hoạch điện 8 liên quan đến phát triển điện mặt trời trong thời gian tới thế nào. Tuy nhiên, nên mở rộng cho các đối tượng tiêu thụ điện nhiều có nhu cầu lắp đặt như khách sạn, bệnh viện, khu công nghiệp… phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. 

Ông nói: Nguồn năng lượng tái tạo này chỉ mục đích phục vụ tại chỗ, không phát lên lưới thì không ảnh hưởng đến khả năng truyền tải, nhưng giải quyết rất lớn tình trạng thiếu điện vào mùa cao điểm. Hơn nữa, nếu chỉ ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà đơn lẻ trên mái từng hộ dân, công sở sẽ rất khó đạt được mục tiêu phát triển nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải và tham gia vào chiến lược phát triển năng lượng xanh của đất nước.

Nêu quan điểm trên trang cá nhân, chuyên gia tư vấn chiến lược và quản trị doanh nghiệp Ngô Quý Nhâm cho rằng, cần khuyến khích việc các doanh nghiệp có nhà máy ở các khu công nghiệp hay trường học lắp đặt hệ thống điện mặt trời vì đa số có mặt bằng lớn. Điều này giúp giảm chi phí năng lượng, giảm tải cho hệ thống điện quốc gia. Trong thực tế, điện mặt trời dùng cho hệ thống chiếu sáng, làm mát và phụ trợ là giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí. Hơn nữa, đây là chương trình khuyến khích làm điện tự sản, tự tiêu nhằm giảm chi phí, không phải là dự án điện mặt trời có quy mô lớn kết nối vào hệ thống mạng lưới điện quốc gia, nên không thể nói việc khuyến khích lắp đặt này đe dọa đến an toàn hệ thống.

"Bộ Công thương nên căn cứ vào xu hướng thế giới, vào luật để trả lời khuyến khích hay không", chuyên gia Ngô Quý Lâm nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.