VN hướng đến mục tiêu công nghiệp dược đạt mức 4
Theo Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện, thuốc sản xuất trong nước chiếm 70% số lượng sử dụng, nhưng chỉ đạt khoảng 45 - 50% về giá trị do chưa chú trọng đầu tư và chưa có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào nghiên cứu chuyển giao công nghệ để sản xuất các thuốc có giá trị cao như thuốc biệt dược, thuốc phát minh, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc xin sinh phẩm và thuốc công nghệ cao do việc đầu tư yêu cầu vốn lớn và công nghệ hiện đại.
VN hướng đến mục tiêu công nghiệp dược đạt mức 4 (là mức công nghiệp dược sản xuất được thuốc phát minh), có chính sách cụ thể về khoa học công nghệ, có ưu đãi với DN phát triển thuốc công nghệ cao, đưa vào một số công nghệ cao, thuốc phát minh vào danh mục ưu đãi, thúc đẩy đầu tư, ưu tiên sử dụng trong nước và hỗ trợ DN xuất khẩu, mục tiêu đến năm 2030 sản xuất 80% số lượng thuốc sử dụng và chiếm 70% giá trị thị trường, đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh; và đến 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỉ USA (theo Mục tiêu tại Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược đến năm 2030 tầm nhìn 2045 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1165/QĐ-TTg ngày 23.12.2023).
Đề xuất sách ưu đãi đầu tư, chuyển giao công nghệ
Về chính sách đề xuất được kỳ vọng tạo bước bứt phá cho công nghiệp dược trong nước, luật sư Bùi Văn Thành, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp VN (VIPFA), phân tích, tại dự thảo sửa đổi bổ sung luật Dược, Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 7, Điều 8 của luật Dược. Cụ thể:
* Sửa đổi Điều 7: Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn; Ưu tiên về trình tự, thủ tục, thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc cần khuyến khích phát triển như: thuốc mới; thuốc biệt dược gốc; thuốc hiếm; vắc xin; thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước; sinh phẩm tương tự đầu tiên sản xuất trong nước; thuốc công nghệ cao;... Áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ liên quan về thuế, vốn,... đối với việc nghiên cứu, sản xuất các thuốc trên.
* Sửa đổi Điều 8 nhằm áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt như đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư với quy mô phù hợp với ngành Dược để khuyến khích phát triển các lĩnh vực cần thúc đẩy, bao gồm:
Nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn dược liệu trong nước, dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, thuốc công nghệ cao, vắc xin và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương người; Nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Thành, để chuyển giao công nghệ đạt hiệu quả, DN cần sự đồng hành chặt chẽ của cơ quan quản lý trong từng bước của quá trình, từ tư vấn kỹ thuật, tài chính đến hỗ trợ pháp lý. Điều này đòi hỏi phải thiết lập các kênh liên lạc và cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các bên, cùng với việc xây dựng các chương trình hỗ trợ DN trong triển khai công nghệ mới.
"Sự hỗ trợ đồng hành này sẽ là đòn bẩy quan trọng, giúp các DN đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất dược phẩm", ông Thành đánh giá.
Cùng với đó, một số chuyên gia cũng nhìn nhận, ngành công nghiệp dược đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý như Bộ Y tế, Bộ KH-CN và Bộ Tài chính, do đó, các bộ ngành liên quan cần tích hợp đồng bộ giữa các quy định liên ngành quy định liên quan đến chuyển giao công nghệ trong ngành dược để doanh nghiệp thuận lợi trong triển khai thực tế.
Việt Nam hiện có hơn 230 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó gần 20 nhà máy đạt GMP-EU.
Năm 2023, thị trường Dược phẩm đạt 8,5 tỉ USD (theo IQVIA) trong đó, sản xuất trong nước khoảng 45% (tương đương 3,15 tỉ USD năm 2022; 3,82 tỉ USD năm 2023). Xuất khẩu dược mới đạt trên 200 triệu USD; nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu khoảng 90%.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, công nghiệp dược VN hiện thuộc nhóm mức độ 3, sản xuất được thuốc generic và tự chủ một phần thuốc chữa bệnh.
Bình luận (0)