Cần quy định rõ hơn đối với đất tôn giáo
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vừa tổ chức, bà Võ Thị Dung, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, Điều 203 dự thảo quy định: "Đất tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp của các tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động".
"Đối với đất tôn giáo thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo", dự thảo luật Đất đai còn nêu.
Bà Dung cho rằng quy định này chưa bao quát, cần mở rộng hơn nữa về việc được quyền sử dụng đất tôn giáo: "Theo tôi, dự thảo luật Đất đai nên bổ sung thêm cho đầy đủ, đất tôn giáo phải kể cả đất sản xuất, đất làm những dịch vụ phúc lợi để lo cho hoạt động từ thiện - xã hội".
Bà Dung cũng đề xuất nên có quy định về quy hoạch đất tôn giáo. Bởi hiện nay một số cơ sở tôn giáo quá tải nhưng điều kiện giao đất rất khó khăn. Chẳng hạn như ở TP.HCM, không có đất để giao.
"Cần cho tôn giáo được thương lượng đối với những trường hợp người dân hiến tặng đất và phải xem xét công nhận phần diện tích đó", bà Dung nêu.
Cũng tại hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM), dẫn chứng, theo số liệu kiểm kê đất đai đến cuối năm 2019, cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo đang sử dụng gần 600.000 ha, chiếm gần 2% tổng diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng.
Trong đó, đất lâm nghiệp gần 550.000 ha, đất sản xuất nông nghiệp các loại hơn 3.600 ha, đất cơ sở tôn giáo có hơn 13.200 ha, đất cơ sở tín ngưỡng hơn 7.100 ha. Đất cơ sở tôn giáo đã tăng gần 1.700 ha; đất tín ngưỡng tăng hơn 600 ha.
"Tôi đề nghị trong quá trình sửa đổi luật Đất đai, cần xem xét quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Việc này sẽ góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả", luật sư Hậu nói.
Luật sư Hậu còn cho rằng cần có quy định cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế để xây dựng khu du lịch liên quan đến tôn giáo.
Đồng thời nên tách bạch đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (không thu tiền sử dụng đất) và thu tiền thuê đất đối với đất du lịch dịch vụ, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Luật không quy định nhưng dự thảo lại đưa vào
Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Vinh Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, tại khoản 1, Điều 204 dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), quy định: "Đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng gồm đình, đền, miếu, am, đất rừng tín ngưỡng".
Như vậy, dự thảo luật Đất đai đã bỏ "đất từ đường, nhà thờ họ" là một trong những loại đất tín ngưỡng.
TS Huy cho rằng điều này là chưa phù hợp với quy định: "Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác" (khoản 4, Điều 2 luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016).
Một bất cập khác, dự thảo nêu "đất thuộc cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động" là đất tôn giáo; và đất tín ngưỡng là đất có công trình tín ngưỡng bao gồm "đất rừng tín ngưỡng".
"Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 đều không quy định về 2 khái niệm này. Theo tôi, việc quy định như trên là không phù hợp, khó có cơ sở áp dụng. Do đó, tôi đề nghị bỏ 2 cụm từ trên trong việc xác định đất tôn giáo, đất tín ngưỡng", TS Huy phân tích.
Xem nhanh 12h: Lộ diện đồng phạm bà Đặng Thị Hàn Ni | Siêu xe không giấy tờ “lạc” vào cao tốc
Bình luận (0)